Hai mùa xuân lịch sử của Chủ tịch Hồ Chí Minh

07:01, 31/01/2011
Trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, với 30 năm đi khắp thế giới tìm con đường cứu nước, Bác Hồ của chúng ta đã có biết bao những Mùa Xuân đáng ghi nhớ. Bác đã từng đón rất nhiều cái Tết Nguyên đán Việt Nam ở xứ người, ở Niu-Oóc, Luân Đôn, Paris, Mát-xcơ-va, Béc-lin, Quảng Châu. Những cái Tết đạm bạc, nhiều khi chỉ là những bát cháo và bánh mì rẻ tiền ở một quán ăn nhỏ. Những ngày Tết nhớ đất nước, quê hương da diết, cùng với biết bao những dự định lớn lao. 
 Nguyễn Ái Quốc tham gia thành lập Đảng Cộng sản Pháp tháng 12/1920. Ảnh: T.L
Nguyễn Ái Quốc tham gia thành lập Đảng Cộng sản Pháp tháng 12/1920.
Ảnh: T.L

Song trong bài viết này, tôi chỉ xin kể về hai cái Tết đáng ghi nhớ, có thể nói là hai mùa xuân lịch sử của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng thời cũng là hai mùa xuân lịch sử của Cách mạng Việt Nam.

1- Mùa xuân thành lập Đảng
“Bác về kia! Đảng đã ra đời!
Trải mấy phong trần tuổi 40
Tay Bác cầm tay đồng chí trẻ
Tiến lên! Thời đại giục chân người”

                                               Tố Hữu

Những ngày cuối năm 1929. Bác của chúng ta đang ở Thái Lan thì nhận được liên lạc của Quốc tế Cộng sản. Người liên lạc đã chuyển đến Bác lời chào của các đồng chí Hồ Tùng Mậu và Lê Hồng Sơn từ Hồng Kông, và báo cáo với Bác về tình hình các Đảng Cộng sản ở Việt Nam.

Bác lập tức chuẩn bị lên đường. Người đáp xe lửa đi Băng Cốc, rồi đi tàu thuỷ đến Xinh-ga-po. Tại đây Người chuyển sang một con tàu khác đi Hồng Kông. Đây là những tháng năm đầy khó khăn của Bác. Ngày 11-11-1929, theo lệnh thực dân Pháp, toà án Nam Triều ở Vinh đã kết án tử hình 7 người Việt Nam yêu nước, trong đó Người bị kết án tử hình vắng mặt. Nửa tháng sau, ngày 27-11-1929, cụ thân sinh ra Bác, phó bảng Nguyễn Sinh Sắc cũng đã qua đời, thọ 66 tuổi. Song biết bao công việc trước mắt lại đang chờ đợi Bác.

Các đồng chí Hồ Tùng Mậu và Lê Hồng Sơn đã bí mật ra tận cảng biển đón Bác. Bàn bạc với các đồng chí của mình, liên lạc với các đồng chí quen biết cũ của Đảng Cộng sản Trung Quốc, sau đó Bác quyết định tổ chức hội nghị hợp nhất các Đảng Cộng sản ở Việt Nam vào đúng dịp Tết ở Việt Nam và Trung Quốc, Tết Nguyên đán là ngày hội cổ truyền, thường kéo dài hàng tuần, người đi lại rất đông, sẽ dễ dàng cho các đại biểu đến họp.

Nhưng ở Việt Nam việc đi ra nước ngoài cũng đâu phải dễ dàng. Các đồng chí Trịnh Đình Cửu và Nguyễn Đức Cảnh gặp nhau ở Hải Phòng, rồi xuống tàu Liêm Châu. Tàu này có một báo vụ viên là cơ sở Đảng. Ban ngày, các đồng chí phải nằm co ro trong phòng điện đài, đêm đến mới được ra ngoài boong tàu. Tuy vậy, cuối tháng 1-1930, 7 đại biểu đã có mặt tại Cửu Long: Hai đại biểu của Đông Dương Cộng sản Đảng, hai đại biểu của An Nam Cộng sản Đảng, các đồng chí Hồ Tùng Mậu và Lê Hồng Sơn đại diện cho tổ chức Đảng ở nước ngoài và đồng chí Nguyễn Ái Quốc đại diện cho Quốc tế Cộng sản. Đại biểu của Đông Dương Cộng sản liên đoàn không đến kịp. Song không thể chờ đợi được nữa, tranh thủ không khí đón xuân vui tết để che mắt địch, Bác quyết định họp Hội nghị hợp nhất các Đảng Cộng sản Việt Nam.

Hội nghị họp từ ngày 3 đến 7 tháng 2 năm 1930 tại Cửu Long (Trung Quốc) thành lập ra Đảng Cộng sản Việt Nam. Thế là kể từ ngày rời Bến Nhà Rồng năm 1911, ước mơ thiêng liêng của Người nay đã thành sự thật. Ngày cuối cùng của Hội nghị, Bác tổ chức một bữa cơm liên hoan nhỏ ngay tại phòng ở của mình. Khi các đại biểu đã ngồi xung quanh bàn. Người xúc động nói:

“Các đồng chí! Hôm nay là ngày lịch sử của chúng ta, Lê-nin vĩ đại đã nói: Chỉ Đảng nào có được một lý luận tiên phong, mới có khả năng làm tròn vai trò chiến sĩ tiên phong. Bây giờ chúng ta đã có một Đảng như thế rồi - Đảng của giai cấp công nhân Việt Nam. Nhân dân ta từ xưa đã có truyền thống đấu tranh anh dũng, nhưng suốt những năm ấy nhân dân ta lại thiếu người cầm lái sáng suốt. Giờ đây, Đảng của chúng ta phải gánh lấy vai trò này, và tôi tin rằng Đảng ta sẽ dẫn dắt nhân dân ta đến thắng lợi trong cuộc đấu tranh giành độc lập tự do cho Tổ quốc thân yêu”.

