Kính thưa:
- Chủ toạ kỳ họp;
- Thưa các vị đại biểu Quốc hội, các vị Đại biểu HĐND tỉnh và các vị đại biểu tham dự kỳ họp;
- Thưa toàn thể nhân dân.
Trước hết, thay mặt UBND tỉnh, tôi cảm ơn các vị đại biểu HĐND tỉnh đã đánh giá, ghi nhận sự nỗ lực, cố gắng của các cấp, các ngành trong năm 2010. Đồng thời, cảm ơn các vị đại biểu HĐND và cử tri toàn tỉnh đã quan tâm đến những nội dung kiến nghị và chất vấn. Tôi xin trân trọng tiếp thu và làm rõ một số nội dung sau:
I. VỀ TÌNH HÌNH THỰC HIỆN NHIỆM VỤ KINH TẾ - XÃ HỘI NĂM 2010:
Dưới sự lãnh đạo của Tỉnh uỷ, sự giám sát chặt chẽ của HĐND, sự chỉ đạo tập trung, năng động, quyết liệt của chính quyền các cấp, sự phối hợp thường xuyên tích cực của MTTQ và các đoàn thể, cùng sự nỗ lực, phấn đấu của các cấp, các ngành, các doanh nghiệp, của quân và dân trong tỉnh; chúng ta đã vượt qua khó khăn và giành thắng lợi toàn diện trên mọi lĩnh vực, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII. Tất cả các chỉ tiêu đều đạt và vượt so với kế hoạch HĐND đề ra; một số chỉ tiêu tổng hợp đạt cao: Tăng trưởng của toàn nền kinh tế đạt 10,5%; thu nhập bình quân đầu người đạt trên 14,5 triệu đồng/người/năm; thu ngân sách trên địa bàn 1.155 tỷ đồng; giá trị hàng xuất khẩu 248,7 triệu USD; tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 12.000 tỷ đồng, tăng 29% so với năm 2009... Cơ cấu kinh tế tiếp tục có sự chuyển dịch mạnh: Tỷ trọng công nghiệp, xây dựng chiếm 36,4%; dịch vụ 34,1%; nông, lâm, thuỷ sản 29,5%.
Trong năm qua, chúng ta đã tích cực tranh thủ sự giúp đỡ của Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương về vốn cho đầu tư phát triển; nhất là vốn cho xây dựng hạ tầng và thành phố Nam Định trở thành đô thị loại 1 trực thuộc tỉnh. Công nghiệp duy trì được tốc độ phát triển cao. Chủ động hoàn toàn trong công tác phòng chống hạn; ngăn ngừa, khống chế có hiệu quả bệnh lùn sọc đen trên lúa, dịch tai xanh ở lợn, dịch cúm gia cầm H5N1 và dịch lở mồm long móng trên đàn trâu, bò. Điều hành tiết giảm điện linh hoạt, khắc phục tình trạng thiếu điện cho sản xuất và sinh hoạt của nhân dân. Đẩy mạnh công tác khuyến công, khuyến nông, khuyến ngư, sản xuất vụ đông và xây dựng nông thôn mới. Từng bước nâng cao vai trò hoạt động của Ban nông nghiệp xã. Tích cực thực hiện cải cách thủ tục hành chính; cải thiện môi trường đầu tư. Triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách an sinh xã hội, đào tạo nghề, tạo việc làm mới; giải quyết kịp thời chế độ, chính sách cho các đối tượng. Những kết quả cụ thể, UBND tỉnh đã báo cáo đầy đủ trước các vị đại biểu HĐND tỉnh tại kỳ họp.
II. VỀ PHƯƠNG HƯỚNG, NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI NĂM 2011:
Năm 2011 là năm đầu thực hiện Nghị quyết của Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011-2015. Chúng ta cần tiếp tục huy động mọi nguồn lực, đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế; nâng cao hiệu quả và tính bền vững của sự phát triển; phấn đấu đạt và vượt tất cả các các chỉ tiêu KT-XH năm 2011, nhất là các chỉ tiêu: Tốc độ tăng trưởng GDP đạt từ 12% trở lên; GDP bình quân đầu người theo giá hiện hành đạt 18 triệu đồng; thu ngân sách từ kinh tế trên địa bàn đạt 1.330 tỷ đồng; giá trị hàng xuất khẩu 280 triệu USD. Cơ cấu kinh tế: Công nghiệp, xây dựng 37,2%; Dịch vụ 33,8%; Nông, lâm, thuỷ sản 29%.
Để thực hiện tốt mục tiêu trên, các cấp, các ngành cần tập trung chỉ đạo, điều hành quyết liệt ngay từ những ngày đầu, tháng đầu, tạo sự đồng thuận của cả hệ thống chính trị và toàn dân trong việc thực hiện mục tiêu chung. Tôi nhấn mạnh một số nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm sau:
1. Công tác quy hoạch và đầu tư phát triển:
1.1. Tập trung chỉ đạo ngay từ đầu năm: Rà soát, bổ sung, điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội và Quy hoạch xây dựng nông thôn mới đến năm 2020; Quy hoạch chi tiết của các ngành đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2020.
1.2. Tiếp tục tạo điều kiện cho các nhà đầu tư, khơi thông các nguồn vốn cho đầu tư phát triển và sản xuất kinh doanh. Tích cực tranh thủ sự đồng tình, giúp đỡ toàn diện của Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương để tạo vốn cho đầu tư phát triển.
1.3. Phấn đấu hoàn thành một số công trình trọng điểm: Quốc lộ 21 Nam Định - Thịnh Long; Tỉnh lộ 490C2 từ ngã tư đường S2 đến phà Thịnh Long; đường BOT Nam Định - Mỹ Lộc; đường cao tốc quốc gia đoạn đi qua địa phận huyện Ý Yên.
1.4. Tiến hành khởi công xây dựng mới một số công trình lớn: Đường nối quốc lộ 10 với quốc lộ 21 có cầu Tân Phong; kè nam sông Đào; đường 56; đường Mỹ Lộc - Phủ Lý; kiên cố hóa một số tuyến đê biển và kè sông lớn... Thúc đẩy tiến độ di dời Nhà máy Dệt ra Khu công nghiệp Hòa Xá. Khởi công Bệnh viện nhi Nam Định; Trung tâm Thể dục Thể thao vùng; Tòa nhà tháp đôi 25 tầng Khu đô thị Hòa Vượng; Khu công nghiệp Bảo Minh... Trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch xây dựng Khu kinh tế Ninh Cơ.
