Tiếp bước con đường Cách mạng Tháng Mười

08:11, 05/11/2010

Lê-nin nói chuyện với các chiến sỹ Hồng quân Liên Xô tại Quảng trường Đỏ. Ảnh: Tư liệu
Lê-nin nói chuyện với các chiến sỹ Hồng quân Liên Xô tại Quảng trường Đỏ.
Ảnh: Tư liệu
93 năm trước, cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa đầu tiên trên thế giới nổ ra và thắng lợi ở nước Nga. Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, đứng đầu là Lênin vĩ đại, cuộc Cách mạng Tháng Mười đã chặt đứt khâu yếu nhất của sợi dây chuyền đế quốc chủ nghĩa. Chế độ chuyên chế Sa hoàng bị lật nhào. Nhà nước của giai cấp công nhân và nhân dân lao động ra đời. Nhân dân lao động - những người làm nên cuộc cách mạng "rung chuyển thế giới" bước lên vũ đài chính trị, làm chủ vận mệnh của mình.

Cách mạng Tháng Mười đã làm thay đổi cục diện thế giới. Một thời đại mới đã mở ra trên con đường phát triển của xã hội loài người: Thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội trên phạm vi toàn thế giới. Sự ra đời và phát triển của Liên bang Xô-viết, thắng lợi vĩ đại của công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội và chiến thắng của nhân dân Liên Xô trong cuộc chiến tranh vệ quốc là biểu tượng cao đẹp của chủ nghĩa xã hội. Ngọn cờ của Cách mạng Tháng Mười đã cổ vũ, thức tỉnh các dân tộc đứng dậy làm cách mạng, giải phóng dân tộc, đánh đổ ách áp bức, bóc lột của chủ nghĩa tư bản, đế quốc.

Đối với cách mạng Việt Nam, thông qua Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản, Cách mạng Tháng Mười, học thuyết Mác - Lênin là tấm gương, nguồn cổ vũ to lớn, ánh sáng chỉ đường đi tới thắng lợi và tương lai huy hoàng. Đi theo con đường Cách mạng Tháng Mười, Đảng ta đã giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, đoàn kết toàn dân, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại làm nên Cách mạng Tháng Tám "long trời, lở đất", kháng chiến thắng lợi, thống nhất Tổ quốc, đưa cả nước đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội, tiến hành đổi mới thành công.

Đi tiếp con đường Cách mạng Tháng Mười, con đường của Lênin và Tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng ta chỉ ra rằng, đổi mới vì chủ nghĩa xã hội là sự nghiệp sáng tạo của nhân dân. Công cuộc đổi mới là các cuộc cách mạng trong cách mạng xã hội chủ nghĩa. Động lực to lớn của đổi mới là đoàn kết toàn dân và mục tiêu là dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Trong bối cảnh quốc tế có nhiều biến động mau lẹ, diễn biến phức tạp khó lường. Sự tan vỡ của Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu, cuộc khủng hoảng kinh tế và suy thoái kinh tế toàn cầu... làm cho công cuộc đổi mới chủ nghĩa xã hội ở nước ta nhiều thách thức, khó khăn, vô cùng phức tạp. Song "lửa thử vàng", trong những khó khăn, thử thách, có những lúc hiểm nghèo, bản lĩnh và trí tuệ của Đảng, của nhân dân ta càng tôi luyện và ngời sáng, đưa con thuyền cách mạng Việt Nam vượt lên sóng to, gió lớn kiên định sự nghiệp đổi mới, hướng tới mục tiêu, trên con đường đã chọn là độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, vì hạnh phúc của nhân dân.

Bài học lớn của đổi mới là bảo đảm và tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng ra sức phát huy sức sáng tạo của nhân dân. Đổi mới trước hết là đổi mới tư duy, phát huy yếu tố năng động nhất của lực lượng sản xuất là nhân tố con người. Đổi mới là sự nghiệp giải phóng mọi tiềm năng, mà căn bản nhất là giải phóng năng lực trí tuệ con người, giải phóng sức sản xuất, giải phóng mọi tiềm năng xã hội để phát triển con người và phục vụ con người, đem lại cuộc sống xứng đáng với lao động và cống hiến của mỗi người. Đổi mới phải thật sự là sự nghiệp giải phóng con người để mỗi người lao động sáng tạo và phát triển. Đây là sự kế thừa và phát triển lý tưởng của Cách mạng Tháng Mười, tư tưởng nhân văn cao đẹp của chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Nhờ đó, 25 năm qua, công cuộc đổi mới ở nước ta được tiến hành từng bước vững chắc và toàn diện. Đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị, chăm lo xây dựng đời sống văn hoá mới là ba trụ cột của xã hội. Cùng với cải cách, đổi  mới kinh tế là đổi mới hệ thống chính trị, phát huy dân chủ trong Đảng và dân chủ của nhân dân, xây dựng nhà nước pháp quyền vì dân, làm lành mạnh hoá xã hội, chống tiêu cực, tham nhũng, tệ nạn xã hội. Nhờ đó, công cuộc đổi mới do Đảng ta lãnh đạo được toàn dân hưởng ứng, thực hiện sáng tạo đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Thế và lực của nước ta ngày càng lớn mạnh và có vị thế mới trên trường quốc tế. Việt Nam đã thoát ra khỏi nước nghèo, hiện có mức thu nhập trung bình thấp với bình quân thu nhập đầu người trên một nghìn đô la. Quan hệ quốc tế mở rộng, nước ta có quan hệ chính trị, kinh tế với hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, có vị thế quan trọng ở Liên hiệp quốc và nhiều tổ chức chính trị, kinh tế, văn hoá quốc tế và trong khu vực…

Đất nước ta đang bước vào thời kỳ phát triển mới, đẩy mạnh CNH-HĐH đất nước để xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật vững chắc, thực hiện bước quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Dự thảo các văn kiện trình Đại hội XI của Đảng thể hiện quyết tâm của Đảng và nhân dân ta nguyện đi tiếp trên con đường Cách mạng Tháng Mười, đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, kiên định mục tiêu, con đường xã hội chủ nghĩa trên nền tảng tư tưởng là chủ nghĩa Mác - Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh, tiếp thu chọn lọc mọi thành quả trí tuệ, văn minh của nhân loại, phát huy nội lực kết hợp với ngoại lực, phấn đấu đến 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại./.

Phạm Văn Khánh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com