Khu văn hoá Rạng Ðông, xã Nam Thanh (Nam Trực). |
Xã Nam Thanh (Nam Trực) được hình thành bởi sự hợp nhất từ 2 xã Nam Ninh và Nam Long. Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, xã Nam Thanh được xác định là vị trí quan trọng do có nhiều tuyến giao thông trọng yếu chạy qua như: quốc lộ 21B, đường Đen, đường 53… Là vùng quê có truyền thống cách mạng, ngay từ thế kỷ XIII, hai anh em Lê Hiến Giảng và Lê Hiến Tứ đã khởi nghĩa, đánh đuổi quân xâm lược phương Bắc, giải phóng quê hương. Cả 2 đều được trọng dụng làm quan trong triều nhà Trần. Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, chính quyền lâm thời xã được thành lập đã mở ra thời kỳ mới cho phong trào cách mạng của quê hương. Ủy ban cách mạng lâm thời đã nhanh chóng tổ chức vận động nhân dân thực hiện lời kêu gọi của Bác Hồ tập trung “Diệt giặc đói, giặc dốt”. Cả xã ra quân trồng rau màu ngắn ngày, đồng thời tích cực hưởng ứng phong trào “Hũ gạo chống đói” và “Tuần lễ vàng” do Ủy ban kháng chiến phát động. Nhiều hộ giáo ở Xối Thượng đã ủng hộ kháng chiến hàng ki-lô-gam vàng, hàng chục tấn thóc. Chùa Quần Trà đã bán 9 mẫu 4 sào ruộng của chùa để lấy tiền mua “Công phiếu” ủng hộ kháng chiến. Đoàn Thanh niên cứu quốc, Hội Phụ nữ cứu quốc, Đội Nhi đồng… được thành lập đã tích cực tham gia chống nạn mù chữ. Các đình, chùa, nhà dân trở thành lớp học chữ quốc ngữ. Nhờ đó chỉ sau một thời gian ngắn nhiều người dân đã biết đọc, biết viết. Chính quyền cách mạng lâm thời và các đoàn thể quần chúng được củng cố, các hủ tục lạc hậu bị đẩy lùi, đời sống nhân dân dần được cải thiện. Tháng 10-1945, chi bộ Tương Nam được thành lập. Năm 1947, chi bộ Minh Phú ra đời. Theo Quyết định của cấp trên liên chi bộ Quyết Thắng được tách ra làm nhiều chi bộ. Chi bộ Minh Phú có 12 đảng viên. Chi bộ Chấn Đông có 17 đảng viên. Trong hoàn cảnh vừa chiến đấu chống địch càn quét, vừa sản xuất củng cố hậu phương, các chi bộ Đảng đã tập trung củng cố tổ chức, kết nạp thêm nhiều đảng viên mới. Nhờ đó chỉ sau một năm, chi bộ Minh Phú đã kết nạp được 91 đảng viên mới, trong đó có 17 đảng viên nữ, 2 đảng viên là người công giáo; chi bộ Chấn Đông kết nạp được 73 đảng viên mới. Tháng 6-1947 thực hiện sự chỉ đạo của huyện đội Nam Trực, xã đội Nam Thanh được thành lập. Lực lượng du kích xã có 450 đồng chí được tổ chức thành 6 trung đội, trong đó có 1 trung đội gồm 43 đồng chí hoạt động tập trung, đóng tại chùa Cả, vừa sản xuất bảo đảm đời sống, vừa sẵn sàng chiến đấu. Trung đội này đã tập trung xây dựng công sự trận địa, đặt hệ thống bẫy chông, bẫy mìn, lập và triển khai các phương án bảo vệ cơ sở cách mạng, tài sản của nhân dân; đồng thời tiến hành quấy rối, tiêu diệt quân Pháp, chống địch càn quét, diệt ác trừ gian… Phong trào cách mạng phát triển, Nam Thanh trở thành “căn cứ địa” có các cơ sở cách mạng bí mật của huyện đóng chân, trở thành nơi nuôi giấu nhiều cán bộ cách mạng, bộ đội. Đồng thời, đây là nơi xuất phát của các đơn vị bộ đội chủ lực thuộc Đại đoàn 320, bộ đội của tỉnh, huyện