Chủ tịch Hồ Chí Minh là người đặt nền móng cho công tác thi đua, khen thưởng phát triển và đổi mới phù hợp với điều kiện cách mạng Việt Nam trong từng thời kỳ nhằm khơi dậy mọi tiềm năng sáng tạo và tinh thần yêu nước của nhân dân, đồng thời lãnh đạo, chỉ đạo và tập hợp thành động lực cách mạng thông qua phong trào "Thi đua ái quốc".
Bác Hồ với các đại biểu dự Đại hội Anh hùng, Chiến sỹ thi đua và cán bộ gương mẫu toàn quốc lần thứ nhất (5-1952).
Nguồn:
Internet
|
Đó là nền tảng tư tưởng, là động lực lớn tạo nên thắng lợi của hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ hào hùng của dân tộc ta. Người nhấn mạnh: để phát động quần chúng tham gia phong trào Thi đua yêu nước, để lãnh đạo thi đua đúng thì trước khi thi đua phải chuẩn bị đầy đủ (giải thích, cổ động, xét kỹ kế hoạch mỗi nhóm, mỗi người); trong lúc thi đua, phải thiết thực đôn đốc, giúp đỡ sửa đổi; sau đợt thi đua, phải thiết thực kiểm tra, tổng kết, phổ biến kinh nghiệm, khen thưởng những người kiểu mẫu, nâng đỡ những người kém cỏi. Đây là cơ sở, tôn chỉ, mục đích của Đảng và Nhà nước ta trong quá trình vận động thi đua và thi đua hiện nay. Điều đó được thể hiện từ việc lập kế hoạch, quán triệt và lựa chọn cán bộ đến việc tổ chức phát động sâu rộng, có hiệu quả và coi sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm, khen thưởng là khâu quan trọng trong đánh giá hiệu quả phong trào, đồng thời phải chú trọng nhân rộng các điển hình tiên tiến, phát huy sức lan toả rộng rãi của các phong trào đã phát động.
Ngày 11/6/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi Thi đua ái quốc, mở đầu cho phong trào hành động cách mạng của toàn dân dưới sự lãnh đạo thống nhất của Đảng đã từng bước đẩy lùi khó khăn, thống nhất ý chí toàn dân, xây dựng tương lai mới. Cho đến nay, Lời kêu gọi Thi đua ái quốc của Người vẫn là một văn bản mang giá trị thời đại và hàm chứa sâu sắc tư tưởng, tình cảm, trí tuệ của con người Việt Nam. Hưởng ứng Lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, thi đua: Diệt giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm, cả nước ta lúc bấy giờ dấy lên phong trào thi đua rộng khắp, sôi nổi và mạnh mẽ: các chiến sĩ thi đua giết giặc lập công; nông dân tăng gia sản xuất, ủng hộ kháng chiến; các cụ phụ lão thi đua đốc thúc con cháu hăng hái tham gia mọi công việc; các cháu nhi đồng thi đua học hành và giúp đỡ người lớn; đồng bào phú hào thi đua mở mang doanh nghiệp; đồng bào tri thức và chuyên môn thi đua sáng tác và phát minh; nhân viên Chính phủ thi đua tận tuỵ làm việc, phụng sự nhân dân; bộ đội và dân quân thi đua giết cho nhiều giặc, đoạt cho nhiều súng. Và Khẩu hiệu: "Người người thi đua; Nhà nhà thi đua; Ngành ngành thi đua; Ta nhất định thắng, địch nhất định thua!" đã thực sự trở thành khẩu hiệu hành động của đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện đưa cuộc chiến đấu chống thực dân Pháp đến thắng lợi hoàn toàn, tạo khí thế thi đua sôi nổi bước vào thời kỳ chống Mỹ cứu nước.