1.5. Tập trung đẩy nhanh tiến độ GPMB: Hoàn thành GPMB dự án Khu công nghiệp Bảo Minh; dự án Văn hóa Trần... Phối hợp với nhà đầu tư triển khai GPMB xây dựng Nhà máy Nhiệt điện Hải Hậu và một số dự án khác.
Sự chỉ đạo nhất quán của tỉnh về công tác GPMB là: Tăng cường tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện đúng pháp luật, chế độ, chính sách của Nhà nước và của tỉnh. Tôn trọng và đảm bảo lợi ích của nhân dân, của nhà đầu tư và của Nhà nước. Khi các cấp, các ngành đã thực hiện đầy đủ, vận dụng tối đa chế độ, chính sách của Nhà nước và tiến hành công khai phương án đền bù, hỗ trợ GPMB theo quy định: Hộ dân nào còn cố tình không chấp hành thì tổ chức cưỡng chế để không làm ảnh hưởng đến lợi ích chung của gần 2 triệu người dân tỉnh nhà. Xin giới thiệu với lãnh đạo huyện và hội đồng GPMB các huyện, thành phố về Nghĩa Hưng để nghiên cứu, học tập kinh nghiệm, phương pháp tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành tốt chế độ, chính sách GPMB, tự nguyện hiến đất để làm đường giao thông.
2. Về xây dựng thành phố Nam Định trở đô thị loại 1 trực thuộc tỉnh và thành phố trung tâm vùng Nam đồng bằng sông Hồng:
Tỉnh quyết tâm nâng cấp thành phố Nam Định trở thành đô thị loại 1 trực thuộc tỉnh vào năm 2012. Riêng trong năm 2011, sẽ bố trí từ ngân sách tỉnh trên 280 tỷ đồng, chiếm 30,1% tổng vốn đầu tư do tỉnh quản lý (chưa bao gồm tiền đất) để đầu tư cho hạ tầng đô thị, các công trình kinh tế - xã hội trên địa bàn thành phố. Đồng thời, tỉnh sẽ cùng với cấp ủy, chính quyền thành phố tập trung chỉ đạo thực hiện tốt một số nội dung công việc sau:
- Trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch xây dựng thành phố trung tâm vùng Nam đồng bằng sông Hồng.
- Tập trung hoàn thành các dự án: Nhà Bảo tàng giai đoạn 2; đường 52m, 33m; tất cả hạ tầng Khu đô thị mới Hòa Vượng, Thống Nhất và 60% hạ tầng Khu đô thị Mỹ Trung; một số đường nội thị; đảo giao thông Lộc An, Lộc Hòa. Cải tạo công viên Vị Xuyên. Cơ bản hoàn thành kênh thoát nước T311... Tạo điều kiện cho Trung tâm thương mại BigC hoạt động có hiệu quả, trở thành địa chỉ tin cậy tiêu thụ các loại sản phẩm nông nghiệp và công nghiệp của tỉnh; làm thay đổi phương thức hoạt động thương mại; đảm bảo lợi ích của người sản xuất và người tiêu dùng; thúc đẩy dịch vụ phát triển và văn minh thương mại.
- Khởi công xây dựng mới dự án đường 38 từ cầu Sắt đến đê Hữu Bị; nâng cấp một số tuyến đường nội thành; lập dự án kè đầm Bét và một số hồ khác trên địa bàn thành phố...
- Hoàn thiện Đề án nâng cấp thành phố Nam Định trở thành đô thị loại 1 trực thuộc tỉnh, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trước tháng 12 năm 2011.
- Tổ chức rà soát, quy hoạch và xây dựng ít nhất 50% các trục phố đạt tiêu chuẩn tuyến phố văn minh đô thị. Tăng cường chỉnh trang, làm đẹp bộ mặt đô thị. Tăng cường quản lý quy hoạch và công tác xây dựng trên địa bàn thành phố. Khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia đấu thầu thu gom rác thải, làm sạch lòng đường, hè phố.
Tôi tin tưởng rằng, cùng với các công trình trọng điểm của tỉnh và quyết tâm, nỗ lực của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể và nhân dân thành phố trong năm 2011; diện mạo thành phố nhất định có sự thay đổi, xứng đáng là đô thị loại 1 trực thuộc tỉnh và từng bước trở thành thành phố trung tâm vùng Nam đồng bằng sông Hồng.
3. Về vấn đề nông nghiệp, nông dân và nông thôn mới:
3.1. Về xây dựng nông thôn mới:
Năm 2011, tiếp tục triển khai Chương trình xây dựng nông thôn mới đến 62 xã trên địa bàn toàn tỉnh, nâng tổng số xã xây dựng nông thôn mới đến năm 2015 lên 73 xã.
Xây dựng nông thôn mới trước hết là xây dựng hệ thống chính trị thực sự vững mạnh, nâng cao năng lực, hiệu quả lãnh đạo, điều hành của đội ngũ cán bộ từ xóm đội đến thôn, xã để ở đó có nếp sống văn minh, lành mạnh, không có tệ nạn xã hội; thay đổi nếp nghĩ, cách làm của người nông dân để sản xuất, kinh doanh có hiệu quả; nhân dân thực sự là người chủ xây dựng cơ sở vật chất có sự hỗ trợ của Nhà nước... Theo đó, trong năm 2011, ngân sách tỉnh dành ra hơn 305 tỷ đồng để đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới (tăng 168,5 tỷ đồng so với năm 2010), trong đó: Có hơn 100 tỷ đồng từ nguồn vốn hỗ trợ miễn thủy lợi phí cho đào đắp, nạo vét, kiên cố hóa kênh cấp 2 trở lên và sửa chữa các công trình thủy lợi trên kênh; kết hợp nạo vét kênh với đắp đường giao thông đồng ruộng theo tiêu chí nông thôn mới, nền đường rộng từ 5-7m. Trước hết, tập trung cho vùng chuyển đổi theo quy hoạch sản xuất nông nghiệp và làm vụ đông.
3.2. Củng cố và từng bước hoàn thiện quan hệ sản xuất ở nông thôn. Tập trung chỉ đạo đào tạo cán bộ, tạo điều kiện làm việc, kinh phí hoạt động, nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban nông nghiệp xã; để Ban nông nghiệp xã làm tốt công tác tham mưu giúp UBND các xã chỉ đạo: Công tác khuyến công, khuyến nông, khuyến ngư; phát triển sản xuất nông nghiệp; đào tạo nghề; chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn; xây dựng nông thôn mới... là nhân tố để thúc đẩy các hợp tác xã nông nghiệp chuyển hẳn sang kinh doanh dịch vụ.