và du kích các địa phương tiêu diệt địch ở các bốt: Cổ Lễ, Vô Tình (Trực Ninh), Quy Phú, Ngọc Tỉnh, Cổ Ra… và chặn đường hành quân càn quét của quân Pháp qua quốc lộ 21 xuống các huyện phía nam tỉnh. Qua 9 năm kháng chiến trường kỳ và gian khổ, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân và lực lượng du kích xã Nam Thanh đã phối hợp với bộ đội chủ lực của tỉnh, của huyện và du kích các xã lân cận tổ chức đánh địch hơn 100 trận, tiêu diệt 152 tên, trong đó có 57 lính Âu - Phi, một tên quan hai Pháp, làm bị thương hàng trăm tên, bắt sống 9 tên, thu giữ 2 súng trung liên, 45 súng trường và nhiều vũ khí quân trang, quân dụng khí tài quân sự khác; phá 8 ban tề, diệt 2 tên ác ôn khét tiếng… góp phần tích cực vào việc giải phóng quê hương. Trong số đó có nhiều trận đánh tiêu biểu như trận đánh điếm canh nước ở đầu làng thôn Nội vào tháng 2-1948, lực lượng du kích xã đã tiêu diệt 24 tên lính Âu - Phi, thu 1 súng trung liên, 15 súng trường và nhiều khí giới khác khiến địch buộc phải rút lui, trong một thời gian dài không dám càn quét. Tháng 12-1948, lực lượng du kích xã đã tổ chức đánh trận Hàng Thuấn ở thôn Bình Yên tiêu diệt 14 lính Âu - Phi và tên quan hai Pháp Sa-gli-ô là đồn trưởng Đồn Đò Quan khét tiếng cả vùng, khiến địch hoảng loạn phải rút chạy. Chiến công này đã gây được tiếng vang lớn trong quân và dân Liên khu III… Cùng với việc trực tiếp tổ chức chiến đấu bảo vệ quê hương, Nam Thanh còn tích cực tham gia đóng góp sức người, sức của cho tiền tuyến đánh thắng kẻ thù. Hơn 200 thanh niên của xã đã hăng hái lên đường phục vụ chiến dịch Đông Khê, Thất Khê, Cao - Bắc - Lạng; trong đó có 75 đồng chí đã anh dũng hy sinh, 9 đồng chí là thương binh, 7 đồng chí bị địch bắt tù đày. Nhân dân toàn xã đã quyên góp, ủng hộ cách mạng 1.150 tấn lương thực, 245 chỉ vàng, 15 vạn tiền Đông Dương… Có thể khẳng định, dưới sự lãnh đạo của Chi bộ Đảng và Ủy ban hành chính kháng chiến, với tinh thần yêu nước, quyết tâm bảo vệ xóm làng, nhân dân và du kích xã Nam Thanh đã không kể ngày đêm, đóng góp hàng nghìn ngày công, đào hàng trăm hầm bí mật để nuôi giấu cán bộ cách mạng, bộ đội và cất giấu vũ khí; hàng vạn cây tre đã được huy động để “rào làng kháng chiến”, làm hàng trăm bàn chông, đào đắp hàng trăm mét hào, công sự và trận địa phục vụ chiến đấu. Đặc biệt trong giai đoạn “2 năm 4 tháng” (từ tháng 10-1949 đến tháng 2-1952) mặc dù bị địch o ép, khống chế giết hại nhưng nhiều gia đình vẫn không sợ gian nguy để che giấu, nuôi dưỡng cán bộ, góp phần gìn giữ, phát triển phong trào cách mạng. Điển hình là gia đình các cụ: Đoàn Văn Dài, Nguyễn Thị Hoành ở thôn Bình Yên; Đoàn Thị Đề, Nguyễn Thị Mai ở thôn Phú Cường; Lê Thị Thẩm, Nguyễn Văn Bào ở thôn Xối Tây… Với những thành tích đạt được trong cuộc kháng chiến chống Pháp, xã Nam Thanh đã được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Kháng chiến chống Pháp hạng Ba và 2 Bằng khen; 153 cá nhân và 32 gia đình được tặng Huân chương, Huy chương kháng chiến và 100 Bằng khen các loại.
