Thảo luận tình hình thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2010 và dự toán ngân sách Nhà nước, phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2011

08:11, 05/11/2010

Ngày làm việc thứ 12, kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XII, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường, thảo luận về tình hình thực hiện dự toán ngân sách Nhà nước năm 2010; dự toán ngân sách Nhà nước, phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2011; nghe Chính phủ trình dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán; Uỷ ban Thường vụ Quốc hội trình dự kiến Chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2011.

Các đại biểu phát biểu tham luận tại Hội trường. (Nguồn: QĐND)
Các đại biểu phát biểu tham luận tại Hội trường. (Nguồn: QĐND)

Các ý kiến thảo luận tập trung đánh giá việc thực hiện mục tiêu ngân sách theo Nghị quyết của QH; việc chi vượt so với dự toán; hiệu quả chi tiêu, quản lý điều hành ngân sách năm 2010; nhiệm vụ thu chi, cơ cấu thu, chi ngân sách năm 2011 và đưa ra các giải pháp bảo đảm ngân sách được điều hành thống nhất, đúng mục tiêu trong năm 2011.

Nhiều đại biểu đánh giá cao kết quả tăng trưởng kinh tế, thu, chi ngân sách năm 2010, trong đó mức tăng trưởng GDP cả năm tăng khoảng 6,7%, cao hơn chỉ tiêu QH thông qua; nguồn thu ngân sách tăng và bội chi ngân sách giảm so với dự kiến đề ra từ đầu năm. Điều này thể hiện sự nỗ lực và quyết liệt trong điều hành của Chính phủ trước những khó khăn của nền kinh tế. Tuy nhiên, Chính phủ cần làm rõ một số vấn đề liên quan mức độ lạm phát và công tác điều hành giá.

Thảo luận dự toán và phân bổ ngân sách Trung ương năm 2011, nhiều đại biểu cho rằng, Chính phủ cần sắp xếp lại cơ chế và cơ cấu chi, trong đó tăng chi cho các công trình phúc lợi, an sinh xã hội và huy động các nguồn vốn xã hội đầu tư cho phát triển. Cùng với đó, cần có kế hoạch sắp xếp và cân đối lại mặt bằng chi, theo hướng đáp ứng nhu cầu thật cơ bản giữa các địa phương; điều chỉnh một số hệ số và điều hành hợp lý để có nhiều nguồn thu hơn.

Hầu hết các đại biểu góp ý kiến cho rằng, bội chi ngân sách năm 2011 là 5,5% GDP như dự kiến là quá cao, cần đưa về mức dưới 5% mới hợp lý và phải có giải pháp để mức bội chi giảm dần theo từng năm, không thể tăng theo từng năm như thời gian vừa qua.

Nhiều đại biểu đồng tình với kế hoạch phát hành Trái phiếu Chính phủ trong năm 2011  với số tiền  45.000 tỷ đồng. Các đại biểu đề nghị trước khi phát hành, Chính phủ cần báo cáo kết quả sử dụng Trái phiếu Chính phủ trong thời gian qua, để QH xác định hiệu quả của việc sử dụng Trái phiếu.

Đọc Tờ trình về dự án Luật  sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh cho biết, qua tổng kết, rà soát cho thấy, nội dung cơ bản của Luật Chứng khoán hiện vẫn phù hợp. Trong tổng số 136 điều của luật hiện hành, Chính phủ đề nghị sửa đổi, bổ sung 20 điều và bãi bỏ một điều. Nội dung sửa đổi, bổ sung tập trung chủ yếu vào một số vấn đề như: Chào bán chứng khoán riêng lẻ, chào bán chứng khoán ra công chúng, chào mua công khai, thị trường giao dịch chứng khoán, điều kiện thành lập và hoạt động công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ, công bố thông tin và xử lý vi phạm.