3.3. Khuyến khích các hộ có khả năng về vốn, am hiểu kỹ thuật, trình độ quản lý, tích tụ ruộng đất để xây dựng trang trại hoặc thành lập Công ty cổ phần hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho nông dân đã chuyển nhượng ruộng đất (như mô hình của Công ty cổ phần Cường Tân tại huyện Trực Ninh).
4. Về văn hóa - xã hội:
Thực hiện phát triển các lĩnh vực văn hóa, xã hội hài hòa với phát triển kinh tế. Tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, giữ vững thành tích là đơn vị dẫn đầu toàn quốc. Tăng cường giáo dục y đức; nâng cao chất lượng phòng, khám và chữa bệnh cho nhân dân. Làm tốt công tác đào tạo nghề, chú trọng vùng nông thôn, đáp ứng cho nhu cầu lao động có tay nghề của thị trường trong nước và xuất khẩu. Chuẩn bị tích cực các điều kiện cần thiết để tổ chức Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ 7 vào năm 2014. Hoàn thành nâng cấp Đài PTTH tỉnh, đáp ứng yêu cầu tuyên truyền, chỉ đạo, điều hành của tỉnh và phục vụ nhân dân.
5. Tập trung cải thiện môi trường đầu tư, nhất là hệ thống giao thông huyết mạch, các khu công nghiệp, năng lượng điện, chất lượng dịch vụ, thủ tục hành chính, cơ chế khuyến khích các nhà đầu tư tiềm năng về tỉnh. Nâng cao chỉ số cạnh tranh của nền kinh tế, đảm bảo an ninh, trật tự, đa dạng hình thức xúc tiến đầu tư, tạo sức hấp dẫn đối với nhà đầu tư trong và ngoài nước. Tăng cường công tác quản lý và sử dụng đất có hiệu quả. Thường xuyên chú trọng bảo vệ môi trường, đảm bảo cho phát triển bền vững.
III. VỀ MỘT SỐ ĐỀ XUẤT, KIẾN NGHỊ CỦA CỬ TRI:
UBND tỉnh đã giao cho các đồng chí giám đốc các sở, ngành trả lời các nội dung chất vấn của các vị đại biểu HĐND tỉnh, thể hiện thái độ nghiêm túc, trách nhiệm của UBND tỉnh và các ngành trước HĐND tỉnh và nhân dân. Sau đây, tôi xin làm rõ một số vấn đề các vị Đại biểu HĐND tỉnh và nhân dân quan tâm.
1. Về Nông nghiệp - Tài nguyên Môi trường:
1.1. Cử tri các huyện Giao Thuỷ, Nam Trực, Trực Ninh, Vụ Bản, Xuân Trường tiếp tục đề nghị tỉnh tăng cường công tác quản lý để đảm bảo chất lượng vật tư nông nghiệp; có chính sách bình ổn giá trong nông nghiệp để giảm bớt khó khăn cho nông dân.
- Về tăng cường công tác quản lý để đảm bảo chất lượng vật tư nông nghiệp: Tại kỳ họp thứ 14 HĐND tỉnh, tôi đã trả lời kiến nghị cử tri. Trong chỉ đạo, điều hành, UBND tỉnh rất quan tâm đến tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm những vi phạm liên quan đến giá và chất lượng vật tư nông nghiệp nên nhiều năm qua ở tỉnh ta không để xảy ra các trường hợp vi phạm lớn, gây thiệt hại cho sản xuất. Tuy nhiên, do thị trường kinh doanh vật tư nông nghiệp rất phức tạp, công tác quản lý của chính quyền ở một số xã, thị trấn còn buông lỏng nên cá biệt vẫn còn tình trạng buôn bán vật tư nông nghiệp kém chất lượng. Để khắc phục tình trạng này, UBND tỉnh chỉ đạo cơ quan quản lý thị trường, Sở NN&PTNT và các cơ quan liên quan phối hợp với các huyện, thành phố tạo điều kiện, nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban nông nghiệp xã; để Ban nông nghiệp xã làm tốt công tác tham mưu, thường xuyên phối hợp với các cơ quan chức năng, tăng cường kiểm tra, kiểm soát chất lượng vật tư nông nghiệp trên địa bàn. Đề nghị nhân dân tố giác cụ thể những cơ sở kinh doanh vật tư nông nghiệp không đảm bảo chất lượng hoặc hàng giả để xử lý nghiêm theo pháp luật.
- Về vấn đề bình ổn giá trong nông nghiệp: Đây là vấn đề lớn có tính vĩ mô. Các cấp tỉnh, huyện, xã chỉ có thể làm tốt công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường; chống buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng; chống găm hàng đầu cơ, nâng giá bất hợp lý và yêu cầu các cơ sở kinh doanh niêm yết giá, bán hàng theo giá niêm yết... Còn lại những vấn đề khác, UBND tỉnh xin tiếp thu và báo cáo lên Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương liên quan để giải quyết.
1.2. Cử tri các huyện Xuân Trường, Giao Thủy, Hải Hậu phản ánh tình trạng một bộ phận nông dân không còn mặn mà với sản xuất nông nghiệp, đã để ruộng bị bỏ hoang; đề nghị tỉnh có cơ chế khuyến khích đối với nông dân để thúc đẩy phát triển sản xuất.
Đến nay, UBND tỉnh và các sở, ngành của tỉnh chưa nhận được báo cáo chính thức của các huyện trên về tình trạng nông dân để ruộng bỏ hoang. Tuy nhiên, trong thực tế có hiện tượng: Một bộ phận nông dân ở những vùng ven đô thị, ven các khu công nghiệp hoặc vùng có nghề tiểu thủ công nghiệp phát triển không mặn mà với sản xuất nông nghiệp do hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp không cao hoặc do tính thời vụ của sản xuất nông nghiệp. Lực lượng này ở nông thôn có xu hướng chuyển đến khu vực phi nông nghiệp để làm việc vì có thu nhập cao hơn và được nhận tiền ngay. Bên cạnh đó, còn một bộ phận thanh niên đi làm ăn xa và một bộ phận người già còn ruộng nhưng không còn sức khỏe nên muốn khoán lại hoặc chuyển nhượng cho người khác. Đây chính là tín hiệu tốt đối với việc chuyển dịch cơ cấu lao động trong nông nghiệp, nông thôn và tạo tiền đề cho tích tụ ruộng đất.
Hiện nay, Nhà nước và tỉnh đã có các chính sách như: miễn thuế nông nghiệp; miễn thủy lợi phí; chuyển hệ thống kênh cấp 2 và các công trình trên kênh về các Công ty KTCTTL quản lý, nạo vét, kiên cố hóa; đầu tư hệ thống đê điều và thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp; các cơ chế khuyến công, khuyến nông, khuyến ngư; đào tạo nghề cho lao động nông thôn; hỗ trợ xây dựng nông thôn mới... Đây chính là những cơ chế, chính sách khuyến khích lớn nhất của Nhà nước và của tỉnh cho nông dân.