Kháng chiến chống Pháp thành công, hòa bình lập lại, Nam Thanh đã tập trung hàn gắn vết thương chiến tranh xây dựng quê hương, đồng thời sẵn sàng chi viện sức người, sức của cho tiền tuyến đánh thắng giặc Mỹ. Thực hiện khẩu hiệu “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người” xã Nam Thanh đã có 2.758 người lên đường giết giặc, trong đó có 62 thanh niên xung phong, 45 dân công hỏa tuyến; đóng góp 10.500 tấn thóc thuế, bán 11.350 tấn thóc nghĩa vụ, 890 tấn thịt lợn hơi. Thành tích của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Nam Thanh đã được Nhà nước ghi nhận và tặng thưởng: 793 người được tặng và truy tặng Huân chương, Huy chương kháng chiến các loại, 32 gia đình được Chính phủ tặng Huân chương, Huy chương, 4 mẹ được phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng…
Phát huy thành tích trong kháng chiến, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Nam Thanh đã tập trung phát triển khá toàn diện trên tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế, xã hội theo hướng nâng cao chất lượng và hiệu quả. Hàng năm, năng suất lúa của xã đạt 13 tấn/ha, trở thành xã có năng suất lúa cao trong tốp đầu của huyện. Sản xuất CN-TTCN phát triển khá với doanh thu hàng năm đạt 40-45 tỷ đồng, thu hút và tạo nhiều việc làm cho hàng nghìn lao động ở trong và ngoài xã, với nguồn thu nhập ổn định, góp phần quan trọng vào việc ổn định xã hội, từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân và làm thay đổi căn bản bộ mặt nông thôn. Tỷ lệ hộ khá, giàu của xã ngày một tăng, số hộ nghèo chỉ còn 6,72%. Toàn xã có 11 trạm biến áp với tổng công suất 2.805 KVA, đáp ứng nhu cầu sử dụng điện của 100% hộ dân, trong đó có 15% số hộ dùng điện để sản xuất kinh doanh. Hệ thống đường giao thông từ xã đến các thôn, xóm đang từng bước được hoàn thiện, bao gồm: 3,7km đã được nhựa hóa, hơn 70km đã được bê tông hóa và xây gạch, với tổng nguồn vốn đầu tư khoảng 9,8 tỷ đồng và hàng nghìn ngày công lao động của nhân dân. Toàn xã có 6 trường học đã và đang được xây dựng khang trang, 2 trường đã được công nhận là trường đạt chuẩn quốc gia, các trường đều đạt danh hiệu trường tiên tiến xuất sắc. Phong trào khuyến học, khuyến tài ở các thôn, làng, dòng họ ngày càng phát triển mạnh mẽ, trong đó có 10 dòng họ được Huyện ủy, UBND huyện tặng bức trướng khuyến học, khuyến tài. Hiện, toàn xã có 17 Tiến sỹ, Giáo sư và Phó Giáo sư; hàng năm có hàng chục em thi đỗ vào các trường đại học, cao đẳng. Công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân và thực hiện các chính sách xã hội bảo đảm; công tác quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, hệ thống chính trị được củng cố vững chắc. Đảng bộ xã luôn giữ vững là đảng bộ trong sạch vững mạnh, chính quyền vững mạnh, các đoàn thể đạt danh hiệu tiên tiến xuất sắc…
Vinh dự và tự hào trước danh hiệu cao quý: “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ kháng chiến chống Pháp” do Đảng và Nhà nước trao tặng, chắc chắn trong những năm tới cán bộ, nhân dân và lực lượng vũ trang xã Nam Thanh sẽ tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, chung sức, chung lòng, tập trung trí tuệ xây dựng quê hương ngày một thêm giàu đẹp, văn minh./.