Bác Hồ thăm đại biểu giáo viên toàn miền Bắc (1958). Ảnh: TL |
Sự nghiệp CNH-HĐH đất nước đang đặt ra cho nước ta những yêu cầu mới về nguồn nhân lực chất lượng cao, nghĩa là nguồn nhân lực được đào tạo có kỹ năng lao động, làm việc có kỹ thuật, có trình độ khoa học, công nghệ tiên tiến.
Trong điều kiện hội nhập, mở cửa thị trường, Việt Nam chủ trương CNH rút ngắn thời gian gắn với phát triển kinh tế tri thức thì yêu cầu lại càng nhiều hơn về số lượng, nâng cao về chất lượng đối với nhân lực để có thể nâng cao năng suất lao động xã hội, sớm đưa đất nước thoát khỏi nghèo nàn, lạc hậu và nâng cao đời sống nhân dân, nhất là các tầng lớp lao động như nông dân, công nhân, trí thức.
Thực tiễn sản xuất, phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội trong quá trình đổi mới vừa qua cho thấy rõ rằng, đầu tư cho con người, cho giáo dục phát triển nguồn nhân lực chính là đầu tư cho phát triển. Đồng thời cũng trong đổi mới, chuyển sang kinh tế thị trường đi vào công nghiệp hoá và kinh tế tri thức, hội nhập, tham gia toàn cầu hoá đã bộc lộ những bất cập của nguồn nhân lực mà nguyên nhân là do yếu kém, hạn chế của giáo dục đào tạo. Nhiều công trình, dự án không thể tuyển chọn được nhân lực mà phải thuê nhân lực quốc tế, nhất là nhân lực quản trị và kỹ thuật, công nghệ. Trong khi ở nước ta các trường đại học mở ra nhiều, sinh viên tốt nghiệp không tìm được việc làm ngày càng tăng, điều đó cho thấy chất lượng đào tạo của nước ta chưa đáp ứng yêu cầu để thích ứng với thực tiễn sản xuất và phát triển của các ngành kinh tế, văn hoá, xã hội khi đi vào CNH, HĐH.
Một yêu cầu của CNH, HĐH là nguồn nhân lực phải có sức khoẻ và tiếp thu nhanh kiến thức khoa học, công nghệ mới, có kỹ năng làm việc trong môi trường công nghệ, kỹ thuật ngày càng đổi mới và phát triển. Do vậy phát triển nhân lực phải tập trung vào thế hệ trẻ. Vấn đề đặt ra là trong điều kiện đẩy mạnh CNH, hội nhập thì giáo dục, đào tạo phải làm sao để thanh niên, thế hệ trẻ trở thành đội quân xung kích đi vào khoa học công nghệ mới? Tuy lực lượng lao động trẻ nước ta được xếp vào hạng quốc gia có trình độ học vấn khá, có nhiều học sinh, sinh viên thông minh đạt giải quốc tế, nhưng lại thiếu những nhà kỹ nghệ trẻ tài năng, những doanh nhân, nhà doanh nghiệp trẻ có tài và những lao động tinh thông công nghệ mới.
Hiện tại, nước ta có gần 60% lao động trẻ bước vào thị trường lao động chưa qua đào tạo. Nếu so sánh với các nước như Thái Lan, Hàn Quốc, Sinhgapore, Malaixia thì nguồn lao động trẻ của nước ta còn ở trình độ thấp kém, yếu nhất là chưa có tác phong và tư duy công nghiệp, ngoại ngữ rất yếu. Với hơn 50 triệu người ở độ tuổi lao động nhưng số người từ 15 tuổi trở lên được đào tạo nghề và chuyên môn kỹ thuật rất thấp, mới chiếm chưa tới 40%. Cơ cấu đào tạo lại bất hợp lý: đại học và trên đại học là 1, trung học chuyên nghiệp là 1,3 và công nhân kỹ thuật là 0,92, trong khi trên thế giới là: 1-4-10. Điều này cho thấy tình trạng thiếu nhân lực được đào tạo trong nền kinh tế ngày càng trầm trọng. Sinh viên ra trường không có việc làm tăng, các khu công nghiệp, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài lại tuyển được rất ít lao động có trình độ cao, công nhân kỹ thuật và thợ có tay nghề. Điều đó cho thấy, chuyển sang thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH gia nhập WTO thì giáo dục, đào tạo Việt Nam càng bộc lộ nhiều bất cập, yếu kém. Dù thời gian qua có nhiều cố gắng đổi mới, cải cách song giáo dục Việt Nam còn lạc hậu, nhất là bậc đại học và dạy nghề. Hệ quả tất yếu là nguồn nhân lực bị ảnh hưởng. Việt Nam chỉ đạt 3,79 điểm trên thang 10 điểm về chất lượng giáo dục và nguồn nhân lực. Trong khi Hàn Quốc là 6,91; Ấn Độ là 5,76; Malaixia là 5,59; Thái Lan là 4,94 (Báo cáo phát triển thế giới năm 2006 của Ngân hàng Thế giới).
Từ yêu cầu của CNH, HĐH đất nước với mục tiêu đến năm 2020 đưa nước ta trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại thì công việc cấp bách, thường xuyên là nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, thúc đẩy sự nghiệp khoa học công nghệ, bồi dưỡng nhân tài, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Muốn vậy, phải có chiến lược xây dựng đội ngũ cán bộ giáo dục, đội ngũ thầy cô giáo một cách đồng bộ, khoa học. Trong điều kiện khoa học công nghệ phát triển như vũ bão, việc xây dựng đội ngũ cán bộ giáo dục cần chăm lo bồi dưỡng nhiều cán bộ khoa học giáo dục, có những chính sách thu hút và tạo môi trường thuận lợi cho các nhà khoa học giáo dục làm việc, cống hiến và giao lưu quốc tế. Ngành Giáo dục cần có những quyết sách lớn về trọng dụng nhân tài giáo dục. Vì đây là khâu đột phá để mở ra những sáng tạo để đổi mới, phát triển giáo dục theo hướng hiện đại. Nhân tài giáo dục là tinh hoa của tinh hoa giáo dục, là người có tư duy sáng tạo và đổi mới về giáo dục. Nếu trọng dụng được nhân tài giáo dục, kể cả người nước ngoài thì chấn hưng giáo dục chỉ còn là vấn đề thời gian, tránh được những lãng phí to lớn như đã xảy ra mấy chục năm qua./.
Phạm Văn Khánh