 Bác Hồ nghiên cứu tài liệu tại hang Pắc Bó, Cao Bằng. Ảnh: T.L
Bác Hồ nghiên cứu tài liệu tại hang Pắc Bó, Cao Bằng.
Ảnh: T.L

Trong câu nói ngắn này, Bác đã ba lần nhắc đến Nhân Dân ta, và 15 năm sau, lời tiên đoán ấy của Người đã thành sự thật, chỉ với hơn 5.000 đảng viên, trong vòng nửa tháng, Đảng đã lãnh đạo nhân dân ta làm cuộc Cách mạng Tháng Tám thành công trên một đất nước dài hơn hai nghìn cây số.

2- Mùa Xuân Bác Hồ trở về Tổ quốc
“Ôi sáng Xuân nay, xuân 41
Trắng rừng biên giới nở hoa mơ
Bác về... Im lặng. Con chim hót
Thánh thót bờ lau, vui ngẩn ngơ”

                                                                Tố Hữu

Sau khi thành lập Đảng, ngày 18 tháng 2 năm 1930 trong Báo cáo gửi Quốc tế Cộng sản, Bác Hồ viết:

“Đã hai lần tôi cố gắng về An Nam, nhưng phải quay trở lại. Bọn mật thám và cảnh sát ở biên giới quá cẩn mật, đặc biệt là từ khi xảy ra vụ An Nam “Quốc dân đảng” (1). Ngày 27 tháng 2 năm 1930 trong thư gửi đại diện Đảng Cộng sản Pháp ở Quốc tế Cộng sản, Bác cũng viết: “Tôi chưa trở về  Đông Dương được, nhất là lúc này, chúng đã ban cho tôi một án tử hình vắng mặt” (2).

Trở về Tổ quốc để trực tiếp lãnh đạo Cách mạng Việt Nam, cùng nhân dân yêu quý của mình giành lại nền Độc lập, Tự do, là mong ước lớn nhất của Bác. Nhưng về lúc nào và nơi nào, đó là điều phải lựa chọn để có lợi nhất cho Cách mạng. Sau một thời gian chuẩn bị, thời cơ ấy đã đến. Sáng ngày mùng 2 Tết Nguyên đán Tân Tỵ (28-1-1941), Bác cùng các đồng chí Phùng Chí Kiên, Đặng Văn Cáp, Hoàng Văn Lộc cùng hai đồng chí Lê Quảng Ba và Thế An từ bản Nậm Quang, bên kia biên giới, lên đường trở về Tổ quốc. Các đồng chí Vũ Anh và Hoàng Sâm đã ra đón Bác, đoàn người đều mặc quần áo chàm như đồng bào Nùng ở địa phương. Bác là người nhiều tuổi nhất, chống một cây gậy tre nhỏ, thoăn thoắt bước đi theo đồng chí Lê Quảng Ba dẫn đường. Vượt qua một đoạn dốc, xuống một sườn núi đá lởm chởm, đoàn người đã nhìn thấy cây si già, to lớn, cành lá xum xuê. Cách đó không xa là cột mốc biên giới bằng đá số 108. Đoàn người dừng lại. Bác cúi xuống đọc những dòng chữ Trung Quốc và chữ Pháp chỉ rõ bắt đầu đây là địa phận Việt Nam.

Thế là đã 30 năm, kể từ ngày rời Bến Nhà Rồng, những ngày Tết Nguyên đán này Bác đã trở về với Tổ quốc! Một mùa xuân lịch sử, mà từ đó nơi đầu nguồn Pác Bó, dòng suối Cách mạng đã chảy đi khắp nước, làm nên những mùa xuân đẹp hôm nay. Và mùa Xuân Tân Mão 2011 này, cũng chính là mùa xuân chúng ta kỷ niệm 70 năm ngày Bác Hồ trở về Tổ quốc!

*

Cách đây 60 năm, Mùa Xuân Tân Mão (1951) Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 2 của Đảng đã họp tại Chiến khu Việt Bắc, huyện Chiêm Hoá, tỉnh Tuyên Quang. Đây là lần đầu tiên Đảng họp Đại hội công khai kể từ khi thành lập. Và do điều kiện mới của lịch sử, Đảng đã đổi tên là Đảng Lao động Việt Nam. Đại hội đã bầu đồng chí Hồ Chí Minh làm Chủ tịch Đảng.

Mùa Xuân Tân Mão (2011) năm nay, chúng ta lại phấn khởi chào mừng thành công Đại hội toàn quốc lần thứ XI của Đảng - Một Đại hội sẽ mở ra một thời kỳ mới cho Cách mạng Việt Nam.

Mùa Xuân Việt Nam - Mùa Xuân muôn đời của những ước mơ hy vọng - Hình như bao giờ cũng gắn liền với những sự kiện lớn lao, những ước mơ cao đẹp, mở ra những trang mới cho lịch sử nước nhà!

Bùi Công Bính

---------------------------------------------

(1) Hồ Chí Minh toàn tập, tập 3, trang 12 NXB Chính trị Quốc gia Hà Nội 2002.
(2) Như trên - trang 22.


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com