Thẩm tra dự án luật nói trên, Ủy ban Kinh tế của QH nhất trí với Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán để phù hợp thực tiễn và tiến triển của thị trường. Nội dung sửa đổi, bổ sung đã khắc phục được khá nhiều vấn đề bất cập hiện nay. Tuy nhiên, về phạm vi sửa đổi của dự án luật, Ủy ban Kinh tế đề nghị xem xét sửa đổi, bổ sung thêm quy định về điều kiện cấp phép thành lập công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ tại Điều 62 Luật Chứng khoán theo hướng tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục hành chính và hoạt động nhưng phải quy định chặt chẽ các tiêu chí về năng lực của các công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ để thị trường phát triển một cách ổn định, lành mạnh, phù hợp từng giai đoạn phát triển.

Về việc bổ sung các loại hình chứng khoán, trong đó có "Hợp đồng góp vốn đầu tư" (khoản 3 và khoản 4 Điều 1 dự thảo luật), nhiều ý kiến trong Ủy ban Kinh tế nhất trí với việc bổ sung thêm các loại hình chứng khoán và giao Bộ Tài chính quy định các loại chứng khoán khác, nhằm cập nhật những sản phẩm mới phát sinh theo tiến triển của thị trường, bảo đảm thị trường chứng khoán vận hành thông suốt và hiệu quả trong khuôn khổ pháp luật.

Tuy nhiên, có ý kiến không nhất trí với quy định "hợp đồng góp vốn đầu tư là một loại hình chứng khoán" vì cho rằng: hợp đồng góp vốn đầu tư chỉ là thỏa thuận giữa các bên nhằm xác lập quan hệ về hợp đồng, trong đó quy định rõ quyền và nghĩa vụ của các bên để thực hiện một công việc hoặc dịch vụ cụ thể, mà chưa đáp ứng điều kiện "là bằng chứng xác nhận quyền và lợi ích hợp pháp của người sở hữu đối với tài sản hoặc phần vốn của tổ chức phát hành" như định nghĩa thuật ngữ "chứng khoán" được quy định tại khoản 1 Điều 6 Luật Chứng khoán hiện hành; việc đưa hợp đồng góp vốn đầu tư vào đối tượng điều chỉnh của Luật Chứng khoán sẽ gây xung đột với Luật Đầu tư. Do đó, đề nghị xem xét, giải thích rõ hơn việc bổ sung "hợp đồng góp vốn đầu tư" là một loại chứng khoán.

Ủy ban Kinh tế của QH còn nêu ý kiến về một số vấn đề cụ thể khác của dự án Luật  sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, như về quy định việc chuyển nhượng chứng khoán chào bán riêng lẻ bị hạn chế tối thiểu một năm; các đợt chào bán chứng khoán riêng lẻ phải cách nhau ít nhất sáu tháng (khoản 6 và khoản 9 Điều 1 dự thảo luật); về quy định các công ty đại chúng, không phân biệt niêm yết hay chưa niêm yết đều phải áp dụng quy định quản trị công ty theo quy định của Bộ Tài chính (khoản 13 Điều 1 dự thảo luật).

Theo Tờ trình của Ủy ban Thường vụ QH về dự kiến chương trình hoạt động giám sát của QH năm 2011 do Ủy viên Ủy ban Thường vụ QH, Chủ nhiệm Văn phòng QH Trần Đình Đàn trình bày, năm 2010, hoạt động giám sát của QH, Ủy ban Thường vụ QH, các cơ quan của QH, các Đoàn đại biểu QH và đại biểu QH tiếp tục được đẩy mạnh, có nhiều cải tiến về quy trình, thủ tục, cách thức giám sát; đạt được những kết quả nhất định; hoàn thành chương trình, kế hoạch đề ra.

