|
Chủ tịch Hồ Chí Minh bỏ phiếu bầu cử. (Nguồn: Internet) |
Tính từ Quốc hội khóa I, năm 1946 đến năm 1969, lúc Bác qua đời (Người đương nhiệm Quốc hội khóa III), Bác Hồ là đại biểu Quốc hội 24 năm. Trong các cuộc bầu cử Quốc hội, Bác Hồ đều được giới thiệu ứng cử tại Hà Nội và trúng cử với số phiếu rất cao. Là người đứng đầu Nhà nước, đồng thời Bác Hồ là một mẫu mực của người đại biểu nhân dân. Người còn thường xuyên giáo dục về tư cách, trách nhiệm của các đại biểu dân cử đối với nhân dân lao động.
Cuối năm 1945, chuẩn bị bầu cử Quốc hội khóa I, đồng bào ngoại thành Hà Nội kiến nghị Chủ tịch Hồ Chí Minh không phải ra ứng cử, đồng bào các nơi khác cử Người vào Quốc hội. Bác Hồ đã trân trọng gửi thư đáp từ:
"... Cùng đồng bào ngoại thành Hà Nội!
Tôi rất cảm động được đồng bào quá yêu mà đề nghị tôi không phải ứng cử, đồng bào các nơi khác cử tôi vào Quốc hội. Nhưng tôi là công dân của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa nên tôi không thể vượt khỏi thể lệ của Tổng tuyển cử đã qui định.
... Xin cảm tạ đồng bào đã có lòng yêu tôi. Và yêu cầu toàn thể đồng bào hãy làm tròn nhiệm vụ của công dân trong cuộc Tổng tuyển cử sắp tới".
Trong đại hội nhân dân Thủ đô chào mừng các vị ứng cử đại biểu Quốc hội khóa II, tại Hà Nội, Bác Hồ đã mở đầu câu chuyện: "Sáng nay, một đồng chí cán bộ mời tôi đi ra mắt cử tri. Tôi trả lời: Đã bao nhiêu năm lòng tôi luôn luôn ở cạnh đồng bào và tôi tin rằng đồng bào cũng luôn ở cạnh tôi. Xa lạ gì mà phải ra mắt?".
Rồi Bác chữa lại: "Phải nói thế này mới đúng: Tôi đến đây để cảm ơn đồng bào đã nhất trí yêu cầu tôi và các vị khác ra ứng cử vào Quốc hội khóa II ở Thủ đô yêu quí của chúng ta".
Kết thúc bài nói chuyện, Người nêu rõ: "Chúng tôi nhận rằng được đồng bào đưa ra ứng cử là một vinh dự lớn. Người được bầu và người không được bầu sẽ đều vui vẻ phấn khởi và cảm ơn đồng bào”.
"Những người được cử vào Quốc hội khóa II sẽ luôn luôn cố gắng để xứng đáng là những người đầy tớ trung thành của đồng bào, những đại biểu cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, hết lòng, hết sức phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân, phục vụ chủ nghĩa xã hội".
Đến với đại hội đại biểu nhân dân Thủ đô chào mừng các vị ứng cử đại biểu Quốc hội khóa III tại Hà Nội (1964), Bác Hồ đã nói rất chân thành và cảm động rằng: Người được cử làm đại biểu Quốc hội đã lâu, đáng lẽ Người nhường chỗ cho lớp người trẻ hơn ra gánh vác công việc... Nhưng ở Miền Nam ruột thịt đang phải chiến đấu hi sinh để giành độc lập tự do. Người không thể: "Thảnh thơi vui thú thanh nhàn. Sớm khuya tiếng hạc, tiếng đàn tiêu dao". Vì vậy, Người phải phấn đấu và phấn đấu mạnh cho công cuộc xây dựng XHCN ở Miền Bắc và đấu tranh thống nhất nước nhà, phấn đấu cho:
"
Bắc Nam sum họp một nhà
Cho người thấy mặt là ta vui lòng"
Bác Hồ nhắc lại về số người giới thiệu thì đông, số người được bầu có hạn, "Có người sẽ được bầu, có người không được bầu. Tuy vậy tôi nghĩ rằng người không được bầu cũng như người được bầu đều vinh hạnh vì đã được đồng bào tin cậy và giới thiệu cho mình. Cho nên, được bầu hay không được bầu, chúng ta đều phải hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân, như những người đầy tớ trung thành nhất của nhân dân".
Với công danh, phú quí, Bác Hồ đã khẳng định có tính chất chuyên ngôn từ năm 1946 khi trả lời các nhà báo: "Tôi tuyệt nhiên không ham muốn công danh, phú quí chút nào. Bây giờ phải gánh vác chức Chủ tịch là vì đồng bào ủy thác thì tôi phải gắng làm cũng như một người lính vâng mệnh quốc dân ra mặt trận".
Trong thư gửi UBND các kỳ, tỉnh, huyện và làng, Bác Hồ đã căn dặn: Các cơ quan của Chính Phủ từ toàn quốc cho đến các làng đều là công bộc của dân, nghĩa là để gánh việc chung cho dân... chúng ta phải yêu kính nhân dân thì dân mới yêu kính ta".
Người nhắc nhở các đại biểu tránh các lầm lỗi:
1 - Trái phép... có lúc vì tư thủ tư oán mà bắt bớ và tịch thu làm dân oán thán.
2 - Cậy thế mình ở trong ban này, ban nọ rồi ngang tàng phóng túng muốn sao được vậy, coi khinh dư luận không nghĩ đến dân. Quên rằng dân bầu mình ra để làm việc cho dân chứ không phải để cậy thế với dân.
3 - Hủ hóa,... lấy của công dùng vào việc tư, quên cả thanh liêm, đạo đức. Ông ủy viên đi xe hơi, rồi bà ủy viên, cho đến các cô, các cậu ủy viên cũng dùng xe hơi của công. Thử hỏi những hao phí đó ai chịu?
4 - Tư túng, kéo bè kéo cánh.
5 - Chia rẽ, mất đoàn kết.
6 - Kiêu ngạo: Tưởng mình ở trong cơ quan Chính phủ là thần thánh rồi. Coi khinh dân gian, cử chỉ lúc nào cũng vác mặt "quan cách mạng" lên. Không biết rằng thái độ kiêu ngạo đó sẽ làm mất lòng tin cậy của dân, sẽ hại đến uy tín của Chính phủ"./.
Đăng Khánh