Thiện chí của Bác Hồ nhằm tránh cuộc chiến tranh Pháp - Việt

08:12, 17/12/2010

Tạm ước 14-9 mà Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ký với Chính phủ Pháp chưa ráo mực thì quân xâm lược Pháp liên tiếp gây ra những vụ xung đột vũ trang đẫm máu ở khắp ba miền Bắc, Trung, Nam nước ta.

Ngày 21-11-1946, trong lúc Va-luy báo cho ta là đã hạ lệnh cho quân đội Pháp ở Nam Bộ ngừng bắn thì đồng thời lại ra lệnh cho Đép-bờ ở Hải Phòng phải tìm cách làm tê liệt, thậm chí tiêu diệt lực lượng vũ trang ta tại các công sự. Ngày 23-11-1946, Đép-bờ lại gửi tối hậu thư cho Ủy ban Hành chính Hải Phòng đòi Quân đội Việt Nam rút khỏi các vị trí đóng quân, đòi tước vũ khí của lực lượng tự vệ thành trước 9 giờ sáng cùng ngày. Đến 9 giờ 45, Đép-bờ tổ chức lực lượng có xe tăng, xe bọc thép và máy bay yểm trợ tấn công các công sự đề kháng của các lực lượng vũ trang ta.

Bác Hồ trong những ngày đầu toàn quốc kháng chiến.   Ảnh: Tư Liệu
Bác Hồ trong những ngày đầu toàn quốc kháng chiến.
Ảnh: Tư Liệu

Từ đầu tháng 12-1946, tại thủ đô Hà Nội, trên các đường phố lớn, bọn lính lê dương mũ đỏ kéo đi hàng bầy, xông vào các hiệu buôn cướp tài sản, hàng hóa. Chúng đập phá, xé sách báo, thậm chí xé cả cờ đỏ sao vàng của ta treo trong các nhà thông tin thành phố. Lính tuần cảnh Pháp phóng mô tô bừa bãi trên các đường phố đông người gây tai nạn, bắt phụ nữ giữa thanh thiên bạch nhật đưa vào thành hãm hiếp. Chúng còn đưa quân đội khiêu khích công an giao cảnh và tấn công các trụ sở công chính của ta. Các địa điểm như: nhà thương Đồn Thủy, khách sạn Mê-trô-pôn, sân bay Gia Lâm, trường Bưởi đều có quân đội Pháp đóng giữ. Tất cả các gia đình Pháp kiều (khoảng 8 ngàn người) ở Hà Nội đều được quân đội Pháp trang bị vũ khí, đạn dược.

Ngày 7-12-1946, quân Pháp ở Hải Phòng đánh xuống Đồ Sơn, mở đường ra biển. Ngày 8-12-1946, chúng tiếp tục đánh lên thị xã Hải Dương. Ngày 9-12-1946, Pháp đưa thêm 800 quân lính lê dương vào đánh chiếm Đà Nẵng. Ngày 12-12-1946, từ Hà Nội, chúng đánh lên phía Bắc phối hợp với quân từ Lạng Sơn đánh xuống chiếm Tiên Yên và Đình Lập, âm mưu làm chủ vùng Đông Bắc. Ngày 13-12-1946, một tuần dương hạm của Pháp chở đầy quân và vũ khí cập cảng Đà Nẵng tiếp viện cho quân đội Pháp đóng ở đây. Ngày 14-12-1946, Pháp tiếp tục tăng viện cho Đép-bờ ở Hải Phòng hơn 400 quân nữa.

Ngày 15-12-1946, quân Pháp bắt đầu nổ súng ở nhiều nơi tại Hà Nội, tấn công trụ sở Công an quận 8, ném lựu đạn và gây thương vong cho ta tại phố Hàm Long, bắn súng khiêu khích đơn vị tự vệ ta đóng tại phố Trần Quốc Toản.

Ngày 17-12-1946, máy bay do thám Pháp liên tục bay trên vùng trời Hà Nội. Pháp đã dùng xe tăng, xe bọc thép tấn công vào các công sự của ta trên phố Lò Đúc, phố Hàng Bún đánh chiếm Công an quận 3 và các trạm liên kiểm trên cầu Long Biên.

Trưa ngày 18-12-1946, những đoàn xe ô tô chở đầy lính Pháp có xe tăng và xe bọc thép yểm trợ đánh ra các phố xung quanh thành, bao vây khu Hồng Hà, Cửa Đông và phố Hàng Chiếu, phá các chiến lũy của ta ở phố Hàng Bút.

