Chuẩn hoá công chức cấp xã: Kết quả và vấn đề đặt ra

09:01, 10/01/2011

Chính quyền cấp xã có vai trò quan trọng trong việc triển khai, cụ thể hoá các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đến người dân. Để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền cấp xã công tác đào tạo, nâng cao chất lượng chính trị, chuyên môn của đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã được xác định là nhiệm vụ thường xuyên.

Theo Sở Nội vụ, thực hiện chương trình tổng thể cải cách hành chính Nhà nước giai đoạn 2001-2010, tỉnh ta làm tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng theo hướng chuẩn hoá đối với đội ngũ cán bộ công chức cấp xã. Tỉnh đã liên kết với các trường đại học, cao đẳng mở 3 lớp trung cấp địa chính, 4 lớp trung cấp văn hoá, 3 lớp trung cấp luật, 2 lớp trung cấp lao động xã hội, 3 lớp trung cấp kế toán, 1 lớp trung cấp văn thư lưu trữ, 4 lớp chỉ huy trưởng quân sự xã, phường, thị trấn; bồi dưỡng kiến thức quản lý Nhà nước cho 6.306 cán bộ, trong đó trên 50% là cán bộ, công chức cấp xã. Ở các huyện, thành phố đều mở từ 1 đến 2 lớp trung cấp chính trị, trung cấp hành chính cho đội ngũ cán bộ đang giữ các chức danh chuyên trách và công chức cấp xã... Công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã đã hướng đến từng chức danh chuyên môn, tạo điều kiện cho mỗi công chức có thể nâng cao, chuẩn hoá trình độ. Đến nay, trong tổng số 1.816 cán bộ, công chức cấp xã toàn tỉnh, đã có 1.353 người có trình độ chuyên môn trung cấp, 28 người trình độ cao đẳng và 688 người trình độ đại học, chỉ còn 237 người chưa qua đào tạo và 78 người ở trình độ sơ cấp. Số chức danh chưa đạt yêu cầu chuyên môn chủ yếu do đã quá tuổi đào tạo, không đủ điều kiện đào tạo. Riêng về trình độ chính trị, có 688 người trình độ sơ cấp, 858 người trình độ trung cấp, có 1.699/1.816 cán bộ, công chức cấp xã là đảng viên. Hiện nay, tỉnh ta có tỷ lệ chuẩn hoá đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã đạt 81,54%. Trong đó, tỷ lệ chuẩn hoá ở một số chức danh cao là địa chính - xây dựng (96,42%), tài chính - kế toán (94,64%), văn hoá - xã hội (84,54%)...

So với các địa phương trong cả nước, đây là một tỷ lệ cao. Tuy nhiên, để tiến tới đạt chuẩn 100% còn không ít việc phải làm. Vấn đề đầu tiên là tìm nguồn thay thế cho đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã chưa qua đào tạo về chuyên môn. Bên cạnh đó trong tổng số 1.816 công chức cấp xã, có tới 1.002 người ở độ tuổi từ 46-60, như vậy trong giai đoạn 2011-2020 có 1.002 cán bộ, công chức cấp xã nghỉ chế độ cần có người thay thế. Hàng năm các huyện tổ chức tuyển dụng cán bộ nhưng chưa đạt đủ số lượng cần tuyển. Nguyên nhân là do nhiệm vụ, công việc của công chức cấp xã hiện nay nhiều nhưng lương, phụ cấp, thu nhập thấp, khó có thể bảo đảm ổn định cuộc sống. Vì vậy, dù số lượng đào tạo, hệ đào tạo của các trường chuyên ngành hiện nay rất lớn, số lượng học sinh, sinh viên quê Nam Định tốt nghiệp các ngành, chuyên ngành có thể đảm đương chức danh công chức xã không phải ít nhưng hầu hết đều không muốn về xã làm công chức, kể cả khi được ưu tiên về tuyển dụng. Giải pháp để khắc phục vấn đề tìm nguồn này cần có chủ trương về ưu tiên tuyển dụng, cơ chế hỗ trợ về thu nhập, đời sống mới thu hút được nguồn bổ sung. Vấn đề thứ hai là công tác đào tạo, bồi dưỡng, chuẩn hoá. Đặc thù công việc chuyên môn cấp xã rất nhiều, không có người làm thay nên hầu hết cán bộ, công chức xã đều vừa đi học vừa phải đảm đương công tác. Vì vậy cần có phương pháp học hợp lý “vừa học vừa làm”. Bên cạnh đó, giáo án, giáo trình dành cho đào tạo cán bộ, công chức cấp xã cũng cần được quan tâm, soạn riêng phục vụ thực tế công tác, không quá nặng nề về lý thuyết, cần sát thực với đặc thù, đặc điểm của tỉnh. Có như thế, công tác đào tạo, chuẩn hoá mới đạt kết quả cao./.

Hoàng Văn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com