Hơn 60 năm đã trôi qua kể từ ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi Thi đua ái quốc và chính thức phát động thi đua đến đông đảo quần chúng nhân dân, tất cả các tầng lớp trong xã hội, đến nay tư tưởng của Người vẫn là sợi chỉ đỏ, xuyên suốt trong công tác thi đua, khen thưởng.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn luôn coi trọng sức mạnh của quần chúng nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng, vì vậy Người luôn coi thi đua là một biện pháp quan trọng thúc đẩy phong trào cách mạng nhằm thực hiện mục tiêu cách mạng đã đề ra. Thấy rõ tầm quan trọng của vấn đề thi đua, Chủ tịch Hồ Chí Minh là người khởi xướng ra hàng loạt phong trào thi đua qua các thời kỳ cách mạng như: phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” đối với thương binh, gia đình liệt sĩ; phong trào giết giặc lập công để kháng chiến kiến quốc, phong trào giúp đỡ bộ đội; phong trào tăng gia sản xuất và thực hành tiết kiệm; phong trào người tốt việc tốt. Đặc biệt trong “Hội nghị chính trị đặc biệt” tháng 3/1964, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định rằng: “Trên mọi lĩnh vực hoạt động ở miền Bắc, phong trào Thi đua yêu nước đang động viên nhân dân ta phát huy nhiệt tình cách mạng và sức lao động sáng tạo, xây dựng hàng nghìn tổ và đội lao động XHCN, lập những thành tích xuất sắc trong mọi ngành…”.
Và cũng tại Hội nghị này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kêu gọi: “Toàn thể đồng bào miền Bắc phải luôn luôn nhớ rằng: trong lúc chúng ta đang sinh hoạt và xây dựng trong hoà bình, thì đồng bào miền Nam ta đang hy sinh, anh dũng chiến đấu chống đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai. Vì vậy mỗi người chúng ta phải làm việc bằng hai để đền đáp lại cho đồng bào miền Nam ruột thịt”. Cách mạng là ngày hội của nhân dân”. Nhận thức sâu sắc về vai trò và tác dụng to lớn của lực lượng quần chúng nhân dân trong sự nghiệp giải phóng dân tộc và xây dựng Chủ nghĩa xã hội, xuất phát từ quan điểm “nhân dân vừa là mục tiêu, vừa là lực lượng cách mạng”, Bác Hồ thường nói: “Thi đua là yêu nuớc, yêu nước thì phải thi đua và những người thi đua là những người yêu nước nhất” và nhấn mạnh “càng khó khăn thì phải càng thi đua”.
Thi đua phải trở thành một phong trào rộng khắp, liên tục trên tất cả các lĩnh vực. Ai trong chúng ta cũng đã từng một lần được nghe bài thơ chúc Tết năm 1949 của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong đó có những câu thơ:
Ngành ngành thi đua
Ngày ngày thi đua
Ta nhất định thắng.
Địch nhất định thua”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh là người luôn quan niệm lý luận đi đôi với thực tiễn, không có cái kiểu “đánh trống bỏ dùi”, “phát mà không động”, “đầu voi đuôi chuột” hay bệnh hình thức nhất là kiểu phát động phong trào thi đua trống giong cờ mở, khẩu hiệu rất kêu xong rồi phong trào cách mạng không có. Cách mạng dựa trên cái nền tảng bền vững của sự giác ngộ. Đó là dòng chảy liên tục của một quá trình cách mạng, là sự kế tiếp nhau của những hành động cách mạng, nó lôi cuốn tất cả mọi tầng lớp, giai cấp vào trận tuyến cách mạng. Người luôn dăn dạy những người làm công tác thi đua “Phải dựa theo quần chúng mà phát động mọi phong trào…, phải làm cho quần chúng luôn luôn phấn khởi, tin tưởng”. Đó là bài học kinh nghiệm vô cùng quý giá trong giai đoạn toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đang ra sức thi đua xây dựng đất nước.
