Chọn người tài đức

08:01, 10/01/2011

Thay mặt Trung ương Đảng và Chính phủ, Hồ Chủ tịch trực tiếp giao nhiệm vụ cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp nghiên cứu kế hoạch tác chiến và mở Chiến dịch Điện Biên Phủ.  Ảnh: Tư liệu TTXVN
Thay mặt Trung ương Đảng và Chính phủ, Hồ Chủ tịch trực tiếp giao nhiệm vụ cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp nghiên cứu kế hoạch tác chiến và mở Chiến dịch Điện Biên Phủ.
Ảnh: Tư liệu TTXVN

Đất nước đã trải qua một năm đầy ắp sự kiện lịch sử và bước vào Đại hội lần thứ XI của Đảng.

Các sự kiện lịch sử trong năm vừa qua đều đã được dự tính vì vào năm chẵn, nhưng có một sự kiện đến có phần bất ngờ, chưa ai dám đặt cho nó là sự kiện lịch sử nhưng theo tôi nghĩ chắc chắn lịch sử phát triển đất nước sau đây sẽ phải tính đến. Đó là sự kiện Ngô Bảo Châu, người Việt Nam, tiếp thụ nền giáo dục trong nước và được bồi đắp ở Trung tâm khoa học lớn của nước Pháp đã đạt giải Fields, coi như giải Nobel về toán học, là người Việt Nam đầu tiên, cũng là người đầu tiên ở các nước đang phát triển được nhận giải thưởng cao quý này, gia nhập hàng ngũ những người tài của thế giới. Chẳng biết đúng đến đâu nhưng một nhà toán học cao tuổi rất có uy tín ở nước ta cho rằng: “Cậu ta là một thiên tài về toán học”. Ngô Bảo Châu nhận giải thưởng lớn đó đúng ngày 19-8, Ngày Cách mạng Tháng Tám thành công, mở ra thời kỳ phát triển mới của lãnh thổ các Vua Hùng dựng nước, cũng vào dịp Thủ đô Thăng Long - Hà Nội nghìn năm tuổi. Các sự kiện đó diễn ra có phần ngẫu nhiên nhưng lại khớp với nhau, giúp liên tưởng tới khả năng con người Việt Nam, mà trung tâm các văn kiện trình Đại hội XI của Đảng đặt Con Người ở vị trí trung tâm, tiếp tục thực hiện tư tưởng Hồ Chí Minh dặn trong Di chúc lịch sử “Đầu tiên là công việc với con người”.

Trong rất nhiều nội dung về con người theo tư tưởng Hồ Chí Minh thì vấn đề: “người tài” được Người rất quan tâm. Nhìn lại lịch sử, ai cũng nhận thấy những khuôn mặt các nhà chính trị trong thời kỳ đầu dựng nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đều thấy Đảng ta và Hồ Chủ tịch đã tập hợp được những người tài đức tiêu biểu nhất của đất nước lúc đó. Do đó, chúng ta càng hiểu thêm bức thư công của Chủ tịch Hồ Chí Minh đăng trên báo tháng 11-1945, chỉ sau Cách mạng thành công ba tháng, nêu rõ “Nước nhà cần phải kiến thiết. Kiến thiết cần phải có nhân tài”, mà nhiều sử gia coi đó như là một “chiếu cầu hiền” của cách mạng, tiếp tục truyền thống quý trọng hiền tài của cha ông.

Khi nói về người tài, nhiều học giả trên thế giới đều xuất phát từ đánh giá tầm cao lý tưởng và sự đóng góp của họ với xã hội, do đó có người chia thành ba hạng. Trước hết là những người có lý tưởng cao đẹp vì nhân quyền và luôn luôn sáng tạo, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đóng góp vào kho tàng trí tuệ của nhân loại. Loại thứ hai là những người có đầu óc sáng tạo, hoàn thành nhiệm vụ đạt hiệu quả cao. Và loại thứ ba là những người luôn luôn hoàn thành nhiệm vụ được giao... Theo sự phân tích đó thì loại thứ hai và thứ ba chưa thể gọi là thiên tài vì thiên tài tuy rất quý nhưng thường rất hiếm ngay cả ở những nước có nền văn hoá, khoa học phát triển, nhưng chắc chắn cả ba hạng người đó đều rất cần cho xã hội. Tìm hiểu tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về “nhân tài chúng ta thấy Người đã từng nói: Nhân tài nước ta dù chưa có nhiều lắm nhưng nếu chúng ta khéo lựa chọn, khéo phân phối, khéo dùng thì nhân tài càng ngày càng phát triển càng thêm nhiều”. Người có “tài to ta dùng làm việc to, tài nhỏ ta cắt làm việc nhỏ, ai có năng lực về việc gì, ta đặt ngay vào việc ấy”.

“Tài to”, “Tài nhỏ” đều là người tài. Người tài không bao giờ là số đông nhưng lại ở trong số đông, cho nên chọn lựa người tài là không đơn giản, có học giả đã ví như “tìm vàng trong khoáng sản”. Theo quan niệm của Bác Hồ thì người tài phải bao gồm cả đức và tài, trong đó đức là gốc và phải lấy hiệu quả công việc, sự tín nhiệm trong đồng bào, đồng chí làm thước đo. Thực chất, người tài là khách quan, nhưng việc chọn lựa lại do chủ quan, trước hết là của những người được uỷ quyền chọn lựa. Bác Hồ đã dự đoán được điều này, do đó để ngăn ngừa chủ nghĩa cơ hội, cá nhân vị kỷ trong việc chọn lựa, làm cho việc chọn lựa thiếu công tâm, do chọn sai, gây hậu quả cho đất nước. Người đã dặn dò: “Chớ vì sợ mất địa vị mà dìm những kẻ có tài năng hơn mình”, “chớ vì bà con bầu bạn, mà kéo vào chức nọ chức kia”. Người còn nhắc, phải chú ý “nhân tài ngoài Đảng”, kể cả những người đã “dinh tê” (để chỉ những người vì các lý do khác nhau bỏ kháng chiến vào vùng địch kiểm soát), nghĩa là không được thành kiến với lý lịch, quá khứ. Cho nên Người dặn: “Muốn tránh khỏi sự hao phí nhân tài, chúng ta cần phải sửa chữa cách lãnh đạo”, phải chân thành vì lợi ích của đất nước, của nhân dân và của tập thể, phải dân chủ thực sự, có lòng khoan dung đại độ, chân thành lắng nghe ý kiến nhân dân. Đọc lại những Lời dặn dò của Bác, đối chiếu với những gì đang diễn ra, tôi có cảm giác như Bác đang dặn dò chúng ta.

Ngày đầu Xuân nhắc lại chuyện Ngô Bảo Châu vì anh là tài năng đỉnh cao ở một lĩnh vực khoa học rất quan trọng của thế giới, làm vẻ vang cho dân tộc. Tuy nhiên, đất nước lại đang cần những người tài đức trong rất nhiều lĩnh vực, trong số các nhà lãnh đạo, quản lý có tâm với dân, với nước, có tầm trí tuệ, có đạo đức trong sáng và có tài tổ chức, cần có các nhà khoa học, văn hoá tài năng, có sức sáng tạo mạnh mẽ, cần các doanh nhân quản lý các doanh nghiệp thành đạt, có sản phẩm đủ sức cạnh tranh trong thời kỳ hội nhập quốc tế và đông đảo những người lao động có tri thức và tay nghề cao, đủ sức tiếp cận các công nghệ hiện đại… Nghĩa là có nguồn nhân lực toàn diện với chất lượng cao cho sự phát triển đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh./.

Hữu Thọ



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com