1.3. Cử tri huyện Nam Trực đề nghị tỉnh có giải pháp phát triển nghề phụ và khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư về nông thôn để tạo việc làm cho nông dân lúc nông nhàn.
Thực tế, Trung ương đã ban hành rất nhiều cơ chế, chính sách liên quan phát triển làng nghề và khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn như: Các nghị định của Chính phủ về phát triển các ngành nghề nông thôn; chính sách khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn... Quyết định số 800 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020...
Ở tỉnh ta cũng đã ban hành và chỉ đạo thực hiện nhiều cơ chế, chính sách như:
- Quyết định 2041 của UBND tỉnh về chính sách khuyến khích phát triển các ngành, nghề tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn: Đến nay, toàn tỉnh đã có 94 làng nghề, 20 cụm công nghiệp với 143 doanh nghiệp, 15 HTX và trên 18.100 hộ cá thể tham gia sản xuất, kinh doanh, thu hút trên 48.000 lao động nông thôn.
- Quyết định 2168 của UBND tỉnh ban hành một số cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư phát triển trên địa bàn. Đã tạo điều kiện về mặt bằng để nhiều doanh nghiệp đầu tư về khu vực nông thôn như: Các xưởng may của các Công ty cổ phần may Nam Định, may Sông Hồng, may Trường Xuân tại huyện Xuân Trường, Hải Hậu; Xí nghiệp may Hanosimex tại huyện Giao Thủy; các cơ sở Dệt khăn vệ tinh của Công ty cổ phần dệt may Sơn Nam, Tổng công ty cổ phần dệt may Nam Định ở các huyện Nam Trực, Trực Ninh... Đến nay, huyện nào cũng có cơ sở dệt may. Khuyến khích các doanh nghiệp xuất khẩu phối hợp với các xã, các làng nghề tổ chức các cơ sở sản xuất hàng xuất khẩu. Khuyến khích các doanh nghiệp tổ chức sản xuất, dạy nghề và tiêu thụ sản phẩm cho nông dân. Giải quyết việc làm cho hàng trăm nghìn lao động nông thôn.
- Quyết định 2615 của UBND tỉnh về quản lý, sử dụng kinh phí khuyến công: Riêng giai đoạn 2006-2009, đã triển khai 319 dự án truyền nghề, nhân cấy nghề và đào tạo nghề cho lao động nông thôn với tổng kinh phí là 14,3 tỷ đồng; đã đào tạo nghề cho trên 20.000 lượt người.
Bên cạnh đó, tỉnh đang tích cực chỉ đạo thực hiện Chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn với tổng mức đầu tư gần 1.000 tỷ đồng; Chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020... Như vậy, cơ chế, chính sách và giải pháp phát triển nghề và khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư về nông thôn đã tương đối đầy đủ. Vấn đề còn lại là sự năng động, sáng tạo của chính quyền các cấp (nhất là cấp cơ sở) và người dân trong việc quyết tâm học nghề và làm nghề. Đồng thời tạo điều kiện về mặt bằng cho các doanh nghiệp để thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh, tạo công ăn, việc làm cho người lao động.
1.4. Cử tri thành phố Nam Định đề nghị tỉnh nghiên cứu cho thu hồi một phần diện tích đất của Công ty lương thực Nam Định (hiện đang cho tư nhân thuê làm kho chứa hàng) để xây dựng, di chuyển chợ Hoàng Ngân hoặc xây dựng trạm y tế phường Phan Đình Phùng.
Theo quy hoạch chi tiết phường Phan Đình Phùng đã được UBND tỉnh phê duyệt thì: Tổng diện tích đất trước đây của Công ty lương thực Nam Định là 46.322m2; trong đó đã hoàn trả lại cho thành phố quản lý là 18.575,5m2. Phần đất trả lại này đã được quy hoạch để xây dựng Trường mầm non tư thục Hoa Sữa, Trường THPT dân lập Nguyễn Công Trứ và một số công trình hạ tầng khác.
Tiếp thu kiến nghị của cử tri, UBND tỉnh giao cho Sở TNMT tiếp tục kiểm tra, đôn đốc việc sử dụng đất của Công ty lương thực Nam Định. Nếu phát hiện thấy những diện tích đất mà Công ty sử dụng không đúng với phương án sản xuất kinh doanh và phương án sử dụng đất đã được duyệt thì tham mưu, báo cáo UBND tỉnh phương án xử lý cụ thể.
1.5. Cử tri huyện Xuân Trường đề nghị tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng xử lý, giải quyết dứt điểm tình trạng ô nhiễm môi trường của Nhà máy giấy tại xã Xuân Bắc.
Từ năm 2006, Sở TNMT đã thành lập Đoàn thanh tra việc chấp hành pháp luật bảo vệ môi trường đối với Nhà máy giấy của Công ty Cổ phần Mạnh Chí tại Cụm công nghiệp xã Xuân Bắc. Sau khi có kết quả thanh tra, để giảm thiểu ô nhiễm môi trường, Công ty cổ phần Mạnh Chí đã thực hiện lắp đặt ống khói cao 15m và dây truyền sản xuất, sử dụng nước tuần hoàn. Tuy nhiên, kết quả quan trắc khí thải và nước thải cho thấy, vẫn còn có một số thông số vượt tiêu chuẩn môi trường Việt Nam cho phép. Để giải quyết dứt điểm tình trạnh gây ô nhiễm môi trường trên, UBND tỉnh yêu cầu:
- UBND huyện Xuân Trường chỉ đạo các phòng chuyên môn và UBND xã Xuân Bắc, Ban quản lý Cụm công nghiệp Xuân Bắc giám sát, đôn đốc Công ty thực hiện sự chỉ đạo của Sở TNMT.
- Sở TNMT thực hiện quan trắc định kỳ hàng năm đối với nước thải và khí thải; phối hợp với UBND huyện Xuân Trường chỉ đạo xử lý triệt để các kiến nghị sau thanh tra.
1.6. Cử tri huyện Mỹ Lộc đề nghị tỉnh xử lý tình trạng hoạt động của Nhà máy rác Lộc Hoà gây ô nhiễm nguồn nước và yêu cầu Nhà máy xử lý rác hỗ trợ cho nông dân bị thất thu, mất mùa do bị ảnh hưởng bởi khói xả của nhà máy.
