Tỉnh ta hiện có 42,7 vạn đồng bào theo Công giáo, chiếm 21,5% dân số. Với nhiều phong trào thi đua hiệu quả, thiết thực như phát triển kinh tế, xây dựng nếp sống văn hoá, đấu tranh bài trừ các loại tệ nạn, hủ tục; chăm lo công tác khuyến học, khuyến tài…, đồng bào công giáo tỉnh ta đang đồng hành, chung sức cùng các tầng lớp nhân dân trong tỉnh xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp…
Giáo xứ Tang Điền, xã Hải Chính (Hải Hậu) đổi mới. |
Từ làm giàu tri thức…
Một trong những phong trào thi đua đạt hiệu quả, thiết thực của đồng bào công giáo tỉnh ta là phong trào “Khuyến học, khuyến tài”. Những năm qua, đồng bào công giáo ở các xứ họ đạo trong tỉnh luôn quan tâm đến việc học tập của con em. Toàn tỉnh có 684 xứ, họ đạo, đến nay đã có trên 60% xứ, họ xây dựng được quỹ khuyến học với tổng số tiền 6.186 triệu đồng. Nhiều xứ, họ đạo có số dư quỹ khuyến học hàng trăm triệu đồng. Đi đầu phong trào là các chức sắc, chức việc ở các xứ, họ đạo. Không chỉ vận động, tuyên truyền, các linh mục, các ban hành giáo còn có nhiều hoạt động thiết thực như tổ chức quyên góp xây dựng quỹ khuyến học, hỗ trợ con em giáo dân kinh phí, phương tiện học tập; mở lớp học miễn phí… Tâm huyết với công tác khuyến học, linh mục Lê Văn Luật trong thời gian ở xứ Văn Lý (Hải Hậu) đã cùng với địa phương thành lập, duy trì hoạt động 10 chi hội khuyến học ở 10 xứ, họ trong giáo xứ. Các linh mục: Phạm Văn Hồng, Nguyễn Đức Dung, Nguyễn Đức Hiệp, Phạm Văn Tứ, Ngô Văn Viễn, Phạm Văn Đạo, Trần Ngọc Bút, Đỗ Duy Môn thường xuyên phối hợp với hội khuyến học ở địa phương tổ chức quyên góp, tặng tiền, sách vở cho con em địa phương có thành tích trong học tập; giúp đỡ các em có hoàn cảnh khó khăn tiếp tục được tới trường. Linh mục Phạm Văn Hồng mở lớp bổ túc văn hoá, phổ cập THCS, linh mục Nguyễn Đức Dung mở lớp dạy vi tính miễn phí… Nhiều chi hội khuyến học ở các xứ, họ đạo đã tổ chức quyên góp xây dựng, sửa chữa trường lớp, mua sắm thiết bị phục vụ nhu cầu giảng dạy và học tập của con em địa phương. Trong đó, chi hội khuyến học xứ Bùi Chu, giáo dân các giáo xứ, giáo họ xã Trực Hùng (Trực Ninh) đóng góp 6 tỷ đồng xây dựng trường THCS, trường tiểu học và trường mầm non của địa phương. Hội Khuyến học xứ Xuân Dục (Xuân Dục) quyên góp xây dựng hai khu ký túc xá tại Hà Nội, tạo điều kiện về nơi ăn ở cho con em trong giáo xứ khi về thủ đô học tập. Với “tôn chỉ” làm những việc có ích cho quê hương, những năm qua, hội “Những người xây dựng quê hương Báo Đáp”, gồm những người xứ Báo Đáp (Nam Trực) đang sinh sống ở trong và ngoài nước thành lập đã quyên góp xây dựng tại quê hương ngôi trường THPT khang trang, hiện đại gồm 16 phòng học cao tầng; hỗ trợ con em trong giáo xứ theo học phổ thông toàn bộ tiền học phí và các khoản đóng góp khác, qua đó đã động viên, khuyến khích các em yên tâm học tập. Trong 10 năm qua, quỹ khuyến học của giáo xứ Nam Lạng (Trực Ninh) đã quyên góp, cấp 423 triệu đồng học bổng cho con em trong giáo xứ… Cùng với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, của tỉnh, các hoạt động thiết thực của các chức sắc, chức việc tôn giáo và giáo dân, đến nay ở các xứ, họ đạo trong tỉnh cơ bản không còn con em bị thất học, bỏ học. Số con em đồng bào công giáo thi đỗ, theo học đại học, cao đẳng ngày một nhiều. Toàn tỉnh hiện có hơn 3.000 con em đồng bào công giáo đang theo học tại các trường đại học trong và ngoài nước. Nhiều con em đồng bào công giáo đã vươn lên, đạt thành tích cao trong học tập, trở thành niềm tự hào chung của quê hương. Trong đó, em Hiếu ở giáo họ Hạ Linh (Xuân Trường) đỗ bằng tiến sĩ chuyên ngành địa lý hạt nhân, hiện là giáo sư thỉnh giảng của nhiều trường đại học ở nước ngoài. Em Đỗ Xuân Bắc ở xứ Hoà Định (Hải Hậu) đạt Huy chương Vàng Toán Olympic Quốc tế. Các em Trịnh Thế Huynh ở xứ Kiên Lao, Đinh Đăng Đức ở xứ Phú Nhai (Xuân Trường) đoạt giải nhất các kỳ thi Toán, Vật lý quốc gia…
