* Thảo luận một dự án Luật và một dự thảo Nghị quyết
Ngày 8-11, ngày làm việc thứ 16, kỳ họp thứ tám, Quốc hội (QH) khóa XII. Các đại biểu thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và Luật Bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân; dự thảo Nghị quyết về miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp; thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2011.
Các đại biểu Quốc hội làm việc tại hội trường.
Ảnh:
Thanh Chương
|
Về phạm vi sửa đổi, bổ sung của dự án Luật, nhiều đại biểu tán thành chỉ tập trung sửa đổi, bổ sung các vấn đề thật sự cấp bách nhằm tháo gỡ vướng mắc trong công tác tổ chức bầu cử khi tiến hành bầu cử đại biểu QH khóa XIII và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011- 2016 trong cùng một ngày. Đó là: Hội đồng bầu cử ở TW; thành lập các tổ chức phụ trách bầu cử; số lượng cử tri tại mỗi khu vực bỏ phiếu; quy định về mẫu thẻ cử tri, phiếu bầu; cơ quan có thẩm quyền ban hành văn bản hướng dẫn việc tổ chức Hội nghị cử tri ở nơi làm việc và nơi cư trú; số người trong danh sách ứng cử ở mỗi đơn vị bầu cử đại biểu QH; thời hạn niêm yết danh sách cử tri, thời hạn giải quyết khiếu nại về danh sách cử tri, mẫu biên bản bầu cử, việc gửi biên bản và phiếu bầu, trình tự thủ tục trong ngày bỏ phiếu...
Bên cạnh đó, một số ý kiến đề nghị xác định cụ thể tỷ lệ đại biểu QH, đại biểu HĐND các cấp là nữ ngay trong luật; quy định cụ thể hơn nữa các tiêu chuẩn đại biểu QH, đại biểu HĐND; việc công khai tài sản, sự tín nhiệm của cử tri ở nơi cư trú đối với người ứng cử đại biểu QH, đại biểu HĐND; điều kiện, quy trình tự ứng cử đại biểu QH, đại biểu HĐND.
Dự thảo luật quy định sửa đổi điều 14 Luật Bầu cử đại biểu QH, chậm nhất là 105 ngày trước ngày bầu cử, Ủy ban Thường vụ QH thành lập Hội đồng bầu cử ở TW để thực hiện công tác bầu cử đại biểu QH và đại biểu HĐND các cấp. Hội đồng bầu cử có từ 15 đến 21 người. Tuy nhiên, nhiều đại biểu đề nghị quy định công bố sớm hơn ngày bầu cử đại biểu QH, đại biểu HĐND, thời hạn là 120 ngày để các bước hiệp thương và công việc chuẩn bị khác cho bầu cử dễ dàng, thuận lợi hơn.
Khoản 10, Điều 1 dự thảo luật quy định, số người trong danh sách ứng cử đại biểu QH ở mỗi đơn vị bầu cử phải nhiều hơn số đại biểu được bầu ở đơn vị đó; nếu đơn vị bầu cử đó được bầu ba đại biểu thì số người trong danh sách ứng cử phải nhiều hơn số đại biểu được bầu ít nhất là hai người. Các đại biểu đề nghị quy định nguyên tắc mỗi đơn vị bầu cử phải có số dư ứng cử viên ít nhất hai người.
Thống nhất cao chủ trương miễn, giảm thuế đất nông nghiệp
Thảo luận dự thảo Nghị quyết về miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp, đa số ý kiến phát biểu cho rằng việc miễn giảm phải đúng đối tượng là người nông dân, những người trực tiếp sản xuất ra của cải, vật chất cho xã hội từ đất nông nghiệp.
Về thời hạn miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp, hầu hết các đại biểu đề nghị nên áp dụng chính sách miễn, giảm trong mười năm. Điều này phù hợp mục tiêu chính trị của Nghị quyết về nông nghiệp, nông dân và nông thôn đã đặt ra, cũng như phù hợp chu kỳ sản xuất nông nghiệp như trồng cây lâu năm, nuôi ngọc trai...
Cuối phiên thảo luận, Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh phát biểu ý kiến làm rõ thêm một số nội dung của dự thảo Nghị quyết này.
Năm 2011: GDP tăng từ 7% đến 7,5%; chỉ số giá tiêu dùng tăng không quá 7%
Buổi chiều, các đại biểu QH đã nghe Ủy ban Thường vụ QH báo cáo giải trình, tiếp thu về một số vấn đề kinh tế - xã hội và dự thảo Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2011. Đồng thời, nghe đọc toàn văn dự thảo Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2011 và biểu quyết thông qua Nghị quyết này.