- Về việc hỗ trợ cho nông dân bị thất thu: UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở TNMT phối hợp với Sở NN&PTNT kiểm tra các diện tích lúa bị thiệt hại do khói xả của Nhà máy xử lý rác gây ra tại thôn Dị Sử, xã Mỹ Thành, huyện Mỹ Lộc. Kết quả kiểm tra cho thấy: Diện tích lúa của 12 hộ dân là 8.640m2 bị ảnh hưởng 100% và diện tích lúa của 1 hộ dân là 360m2 bị ảnh hưởng 50%. Công ty TNHH một thành viên Môi trường Nam Định đã chấp nhận diện tích thiệt hại trên. Ngày 29-10-2010, 13 hộ dân thôn Dị Sử đã nhất trí, ký với Công ty và nhận tiền đền bù.
- Về xử lý ô nhiễm nguồn nước: Theo báo cáo của Công ty TNHH một thành viên Môi trường Nam Định, nước rỉ rác phát sinh từ các hố chôn lấp rác thải được thu về các hồ chứa trong khuôn viên của Nhà máy, không thải ra ngoài môi trường. Năm 2010, Công ty đã ký hợp đồng với Công ty TNHH công nghệ thiết bị môi trường Hà Nội mang thiết bị máy móc về Nhà máy để xử lý nước rỉ rác, khi đạt quy chuẩn môi trường Việt Nam mới thải ra bên ngoài (Hiện đã xử lý được 10.000 m3; đang tiếp tục xử lý 4.800 m3).
Năm 2010, UBND tỉnh đã đồng ý cho Công ty TNHH một thành viên Môi trường Nam Định được lập dự án đầu tư xây dựng Trạm xử lý nước rỉ rác và bãi chôn lấp và xử lý chất thải rắn thành phố Nam Định với công suất 20 m3/giờ. Đến nay, dự án đã lập xong đang trình các cấp có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt để triển khai xây dựng.
1.7. Cử tri huyện Vụ Bản đề nghị tỉnh có biện pháp khắc phục tình trạng nước thải từ Khu công nghiệp Hoà Xá thải ra sông T3 và khí thải từ bãi rác Lộc Hoà đã gây ô nhiễm nguồn nước và môi trường xã Đại An.
- Về xử lý nước thải từ Khu công nghiệp Hoà Xá: Từ năm 2008, UBND tỉnh đã cho triển khai dự án đầu tư xây dựng Trạm xử lý nước thải Khu công nghiệp Hòa Xá với công suất 4.500m3 nước/ngày đêm; đến nay đã xây dựng và lắp đặt xong thiết bị; dự kiến cuối tháng 12-2010 đi vào hoạt động để thu gom nước thải từ các cơ sở sản xuất trong Khu công nghiệp Hoà Xá để xử lý. Khi trạm xử lý nước thải đi vào hoạt động, tình trạng nước thải sẽ được khắc phục.
- Về vấn đề khí thải từ Nhà máy rác Lộc Hòa: Thực tế, Nhà máy xử lý rác Lộc Hòa đã được đầu tư và triển khai nhiều biện pháp để giảm thiểu khí thải gây ô nhiễm môi trường nhưng vẫn chưa đáp ứng được hoàn toàn yêu cầu của nhân dân. UBND tỉnh yêu cầu Sở TNMT phối hợp với các cơ quan chức năng có liên quan tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động của Nhà máy xử lý rác Lộc Hoà để giảm thiểu tình trạng gây ô nhiễm môi trường xung quanh. Năm 2011, UBND tỉnh đã trình HĐND tỉnh bố trí tăng kinh phí cho Nhà máy rác Lộc Hòa để xử lý khí thải.
1.8. Cử tri huyện Hải Hậu đề nghị tỉnh quan tâm chỉ đạo thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các HTX sản xuất muối.
Theo Sở TNMT báo cáo, đến nay Sở TNMT chưa nhận được hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của các HTX sản xuất muối ở huyện Hải Hậu. UBND tỉnh giao Sở TNMT phối hợp với UBND các huyện trực tiếp hướng dẫn các HTX sản xuất muối về thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; đảm bảo trong năm 2011 sẽ cấp xong toàn bộ Giấy chứng nhận cho các HTX làm muối.
1.9. Cử tri huyện Hải Hậu đề nghị tỉnh chỉ đạo xử lý dứt điểm tình trạng đốt gạch thủ công tại xã Xuân Ninh, huyện Xuân Trường gây ảnh hưởng đến môi trường và sản xuất nông nghiệp các xã xung quanh.
Tại khu vực ven sông Ninh Cơ, xã Xuân Ninh, huyện Xuân Trường hiện có 7 hộ dân đang thuê đất để sản xuất gạch thủ công. UBND xã Xuân Ninh đã có chủ trương thu hồi toàn bộ diện tích đất thuê của 7 hộ dân này để chuyển sang mục đích khác; đồng thời hướng dẫn thủ tục thuê mặt bằng sản xuất vật liệu xây dựng không nung cho Công ty TNHH Thuỷ Nguyên nhằm đáp ứng nhu cầu về vật liệu xây dựng cho nhân dân địa phương và chấm dứt tình trạng sản xuất gạch thủ công trên địa bàn xã.
2. Về đầu tư XDCB và Giao thông:
2.1. Cử tri huyện Ý Yên đề nghị tỉnh đầu tư kiên cố hoá mặt đê Hữu Đào, đoạn qua trung tâm xã Yên Phúc; cử tri huyện Xuân Trường đề nghị xây kè bảo vệ đê sông thuộc hệ tiêu Nam Điền; cử tri huyện Nam Trực đề nghị đầu tư kinh phí làm cứng hoá mặt đê Đại Hà đoạn Nam Thắng và hai bên cống hạ lưu Thắng Thịnh.
Những đề nghị trên đã được UBND tỉnh đồng ý cho lập dự án đầu tư và báo cáo Bộ NN&PTNT. Khi có vốn đầu tư sẽ triển khai thực hiện các dự án. Riêng đối với việc kiên cố hóa mặt đê Hữu Đào: UBND tỉnh đồng ý cho UBND huyện Ý Yên lập bổ sung đoạn đi qua trung tâm xã Yên Phúc vào dự án đã có.
2.2. Cử tri các huyện Ý Yên, Giao Thuỷ, Nam Trực đề nghị tỉnh tiếp tục quan tâm đầu tư các dự án cung cấp nước sạch cho sinh hoạt của nhân dân trên địa bàn.