Hoạt động giám sát tối cao tại kỳ họp QH đã được tiến hành theo đúng quy định của pháp luật, đạt hiệu quả thiết thực. Trong đó, có một số điểm nổi bật là: Hoạt động chất vấn tiếp tục được nâng cao về chất lượng, tăng cường tính đối thoại, tranh luận thẳng thắn, cầu thị, không né tránh trách nhiệm; đi sâu làm rõ thực chất theo nhóm những vấn đề lớn, bức xúc được dư luận xã hội và cử tri cả nước quan tâm; các vấn đề được chất vấn tập trung hơn, chú trọng những việc ở tầm vĩ mô, với sự tham gia trả lời của Thường trực Chính phủ và nhiều bộ trưởng, trưởng ngành có trách nhiệm liên quan; được dư luận và cử tri hoan nghênh. Hoạt động giám sát theo chuyên đề được tiến hành công phu; việc lựa chọn các nội dung giám sát là đúng đắn, thiết thực, phù hợp tình hình thực tế. Tại kỳ họp thứ bảy, QH giám sát chuyên đề Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thành lập trường, đầu tư và bảo đảm chất lượng đào tạo đối với giáo dục đại học, ra nghị quyết sau giám sát với nhiều kiến nghị xác đáng, sát thực, góp phần tạo chuyển biến tích cực trong chỉ đạo, điều hành; hoàn thiện hệ thống pháp luật về vấn đề này. Tại kỳ họp thứ tám, QH sẽ trực tiếp giám sát chuyên đề Việc thực hiện cải cách thủ tục hành chính trong một số lĩnh vực liên quan đến công dân và doanh nghiệp theo Chương trình tổng thể cải cách hành chính Nhà nước giai đoạn 2001-2010 và tiến hành hoạt động chất vấn theo chương trình đề ra. Giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri giữa hai kỳ họp, mặc dù mới được triển khai trong một vài kỳ họp gần đây nhưng đã đạt được kết quả nhất định, bước đầu đáp ứng nguyện vọng của cử tri. Kết quả hoạt động giám sát tối cao đã góp phần nâng cao vai trò, trách nhiệm của QH trong việc xem xét, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.

Tờ trình cũng nêu rõ, hoạt động giám sát của QH năm 2010  còn những hạn chế nhất định, chưa đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của tình hình hiện nay. Giám sát việc ban hành văn bản pháp quy hướng dẫn thi hành luật, nghị quyết của QH, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ QH chưa được quan tâm đúng mức. Kết quả giám sát giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo của công dân  hạn chế. Việc theo dõi, đánh giá thực hiện các kiến nghị sau giám sát còn chưa làm được nhiều; chưa có bộ phận chuyên theo dõi, đôn đốc, báo cáo về vấn đề này; thiếu những chế tài cụ thể để nâng cao trách nhiệm của cơ quan chịu sự giám sát trong việc thực hiện các kiến nghị sau giám sát. Lực lượng cán bộ phục vụ còn mỏng, các điều kiện bảo đảm cho công tác giám sát hạn chế.

Căn cứ đặc điểm, tình hình năm 2011, Ủy ban Thường vụ QH đề nghị QH xem xét, quyết định Chương trình hoạt động giám sát của QH năm 2011 như sau:

- Tại kỳ họp thứ chín, QH khóa XII (dự kiến tháng 3-2011), QH xem  xét các báo cáo công tác cả nhiệm kỳ khóa XII của QH, Chủ tịch nước, Ủy ban Thường vụ QH, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao, Viện trưởng  Kiểm sát Nhân dân tối cao theo luật định; tiến hành hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu QH (nếu có).

- Tại kỳ họp thứ nhất, QH khóa XIII (dự kiến tháng 7-2011), QH xem xét Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri từ kỳ họp thứ tám, QH khóa XII đến kỳ họp thứ nhất, QH khóa XIII (không tiến hành hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu QH).

- Tại kỳ họp thứ hai, QH khóa XIII (dự kiến tháng 10-11-2011), QH xem xét các báo cáo của Chính phủ, Tòa án Nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao; tiến hành hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu QH; giám sát chuyên đề Việc thực hiện chính sách, pháp luật về môi trường tại các khu kinh tế, làng nghề.