Không những thế, cán bộ của hệ thống chính trị phải là lực lượng gương mẫu đi đầu trong các phong trào thi đua. “Cán bộ lãnh đạo phải nắm vững chính sách của Đảng và Chính phủ, phải đi đúng đường lối quần chúng, phải biến quyết tâm của Đảng và Chính phủ thành quyết tâm của toàn dân. Không phải ngẫu nhiên mà trang đầu tiên của cuốn Đường cách mệnh, Người nêu lên 23 điều về “Tư cách của một người cách mệnh”, trong đó phải biết “Nói là làm” nhưng "Tuyệt đối không tự cao tự đại, cho mình là giỏi rồi. Phải luôn luôn nhớ rằng: “thành tích là thành tích tập thể, anh hùng là anh hùng tập thể, chứ không phải là thành tích anh hùng cá nhân"; "Thi đua" không phải là "ganh đua" thuần túy, mà "Thi đua" phải là hình thức tổ chức để thu hút, lôi kéo quần chúng tham gia và cùng nhau tiến bộ”. Đặc biệt, Người yêu cầu những cán bộ làm công tác thi đua khi được giao trách nhiệm phụ trách địa bàn: Trước khi phát động, phải họp với cán bộ địa phương, đặt kế hoạch, lập tổ xung phong. Cũng trong bài viết này, Người đặc biệt nhấn mạnh: Từ cá nhân đến đoàn thể, "tổ chức công tác là cần thiết" và đó là nguyên nhân quyết định sự thành bại của phong trào. Chúng ta thường nghe câu: “Cán bộ xung trước/ Làng nước theo sau/ Việc khó đến đâu/ Cũng làm được hết”. Bởi Người cho rằng một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền. Chính bản thân Hồ Chủ tịch là một tấm gương lớn, bao giờ cũng tự mình thực hiện một cách nghiêm chỉnh các phong trào được phát động. Có một học giả nước ngoài viết rằng: “lon gạo Hồ Chí Minh đã cứu đói cho cả một dân tộc! Kêu gọi toàn dân tập thể dục thì bản thân Người ngày nào cũng tập. Kêu gọi toàn dân tiết kiệm, giản dị thì bản thân Người đi đầu trong phong trào đó”. Chủ tịch Hồ Chí Minh là một lãnh tụ, một Chủ tịch Đảng, là một nguyên thủ quốc gia, đồng thời Người là một chiến sĩ tiên phong, mẫu mực trong tất cả các phong trào thi đua cách mạng ở nước ta.
Cuối cùng, nếu coi thi đua là "gieo hạt", khen thưởng là "thu hoạch", những cán bộ làm công tác thi đua, nếu "bản thân tiến bộ", hoặc có thành tích "giúp đỡ" người khác cùng tiến bộ, thì đều được khen thưởng. Khen thưởng sẽ tạo động lực trong thi đua. Để đạt được mục đích cuối cùng của thi đua thì phong trào thi đua phải diễn ra một cách thiết thực. Thiết thực ở chỗ, thi đua phải thường xuyên có sự tổng kết và có khen thưởng: khen thưởng bằng việc tặng các danh hiệu và thưởng bằng vật chất tạo niềm phấn khởi cho những người tham gia phong trào. Khen thưởng kịp thời cũng là một “đòn bẩy” thiết thực động viên phong trào thi đua. Chuyện kể rằng, khi đến dự Đại hội tổng kết thi đua ngành Giao thông vận tải (24-3-1966), Bác nói: "Bác nghèo không có gì thưởng, Bác đi bắt tay một cái...!". Chỉ bằng một hành động rất bình dị, chân tình nhưng Bác đã tỏ rõ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, thái độ trân trọng của nhân dân trước những thành tích được ghi nhận trong phong trào thi đua của ngành.
Thực hiện lời dạy của người, hơn 60 năm qua, công tác thi đua, khen thưởng luôn được Đảng, Nhà nước và toàn xã hội quan tâm sâu sắc và thực sự đã trở thành động lực quan trọng trong việc thúc đẩy mọi người, mọi thành phần trong xã hội hăng hái lao động sản xuất, học tập và sáng tạo. Công tác thi đua, khen thưởng là một trong những biện pháp quản lý, điều hành cơ quan, đơn vị có hiệu quả, thực sự có tác dụng động viên cán bộ, công nhân viên chức và người lao động hoàn thành những nhiệm vụ được giao. Sức mạnh của những phong trào Thi đua yêu nước do Người phát động, bền bỉ, thực chất, thiết thực được thực hiện rộng khắp, mỗi ngày đã đem lại hiệu quả to lớn, đúng như Người từng nói: "Thi đua ái quốc, hiện tại và tương lai vẻ vang của nước ta"./.
Tâm Trang