Thực hiện Chương trình MTQG nước sạch và VSMT nông thôn, trong những năm qua UBND tỉnh đã chỉ đạo cho lập và triển khai các Dự án xây dựng nhà máy cung cấp nước sạch ở các huyện, thành phố từ nguồn vốn chương trình MTQG và vốn vay WB. Nhưng do nguồn vốn đầu tư có hạn nên việc đầu tư, phát triển các nhà máy nước sạch cần phải được thực hiện từng bước. Tiếp thu ý kiến của cử tri, UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo các ngành liên quan tranh thủ sự quan tâm của các bộ, ngành Trung ương và các nhà tài trợ để tiếp tục đầu tư cho các công trình cấp nước sạch nông thôn; trước mắt sẽ ưu tiên cho những địa phương có nhiều khó khăn về nguồn nước sinh hoạt và có khả năng về vốn đối ứng xây dựng công trình.
2.3. Cử tri các huyện Trực Ninh, Ý Yên, Nghĩa Hưng, thành phố Nam Định đề nghị tỉnh chỉ đạo ngành điện sớm đầu tư cải tạo nâng cấp hệ thống điện để khắc phục tình trạng quá tải; đồng thời tiếp tục đề nghị ngành điện thực hiện kế hoạch cắt điện theo đúng thông báo và đảm bảo công bằng khi phải cắt điện luân phiên.
- Về đầu tư nâng cấp hệ thống điện: Đến nay, ngành điện đã hoàn thành cải tạo giai đoạn 1 lưới điện hạ thế nông thôn trên phạm vi toàn tỉnh với tổng vốn đầu tư 420 tỷ đồng và triển khai xây dựng mới 329 trạm biến áp phân phối với tổng vốn đầu tư 200 tỷ đồng (Trong đó, đã đóng điện được 200 trạm; còn lại 129 trạm đang triển khai thi công để đóng điện trước Tết Nguyên Đán năm 2011). Ngành điện cũng đang lập dự án cải tạo lưới điện hạ áp nông thôn giai đoạn 2 với tổng mức đầu tư 750 tỷ đồng. Tổng Công ty Điện lực Miền Bắc đang thu xếp nguồn vốn để triển khai vào năm 2011 và năm 2012. Sau khi hoàn thành đầu tư giai đoạn 2, chất lượng điện và an toàn điện tại các địa phương sẽ được nâng cao, tương đương với các khu vực tại thành phố Nam Định và các thị trấn.
- Về đề nghị ngành điện thực hiện kế hoạch cắt điện luân phiên theo đúng thông báo, đảm bảo công bằng: Tiếp thu kiến nghị của cử tri, trong năm 2011, UBND tỉnh sẽ tiếp tục quan tâm chỉ đạo ngành điện về vấn đề này.
2.4. Cử tri huyện Ý Yên tiếp tục đề nghị tỉnh có ý kiến với đơn vị thi công sớm khắc phục và hoàn trả cho địa phương các công trình giao thông, thuỷ lợi đã bị hư hỏng do việc thi công đường cao tốc gây ra.
Bộ GTVT đã có Văn bản số 538 ngày 26-01-2010 chấp thuận việc sửa chữa để hoàn trả đường cho địa phương. UBND tỉnh sẽ tiếp tục làm việc với Bộ GTVT và chủ đầu tư để chỉ đạo đơn vị thi công sớm khắc phục.
2.5. Cử tri các huyện Hải Hậu, Giao Thuỷ, Xuân Trường, Nam Trực tiếp tục đề nghị tỉnh tăng cường các biện pháp cứng rắn trong GPMB quốc lộ 21 và có biện pháp đẩy nhanh tiến độ thi công Quốc lộ 21 và Tỉnh lộ 490C.
UBND tỉnh hoan nghênh các hộ dân đã chấp hành tốt GPMB và tạo điều kiện cho các đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ. Đồng thời, cũng hoan nghênh lãnh đạo các huyện Nam Trực, Trực Ninh và thành phố Nam Định đã kiên quyết cưỡng chế những hộ dân cố tình không chấp hành chế độ, chính sách về GPMB của Nhà nước và của tỉnh. Đến ngày 05-12-2010, đoạn quốc lộ 21.1 đã thông tuyến; đoạn 21.2 còn một số hộ dân ở các xã Hải Hòa, Hải Châu cố tình không chấp hành phương án GPMB. UBND tỉnh yêu cầu huyện Hải Hậu sớm thực hiện cưỡng chế để thông toàn tuyến. Riêng Tỉnh lộ 490C2, hiện nay đang chờ nhận tiền đền bù bàn giao mặt bằng để đẩy nhanh tiến độ thi công.
2.6. Cử tri huyện Hải Hậu đề nghị tỉnh tăng cường kiểm tra và tạo điều kiện cho cơ sở giám sát các công trình có vốn đối ứng của nhân dân để đảm bảo chất lượng các công trình trên địa bàn.
Vấn đề này đã được quy định rõ tại Nghị định 209 ngày 16-12-2004 của Chính phủ về quản lý chất lượng các công trình xây dựng và Thông tư số 27 ngày 31-7-2009 của Bộ Xây dựng hướng dẫn một số nội dung về quản lý chất lượng công trình xây dựng. UBND tỉnh đề nghị nhân dân nêu cao tinh thần trách nhiệm, tăng cường giám sát các công trình có vốn đối ứng của nhân dân để đảm bảo chất lượng các công trình trên địa bàn. Đồng thời, các cấp, các ngành cần chỉ đạo thực hiện nghiêm vấn đề này.
3. Lĩnh vực tài chính:
3.1. Cử tri huyện Hải Hậu đề nghị tỉnh quan tâm hỗ trợ học phí cho cán bộ xã được cử đi học nâng cao nghiệp vụ chuyên môn.
Trong quy định về phân cấp, quản lý điều hành và dự toán ngân sách hàng năm đã bố trí kinh phí chi sự nghiệp đào tạo cho ngân sách cấp xã (năm 2011 bố trí với mức bình quân 20 triệu đồng/xã) để thực hiện các nhiệm vụ đào tạo và hỗ trợ cán bộ xã được cử đi học nâng cao nghiệp vụ chuyên môn. Yêu cầu UBND các huyện, thành phố chỉ đạo chính quyền cấp xã thực hiện việc hỗ trợ kinh phí cho cán bộ cấp xã được cử đi học nâng cao nghiệp vụ chuyên môn theo đúng qui định về phân cấp ngân sách.
4. Công tác xây dựng chính quyền:
4.1. Cử tri các huyện Giao Thuỷ, Vụ Bản, Ý Yên, Nam Trực đề nghị tỉnh tập huấn, hướng dẫn cụ thể về chức năng, nhiệm vụ đối với chức danh Phó Ban nông nghiệp xã và có chính sách khuyến khích về lương, phụ cấp đối với một số cán bộ của Ban nông nghiệp.