Theo Báo cáo giải trình, tiếp thu về một số vấn đề kinh tế - xã hội và Dự thảo Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội do Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của QH Hà Văn Hiền thay mặt Ủy ban Thường vụ QH trình bày, đa số ý kiến phát biểu cơ bản nhất trí với nội dung được nêu trong báo cáo của Chính phủ, Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của QH. Về một số vấn đề kinh tế - xã hội năm 2010, các ý kiến thống nhất đánh giá, mặc dù kinh tế thế giới và trong nước có nhiều khó khăn, thách thức, về cơ bản chúng ta đạt được mục tiêu tổng quát. Theo đó, tổng thể vĩ mô nói chung ổn định; kinh tế phục hồi khá nhanh, tăng trưởng kinh tế (GDP) ước đạt 6,7%, xuất khẩu ước tăng 19,1%, cao hơn ba lần so với kế hoạch; an sinh và phúc lợi xã hội được bảo đảm; an ninh, quốc phòng, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; công tác cải cách hành chính tiếp tục được đẩy mạnh. Công tác đối ngoại, hợp tác quốc tế đạt nhiều kết quả tích cực, vị thế của nước ta được đánh giá cao trên trường quốc tế. Kết quả năm 2010 đã góp phần quan trọng vào việc hoàn thành Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm năm 2006-2010. Tuy nhiên, nền kinh tế còn những hạn chế, yếu kém chậm được khắc phục. Kinh tế tăng trưởng nhưng thiếu tính bền vững; cơ cấu kinh tế chuyển dịch chậm; cơ sở hạ tầng còn yếu kém; hiệu quả đầu tư thấp; tỷ lệ nhập siêu lớn; bội chi ngân sách cao; giá nhiều mặt hàng và mặt bằng chung tăng...
Về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2011, căn cứ ý kiến đa số đại biểu QH, Ủy ban Thường vụ QH đề nghị QH chọn chỉ tiêu tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2011 là từ 7% đến 7,5% để làm mục tiêu phấn đấu. Về chỉ số giá tiêu dùng, tiếp thu ý kiến đa số đại biểu QH, Ủy ban Thường vụ QH đề nghị QH quyết định chỉ tiêu chỉ số giá tiêu dùng năm 2011 tăng không quá 7%. Về tỷ lệ nhập siêu, Ủy ban Thường vụ QH trình QH quyết định tỷ lệ nhập siêu năm 2011 không quá 18% kim ngạch xuất khẩu, đồng thời đề nghị Chính phủ có những giải pháp quyết liệt để phấn đấu giảm tỷ lệ nhập siêu hơn nữa. Về chỉ tiêu bội chi ngân sách, Ủy ban Thường vụ QH báo cáo, giải trình, tiếp thu khi trình QH xem xét, quyết định Nghị quyết của QH về dự toán ngân sách Nhà nước năm 2011, do đó không đưa chỉ tiêu bội chi ngân sách Nhà nước vào Nghị quyết này.
Tiếp đó, QH nghe Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của QH Nguyễn Văn Phúc, thành viên đoàn Thư ký kỳ họp, trình bày dự thảo Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2011. Theo đó, Nghị quyết đề ra mục tiêu tổng quát trong năm 2011: Tăng trưởng ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và chuyển đổi cơ cấu nền kinh tế; phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn năm 2010, nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế; bảo đảm an sinh xã hội, cải thiện đời sống nhân dân; giữ vững ổn định chính trị; bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội; nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế.
Về các chỉ tiêu kinh tế: Tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng từ 7% đến 7,5% so với năm 2010; tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2011 tăng 10% so với năm 2010, nhập siêu không vượt quá 18% kim ngạch xuất khẩu; tổng nguồn vốn đầu tư phát triển toàn xã hội bằng khoảng 40% GDP; chỉ số giá tiêu dùng tăng không quá 7%. Về các chỉ tiêu xã hội: Tạo việc làm cho 1,6 triệu lao động, trong đó đưa 8,7 vạn lao động đi làm việc ở nước ngoài; giảm tỷ lệ hộ nghèo 2% theo chuẩn nghèo mới; giảm tỷ lệ trẻ em dưới năm tuổi suy dinh dưỡng xuống 17,3%... Nghị quyết của QH cũng đưa ra các chỉ tiêu môi trường, trong đó tỷ lệ dân số nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 86%; tỷ lệ cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng được xử lý đạt 69%; tỷ lệ chất thải rắn ở đô thị được thu gom đạt 83%; tỷ lệ che phủ rừng đạt 40%...
Về một số nhiệm vụ, giải pháp thực hiện trong năm 2011, Nghị quyết nêu rõ: Năm 2011 là năm đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng, có vị trí hết sức quan trọng trong việc triển khai Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm năm 2011-2015, QH yêu cầu tập trung triển khai một số nhiệm vụ, giải pháp chính như sau: Một là, chỉ đạo, thực hiện các giải pháp để tăng cường ổn định vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, thúc đẩy phát triển. Hai là, thực hiện các giải pháp chuyển dịch cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế mà trước hết là điều chỉnh cơ cấu đầu tư, bao gồm cơ cấu đầu tư trong từng ngành, từng lĩnh vực, cơ cấu nguồn vốn theo hướng giảm đầu tư từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước, đẩy mạnh xã hội hóa các nguồn đầu tư. Ba là, triển khai kịp thời các chính sách bảo đảm phúc lợi và an sinh xã hội. Tập trung giải quyết một số vấn đề xã hội và môi trường bức xúc. Bốn là, tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính và phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Tiếp tục thực hiện thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân quận, huyện, phường theo Nghị quyết số 26/2008/QH12 của QH ngày 15-11-2008 và Nghị quyết số 724/2009/UBTVQH12 của Ủy ban Thường vụ QH ngày 16-1-2009 cho đến khi QH có Nghị quyết mới về vấn đề này. Năm là, tăng cường đào tạo, chú trọng xây dựng nguồn nhân lực có chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn mới. Sáu là, củng cố, tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh; mở rộng quan hệ đối ngoại, chủ động hội nhập quốc tế.
Cuối giờ chiều, QH đã biểu quyết thông qua toàn bộ Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2011, với 84,58% tổng số đại biểu tán thành./.