Đến làm giàu kinh tế
Phát triển kinh tế, xoá nghèo, làm giàu chính đáng là một chủ trương lớn luôn được Đảng và Nhà nước tạo điều kiện, khuyến khích. Cùng với các tầng lớp nhân dân trong tỉnh, đồng bào công giáo ở 684 xứ, họ đạo luôn tích cực hưởng ứng, thực hiện hiệu quả chủ trương lớn, quan trọng này. Trên lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, cùng với giữ vững truyền thống thâm canh lúa, hầu hết năng suất lúa ở các xứ, họ đạo đều đạt từ 120tạ/ha/năm trở lên. Ở các huyện Hải Hậu, Nghĩa Hưng, Xuân Trường, Giao Thuỷ nhiều hộ giáo dân đã tập trung sản xuất các loại lúa đặc sản, cho giá trị kinh tế cao. Ở nhiều giáo xứ như Tích Tín, Trung Lao (Trực Ninh); Xuân Thủy, Tứ Trùng (Hải Hậu); Tương Nam (Nam Trực), Kiên Lao (Xuân Trường)… bà con giáo dân còn tham gia sản xuất lúa giống cung cấp cho thị trường trong và ngoài tỉnh. Nhiều giáo xứ, giáo họ đã đưa sản xuất rau màu vụ đông trở thành vụ sản xuất chính trong năm, nhờ vậy nâng cao được giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích canh tác. Nhiều giáo xứ như Vạn Lộc (Xuân Trường); Liên Phú, Quế Phương, Xuân Thủy (Hải hậu); Đồng Quỹ, Đồng Nghĩa (Nghĩa Hưng), nhờ sản xuất thành công dưa hấu, cà chua xuất khẩu, bí xanh, đậu tương trên đất hai vụ lúa đã xây dựng được những cánh đồng cho thu nhập từ 100 triệu đồng/ha/năm trở lên… Cùng với thâm canh lúa, rau màu, bà con giáo dân trong tỉnh còn đẩy mạnh chăn nuôi, nhất là chăn nuôi theo mô hình trang trại. Ở các giáo xứ, giáo họ ven biển thuộc các huyện Giao Thuỷ, Hải Hậu, Nghĩa Hưng, hoạt động nuôi trồng thủy hải sản được bà con giáo dân duy trì, phát triển. Nhiều hộ như gia đình ông Nguyễn Văn Rung ở xứ Quần Vinh, ông Trần Văn Thức ở xứ Ninh Hải (Nghĩa Hưng), ông Nguyễn Văn Tư ở Quất Lâm (Giao Thủy)… có thu nhập từ 150-300 triệu đồng/năm từ việc nuôi trồng thuỷ sản. Nhiều hộ giáo dân đã đầu tư mua sắm tàu, thuyền tổ chức đánh bắt hải sản xa bờ cho thu nhập hàng tỷ đồng/năm. Những năm gần đây, nhiều hộ còn đầu tư vốn cải tạo vườn tạp trồng hoa, cây cảnh, góp phần đưa sinh vật cảnh trở thành hướng phát triển kinh tế quan trọng, cho thu nhập cao của tỉnh. Trong đó, ở giáo xứ Lã Điền (Nam Trực), nhiều gia đình giáo dân có những vườn cây trị giá hàng tỷ đồng…
Trên lĩnh vực sản xuất CN-TTCN, dịch vụ, đồng bào Công giáo tỉnh ta cũng có nhiều đóng góp tích cực. Toàn tỉnh hiện có 374 người công giáo làm giám đốc doanh nghiệp thuộc các loại hình. Nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh của người công giáo trước đây còn nhỏ lẻ, những năm gần đây đã phát triển, trở thành những doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh quy mô lớn, tạo nhiều việc làm. Riêng giáo xứ Phú An (Trực Ninh) hiện có 30 doanh nghiệp, HTX chuyên kinh doanh dịch vụ vận tải sông biển. Trong đó, công ty thương mại và dịch vụ vận tải sông biển Minh Tuấn; công ty cổ phần công nghiệp dịch vụ thương mại Cát Tường có vốn đầu tư hàng nghìn tỷ đồng. Những năm qua, các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh trong giáo xứ đã đầu tư mua sắm trên 200 tàu, thuyền có trọng tải từ 500 tới 5.000 tấn để kinh doanh loại hình dịch vụ này, tạo việc làm cho hàng ngàn lao động. Ở giáo xứ Kiên Lao (Xuân Trường) hiện có hàng trăm doanh nghiệp sản xuất các mặt hàng cơ khí. Với các sản phẩm máy, thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp được thị trường trong và ngoài tỉnh ưa chuộng. Ở nhiều giáo xứ, giáo họ, một số ngành nghề truyền thống như kim hoàn, đúc đồng, cơ khí, gỗ mỹ nghệ, thêu ren… được bà con giáo dân khôi phục, đang phát triển cả về quy mô, trình độ kỹ, mỹ thuật, tạo được nhiều việc làm cho lao động nông thôn. Những hoạt động phát triển kinh tế thiết thực, hiệu quả của đồng bào công giáo đã làm thay đổi căn bản đời sống giáo dân ở các xứ họ, đạo trong tỉnh, góp phần hiệu quả vào công tác xoá đói, giảm nghèo của tỉnh./.