Các đại biểu QH đã nhất trí với tờ trình nói trên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

l Tham luận về những vấn đề quản lý đối với tập đoàn kinh tế và các tổng công ty Nhà nước, đặc biệt là tập đoàn kinh tế Vinashin, đồng chí Vũ Văn Ninh, Uỷ viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài chính, Đại biểu Quốc hội tỉnh ta nhấn mạnh: Về chủ trương và các quy định của Đảng và Nhà nước đã phân biệt rõ chức năng của cơ quan đại diện quyền chủ sở hữu Nhà nước với chức năng điều hành sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, kiên quyết chấm dứt tình trạng cơ quan hành chính Nhà nước can thiệp trực tiếp vào hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Về Luật Doanh nghiệp Nhà nước năm 2003 đã quy định bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, thủ trưởng cơ quan trực thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND cấp tỉnh có trách nhiệm đảm bảo quyền tự chủ kinh doanh, tự chịu trách nhiệm của công ty. Về phân công đại diện chủ sở hữu tại các doanh nghiệp Nhà nước, Chính phủ trực tiếp thực hiện hoặc uỷ quyền cho Bộ, phân cấp cho UBND, Hội đồng quản trị của tổng công ty, Công ty Nhà nước độc lập có Hội đồng quản trị thực hiện các quyền, nghĩa vụ của chủ sở hữu. Đối với Bộ Tài chính thực hiện một số quyền, nghĩa vụ của chủ sở hữu đối với công ty Nhà nước như sau: Điều 67, Luật Doanh nghiệp Nhà nước, Điều 8, Điều 10, Điều 14 Nghị định 123 về quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu. Trình Chính phủ ban hành tổ chức thực hiện chế độ quản lý tài chính, hạch toán kinh doanh, chế độ báo cáo và công khai tài chính của công ty Nhà nước, báo cáo tài chính hợp nhất của công ty; Cấp vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước để đầu tư thành lập mới công ty Nhà nước và đầu tư bổ sung tăng vốn điều lệ cho công ty Nhà nước; Tham gia đánh giá kết quả hoạt động của Cty, Hội đồng quản trị, giám đốc theo quy định của Chính phủ; Tổ chức kiểm tra giám sát, quản lý sử dụng vốn, việc phân phối thu nhập, trích lập và sử dụng các quỹ của Cty Nhà nước. Trên cơ sở báo cáo của Bộ Tài chính và các Bộ, ngành, Thủ tướng Chính phủ có văn bản chỉ đạo Bộ Tài chính sửa đổi Nghị định 199 về quản lý tài chính đối với Cty Nhà nước và phần vốn Nhà nước đối với các doanh nghiệp khác.  Cty Nhà nước phải dành 70% vốn để đầu tư vào các ngành nghề sản xuất kinh doanh chính; riêng đối với đầu tư vào các lĩnh vực ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán thì Cty Nhà nước chỉ được đầu tư vào một lĩnh vực, mức vốn không vượt quá 20% vốn điều lệ và không vượt quá 30% vốn điều lệ trong tập đoàn của các tổ chức nhận góp vốn. Đối với giám sát Vinashin, hoạt động theo mô hình tập đoàn, qua thanh tra kiểm tra phát hiện thành lập quá nhiều Cty con, Cty cháu, đầu tư dàn trải chủ yếu dựa vào vốn vay. Vay lớn nợ trên vốn chủ sở hữu là 13,7 lần. Trên cơ sở kiểm tra kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ yêu cầu ra văn bản chỉ đạo cụ thể yêu cầu rà soát các hạng mục đầu tư tập trung vào các ngành các lĩnh vực kinh doanh chính. đồng thời cần phải rút ra kinh nghiệm khi phân cấp phân công và giao quyền thì phải phù hợp với năng lực trình độ quản lý của cán bộ doanh nghiệp, đề cao trách nhiệm của doanh nghiệp. Đại diện các chủ sở hữu cần phải làm rõ khi phát hiện ra vấn đề thông qua kiểm tra thanh tra.

Như vậy cần tiếp tục hoàn thiện các hành lang pháp lý và phân định rõ hơn chức năng và trách nhiệm của từng cấp trong việc quản lý doanh nghiệp. Phải tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra thanh tra, giám sát và có một chế tài đồng bộ, đủ mạnh để bắt buộc các doanh nghiệp chấp hành và thực hiện nghiêm./.

P.V



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com