UBND tỉnh đã có Văn bản số 281 ngày 23-11-2010 thông báo ý kiến chỉ đạo của đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh tại Hội nghị sơ kết 1 năm hoạt động của Ban nông nghiệp xã: Đã giao cho Sở NN&PTNT xây dựng kế hoạch tập huấn, đào tạo cho cán bộ Ban nông nghiệp xã theo tinh thần Thông tư liên tịch số 61 ngày 15-5-2008 của liên Bộ NN&PTNT và Bộ Nội vụ; giao Sở Nội vụ nghiên cứu, đề xuất mức phụ cấp cho nhân viên Ban nông nghiệp xã, đảm bảo hài hòa với các chức danh khác ở xã và đáp ứng nhiệm vụ được giao.
4.2. Cử tri thành phố Nam Định đề nghị UBND tỉnh sớm chỉ đạo thành lập bộ máy quản lý Trung tâm chữa bệnh giáo dục lao động xã hội tại xã Nam Phong thành phố Nam Định: Tiếp thu kiến nghị cử tri, UBND tỉnh sẽ chỉ đạo để đưa Trung tâm chữa bệnh giáo dục lao động xã hội tại xã Nam Phong, thành phố Nam Định đi vào hoạt động trong quí I-2011.
5. Các lĩnh vực Giáo dục - Văn hóa - Xã hội:
5.1. Cử tri đề nghị tỉnh chỉ đạo ngành giáo dục không để tình trạng dạy thêm học thêm ngoài trường học, không đúng quy định của ngành giáo dục.
Theo quy định của Bộ GD&ĐT, giáo viên có quyền được dạy thêm nếu có đủ các điều kiện và thực hiện đúng theo quy định của Bộ và của tỉnh. UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 1893 ngày 22-8-2007 quy định việc dạy thêm, học thêm trên địa bàn. Để tiếp tục giảm thiểu tình trạng dạy thêm, học thêm không đúng quy định hoặc lợi dụng các quy định về dạy thêm, học thêm để ép buộc học sinh học thêm; UBND tỉnh yêu cầu Sở GD&ĐT tập trung chỉ đạo làm tốt một số nội dung công việc sau:
- Ngành GD&ĐT tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương tổ chức thanh tra, kiểm tra đối với các cơ sở dạy thêm, học thêm, đảm bảo thực hiện đúng Quyết định 1893 ngày 22-8-2007 của UBND tỉnh.
- Tuyên truyền sâu rộng trong giáo viên, học sinh và phụ huynh các quy định về dạy thêm, học thêm và những tác hại của học thêm quá mức cần thiết.
- Nghiêm cấm ép buộc học sinh học thêm dưới bất cứ hình thức nào. Đề nghị phụ huynh học sinh tố cáo cho nhà trường và các cơ quan chức năng về các trường hợp dạy thêm, học thêm không đúng quy định, hoặc ép buộc học thêm.
5.2. Cử tri huyện Giao Thuỷ phản ánh hiện nay các hộ nghèo đã làm đủ thủ tục vay vốn làm nhà ở theo Quyết định 167 nhưng Ngân hàng CSXH huyện trả lời hết tiền nên phải dừng lại. Đề nghị tỉnh chỉ đạo Ngân hàng CSXH giải ngân cho các hộ nghèo vay vốn.
Tính đến ngày 15-7-2010, hệ thống Ngân hàng CSXH tỉnh đã giải ngân hết kế hoạch vốn vay hộ nghèo làm nhà ở năm 2010 với tổng số tiền là 1,6 tỷ đồng. Tuy nhiên, do nhu cầu vay vốn để làm nhà ở rất lớn nên Ngân hàng CSXH Việt Nam đã có Quyết định số 2872 ngày 16-11-2010 giao bổ sung vốn cho vay hộ nghèo làm nhà ở năm 2010 với tổng số tiền là 10 tỷ đồng (Ngày 24-11-2010, số tiền này đã được phân bổ về cho Ngân hàng CSXH các huyện, thành phố).
UBND tỉnh yêu cầu Ngân hàng CSXH tỉnh chủ động phối hợp với UBND các huyện, thành phố kiểm tra các thủ tục cho vay tại các Ngân hàng CSXH các huyện, thành phố để giải ngân ngay trong tháng 12-2010 cho các hộ nghèo có nhu cầu vay vốn để làm nhà ở.
5.3. Cử tri các huyện Xuân Trường, Nam Trực đề nghị tỉnh tăng cường chỉ đạo việc bình xét hộ nghèo theo tiêu chí mới, đảm bảo đúng quy trình sát với thực tế cơ sở, không vì thành tích mà ấn định trước tỷ lệ hộ nghèo như ở một số cơ sở hiện nay.
Trong tất cả các văn bản chỉ đạo của tỉnh về công tác tổng điều tra hộ nghèo và hướng dẫn của ngành LĐTB&XH đã đều quy định rõ: Việc điều tra xác định hộ nghèo phải được thực hiện công khai, dân chủ, có sự tham gia của các ngành, đoàn thể và người dân từ thôn, xóm, tổ dân phố; xác định đúng đối tượng; phản ánh đúng thực trạng hộ nghèo, hộ cận nghèo. Theo báo cáo kết quả sơ bộ, đến ngày 30-11-2010 toàn tỉnh đã cơ bản hoàn thành việc tổng điều tra xác định hộ nghèo và hộ cận nghèo; theo đó tỉ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh là 10,37%. Yêu cầu UBND các huyện, thành phố kiểm tra, rà soát kết quả thực hiện ở cơ sở, đảm bảo đúng chỉ đạo của tỉnh.
5.4. Cử tri các huyện Giao Thuỷ, Mỹ Lộc đề nghị tỉnh sớm giải quyết chế độ cho các cán bộ, công chức xã tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước theo Quyết định 142 ngày 27-10-2008 và Quyết định 38 ngày 06-5-2010 của Thủ tướng Chính phủ.
- Đối với việc giải quyết chế độ theo Quyết định 142 của Thủ tướng Chính phủ: Đến nay, Bộ CHQS tỉnh đã thẩm định xong hồ sơ và báo cáo Ban chỉ đạo Quân khu 3 giải quyết chế độ cho 42.895 đối tượng; trong đó Quân khu 3 đã ra quyết định cho 33.737 đối tượng; số còn lại đang chờ Quân khu 3 ra quyết định tiếp.