Và chỉ trong hai ngày 18 và 19-12-1946, chúng đã ba lần gửi tối hậu thư láo xược đòi quân ta để cho chúng chiếm giữ thêm một số vị trí quan trọng trong thành phố, đòi ta phải giải tán các lực lượng tự vệ, đòi đình chỉ các hoạt động chuẩn bị kháng chiến, đòi trao cho quân đội Pháp duy trì an ninh trong thành phố. Chúng đòi ta phải thực hiện các yêu sách trên chậm nhất vào sáng ngày 20-12-1946.

Nguy cơ về một cuộc chiến tranh Pháp - Việt với quy mô lớn trên phạm vi toàn quốc đang trở thành hiện thực. Song Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn thể hiện thiện chí và nguyện vọng của dân tộc Việt Nam muốn sống trong hòa bình, độc lập, tự do và quan hệ hữu nghị với nước Pháp.

Ngày 6-12-1946, qua đài phát thanh, Người khẩn thiết kêu gọi Quốc hội và Chính phủ Pháp vì lợi ích tối cao của hai dân tộc Pháp - Việt ra lệnh cho các nhà chức trách Pháp ở Việt Nam phải khôi phục lại ở Hải Phòng và Lạng Sơn tình hình trước ngày 20-11-1946 nhằm thi hành Tạm ước 14-9 và đặt nền móng cho công cuộc hợp tác Pháp - Việt chân thành, bền vững.

Trong bức điện mừng Vanh-xăng Ô-ri-ông vừa được tái cử chức Chủ tịch Quốc hội Pháp ngày 7-12-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Chúng tôi thiết tha hy vọng rằng dưới sự che chở của nội các mới, phương thức bạo lực hiện đang được sử dụng ở Việt Nam sẽ chấm dứt và thực sự bắt đầu một chính sách hợp tác trung thực giữa nước Pháp và nước Việt Nam”.

Liên tiếp trong hai ngày 15 và 18-12-1946, Người đã gửi hai thông điệp đến Lê-ông Bờ-lum, Thủ tướng mới của nước Pháp (thay thế Bi-đôn), đề nghị cử một phái đoàn Quốc hội Pháp sang Việt Nam để chứng kiến tình hình tại chỗ và tạo ra bầu không khí hữu nghị và tin cậy.

Tiếp chuyện nhà báo Pháp Béc-na Drăng-be của tờ Paris Sài Gòn, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói rõ lập trường của mình, của dân tộc mình: “Tôi mong ông nói lên rằng đồng bào tôi và tôi thật thà mong muốn hòa bình. Chúng tôi không muốn chiến tranh…Cuộc chiến tranh này, chúng tôi muốn tránh né bằng mọi giá. Chiến tranh không có lợi gì, sự nỗ lực khôi phục lại đất nước Việt Nam, cũng như đất nước Pháp, không cho phép những cuộc hiến tế hàng loạt mạng người ấy, những nỗi đau thương ấy. Cuộc chiến tranh này nếu người ta áp đặt cho chúng tôi, chúng tôi đành phải làm. Chúng tôi không phải không biết những gì đang chờ đợi chúng tôi. Nước Pháp có những phương tiện khủng khiếp. Cuộc đấu tranh sẽ tàn bạo, nhưng dân tộc Việt Nam sẵn sàng chịu đựng tất cả, chứ không chịu từ bỏ tự do của mình…” Thế nhưng, với dã tâm thiết lập lại “một nền bảo hộ ở Đông Dương”, những nhà cầm quyền Pháp ở Đông Dương đã bóp méo tình hình, thông tin sai lệch sự kiện cho Chính phủ ở Pa-ri, ngăn cản và làm chậm trễ việc chuyển những thư, điện đề nghị đàm phán hòa bình của Chủ tịch Hồ Chí Minh nhằm tránh bùng nổ cuộc chiến tranh Pháp - Việt trên phạm vi cả nước.

Sáng 20-12-1946, Moóc-li-e đã ra lệnh “hành động”. Như vậy, mọi thiện chí của Chủ tịch Hồ Chí Minh, của nhân dân Việt Nam đều không được đáp ứng từ phía đối phương.

Đêm 19-12-1946, hưởng ứng “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” của Hồ Chủ tịch, toàn thể dân tộc Việt Nam anh dũng bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ để giữ vững nền độc lập, tự do vừa giành được của mình./.

Nguyễn Xuyến


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com