- Về việc giải quyết chế độ theo Quyết định 38 của Thủ tướng Chính phủ: UBND tỉnh đã có Văn bản số 39 ngày 09-11-2010 chỉ đạo việc thực hiện giải quyết chế độ cho các đối tượng theo Quyết định 38 và Thông tư liên tịch số 110 ngày 08-9-2010 của liên Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính và Bộ LĐTB&XH. Đến nay, các huyện, thành phố đang trong giai đoạn triển khai thu thập hồ sơ để thẩm định trước khi báo cáo về Bộ CHQS tỉnh. UBND tỉnh yêu cầu UBND các huyện, thành phố chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thu thập hồ sơ, thẩm định đối tượng, tổng hợp báo cáo về Bộ CHQS tỉnh trước ngày 15-12-2010 theo quy định để báo cáo Ban chỉ đạo Quân khu 3 xem xét, giải quyết.
5.5. Cử tri các huyện Nam Trực, Hải Hậu đề nghị tỉnh tăng cường các biện pháp để phát hiện, triệt phá các điểm buôn bán ma tuý, cờ bạc, tệ nạn xã hội để đảm bảo an ninh trật tự tại địa phương.
Đây là vấn đề được các cấp, các ngành và toàn dân quan tâm. UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo lực lượng công an tập trung đấu tranh triệt phá các đường dây, ổ nhóm ma túy, cờ bạc, tệ nạn xã hội gây nhức nhối, bức xức trong nhân dân. Chỉ đạo các cấp uỷ Đảng, chính quyền địa phương đề ra các chủ trương, biện pháp nhằm thúc đẩy phong trào quần chúng phòng, chống tệ nạn xã hội; lồng ghép công tác phòng chống tệ nạn cờ bạc, mại dâm với việc thực hiện các mô hình phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; phong trào xây dựng xã, phường, khu dân cư văn hoá, không có tội phạm và tệ nạn xã hội… UBND tỉnh đề nghị cử tri và nhân dân toàn tỉnh nêu cao ý thức cảnh giác, phối hợp với các lực lượng chức năng ngăn ngừa, đấu tranh, bài trừ các tệ nạn xã hội; tích cực phát hiện, tố giác tội phạm, nhất là tội phạm ma túy.
5.6. Cử tri huyện Xuân Trường đề nghị tỉnh chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường công tác tuyên truyền trong nhân dân để thực hiện tốt chính sách dân số kế hoạch hoá gia đình nhằm giảm tỷ lệ gia tăng dân số, giảm tỷ lệ người sinh con thứ 3 và giảm chênh lệch giới tính khi sinh.
Đây là một trong những vấn đề mà Tỉnh ủy, UBND tỉnh rất quan tâm chỉ đạo: Thực hiện triển khai Chiến dịch truyền thông lồng ghép với dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản và kế hoạch hóa gia đình với sự tham gia vào cuộc của tất cả các ban, ngành, đoàn thể của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở để thường xuyên, hàng năm hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch hóa gia đình, tạo tiền đề cho việc giảm tỷ lệ sinh, nhất là giảm tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên.
5.7. Cử tri các huyện Xuân Trường, Nam Trực, Mỹ Lộc đề nghị tỉnh tăng cường quản lý đối với các cửa hàng thuốc tân dược và có các biện pháp nâng cao chất lượng khám chữa bệnh ở tuyến cơ sở.
- Để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh ở tuyến cơ sở: UBND tỉnh yêu cầu Sở Y tế triển khai thực hiện tốt Quyết định 29 ngày 18-8-2008 của Bộ Y tế về “Quy tắc ứng xử của cán bộ, viên chức trong các đơn vị sự nghiệp y tế”. Kiểm tra việc niêm yết công khai Quy tắc ứng xử của ngành y tế và bộ thủ tục hành chính có liên quan đến công tác khám chữa, bệnh cho nhân dân tại những nơi dễ nhìn, dễ thấy, có đông người qua lại trong các cơ sở khám và điều trị bệnh. Triển khai thực hiện tốt Quyết định 1816 ngày 26-5-2008 của Bộ Y tế về việc cử luân phiên cán bộ chuyên môn từ bệnh viện tuyến trên về tuyến dưới để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế tuyến dưới. Thường xuyên giáo dục y đức cho đội ngũ bác sỹ, y tá và nhân viên y tế. Thường xuyên khảo sát sự hài lòng của người bệnh điều trị nội trú. Nâng cao chất lượng khám chữa bệnh vì mục tiêu đáp ứng sự hài lòng của người bệnh bảo hiểm y tế theo Chương trình 527 ngày 18-6-2009 của Bộ Y tế.
- Về tăng cường công tác quản lý đối với các cửa hàng thuốc tân dược: UBND tỉnh giao cho Sở Y tế phối hợp với các ngành chức năng và các địa phương tăng cường kiểm tra, kiểm soát các cửa hàng thuốc tân dược để đảm bảo chất lượng và nguồn gốc thuốc. Yêu cầu các cửa hàng bán thuốc thực hiện niêm yết công khai giá thuốc và bán theo giá niêm yết. Kiên quyết xử lý các cơ sở hành nghề y dược không có giấy phép. Thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn, rà soát, thẩm định và thẩm định lại điều kiện hành nghề kinh doanh thuốc để cấp mới, gia hạn Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thuốc. Xử lý nghiêm những cơ sở vi phạm theo các quy định của pháp luật về quản lý, kinh doanh thuốc.
*
* *
Ngoài những nội dung trên, tôi xin tiếp thu tất cả các ý kiến của cử tri đã được Thường trực HĐND tỉnh tổng hợp. Trong đó, những nội dung về hỗ trợ ngân sách; nâng mức phụ cấp ngoài chế độ, chính sách của Nhà nước... sẽ được xem xét, giải quyết từng bước khi điều kiện ngân sách tỉnh cho phép. Những nội dung thuộc thẩm quyền của các cơ quan Trung ương, sẽ được báo cáo kịp thời lên Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương để xem xét, giải quyết. Những nội dung thuộc thẩm quyền của các sở chuyên ngành và các huyện, thành phố sẽ được UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan, đơn vị giải quyết theo luật và cơ chế chính sách, hiện hành. Riêng các vấn đề: Quản lý khai thác cát; quản lý bán nhà ở thuộc sở hữu nhà nước và một số vấn đề khác sẽ được UBND tỉnh phân cấp cho UBND các huyện, thành phố thực hiện ngay trong tháng 01-2011. Đối với đội bóng đá của tỉnh: UBND tỉnh giao trách nhiệm cho Sở VHTT&DL có giải pháp huy động mọi nguồn vốn để duy trì đội bóng ở mức độ cao nhất.
Kính thưa:
Thay mặt UBND tỉnh, tôi xin cảm ơn sự quan tâm của các vị đại biểu HĐND và cử tri toàn tỉnh. Đồng thời, yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thủ trưởng các sở, ban, ngành và các đơn vị thực hiện nghiêm những Nghị quyết kỳ họp thứ 15, HĐND tỉnh khoá XVI đề ra.