Ngày làm việc thứ 9, kỳ họp thứ tám, QH khóa XII, các đại biểu thảo luận ở tổ về dự án Luật Khiếu nại và thảo luận tại Hội trường dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Thảo luận ở tổ dự thảo Luật Khiếu nại, nhiều ý kiến tán thành phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng như trong dự thảo. Theo đó, luật này quy định khiếu nại và giải quyết khiếu nại đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan hành chính nhà nước, của người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước. Tuy nhiên, Ban soạn thảo cần nghiên cứu, làm rõ hơn quy định “Khiếu nại, giải quyết khiếu nại của đơn vị sự nghiệp công lập được áp dụng theo quy định của luật này” (khoản 2 Điều 4), vì các tổ chức sự nghiệp công lập không phải là các cơ quan hành chính nhà nước, trong quan hệ với công dân không có quyết định hành chính, hành vi hành chính; trong quan hệ nội bộ cũng có những đặc thù không giống hoàn toàn như đội ngũ cán bộ, công chức, vì vậy cần làm rõ việc áp dụng Luật Khiếu nại để giải quyết đối với loại khiếu nại nào.
Một số đại biểu quan tâm về khiếu nại đông người và đề nghị cần nghiên cứu để quy định cụ thể trong luật này việc giải quyết khiếu nại đông người, vì đây là một thực tế, khi vụ việc xảy ra các cơ quan nhà nước vẫn phải có trách nhiệm giải quyết. Theo đó, về nội dung cần xuất phát từ nguyên nhân phát sinh khiếu nại, chẳng hạn do chính sách, chế độ liên quan đến giá cả đền bù hoặc có vi phạm trong quá trình thực hiện chính sách... để có những quy định phù hợp. Đối với trình tự, thủ tục có thể giao Chính phủ quy định. Về vấn đề này, có đại biểu đề nghị cần quy định trách nhiệm cụ thể của người đi khiếu nại để tránh tình trạng khiếu nại không đúng pháp luật, lợi dụng khiếu nại để tung tin xấu.
Theo quy định của Luật Khiếu nại, tố cáo hiện hành và của dự thảo luật thì một trong những yêu cầu của quy trình giải quyết khiếu nại là phải có “quyết định giải quyết khiếu nại” (Điều 37). Về vấn đề này, một số ý kiến cho rằng, trên thực tế có tình trạng một số cá nhân, cơ quan thực hiện không nghiêm túc quy định của pháp luật về giải quyết khiếu nại hoặc do né tránh trách nhiệm của mình hoặc tránh việc tạo cơ sở pháp lý để người dân có căn cứ khiếu nại tiếp hoặc khởi kiện vụ án hành chính nên đã không ban hành quyết định giải quyết khiếu nại theo quy định, mà dùng một số hình thức văn bản khác, trong đó có chứa nội dung liên quan trực tiếp đến việc giải quyết khiếu nại cũng như quyền lợi của người dân, như công văn, thông báo ý kiến của UBND, kết luận cuộc họp, hướng dẫn việc thực hiện... Vì vậy, đề nghị cần bổ sung vào Điều 3 (Giải thích từ ngữ) một khoản giải thích về quyết định giải quyết khiếu nại, theo hướng các văn bản liên quan đến việc giải quyết khiếu nại bao gồm công văn, thông báo, kết luận, biên bản... có nội dung giải quyết khiếu nại cũng được xem là quyết định giải quyết khiếu nại nhằm bao quát hết các trường hợp xảy ra trong thực tế để làm căn cứ cho người khiếu nại thực hiện quyền khiếu nại tiếp hoặc khởi kiện tại tòa án. Việc bổ sung quy định này là nhằm góp phần bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người khiếu nại; đồng thời, nâng cao ý thức trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ, công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức.
Về khiếu nại, giải quyết khiếu nại, quyết định kỷ luật cán bộ, công chức (Chương IV) một số đại biểu cho rằng, những nội dung của chương này về cơ bản giữ như nội dung của luật hiện hành, đồng thời có quy định cụ thể hơn về một số nội dung, chẳng hạn như thẩm quyền giải quyết khiếu nại. Tuy nhiên, một số quy định của dự thảo luật về vấn đề này đến nay đã có những biến động; chẳng hạn, bên cạnh đội ngũ cán bộ, công chức thì còn có đội ngũ viên chức, vì vậy cần nghiên cứu để quy định đầy đủ hơn. Đây là vấn đề cần được sửa đổi, bổ sung để bảo đảm tính thống nhất trong chính sách. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, việc có đưa viên chức vào đối tượng áp dụng hay không cần xem xét kỹ để phù hợp với tính chất, chức năng, nhiệm vụ của viên chức.
Điều 60 quy định về trách nhiệm của cán bộ tiếp công dân, trong đó nêu rõ cán bộ tiếp công dân có trách nhiệm kiểm tra, đôn đốc người có trách nhiệm giải quyết khiếu nại, tố cáo. Về điều này, một số ý kiến cho rằng, khó khả thi, đề nghị cân nhắc dùng từ ngữ để xác định chức năng, nhiệm vụ của người tiếp dân chính xác hơn, bảo đảm hiệu quả thực thi luật trong thực tế cuộc sống. Có đại biểu đặt vấn đề, hiện nay, nhiều người dân còn chưa phân biệt được việc khiếu nại và tố cáo dẫn đến những khó khăn cho các cơ quan chức năng. Vì vậy, cần làm tốt việc tuyên truyền, hướng dẫn cho người dân hiểu rõ về các quy định của Luật Khiếu nại và Luật Tố cáo sau khi được thông qua. Điều 23 quy định về Thẩm quyền của Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc TW có ghi: Giải quyết khiếu nại lần đầu đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của mình. Có ý kiến cho rằng, quy định này có xu hướng quy trách nhiệm cho cá nhân trong việc giải quyết khiếu nại của nhân dân, trong khi các quyết định về giải quyết khiếu nại là ý kiến của tập thể. Về Điều 73, quy định trách nhiệm của cơ quan báo chí, một số đại biểu đề nghị nâng cao vai trò, xác định rõ trách nhiệm của cơ quan báo chí và của phóng viên trong việc khiếu nại nhằm bảo đảm đúng pháp luật, tránh hiện tượng các vụ việc chưa có kết luận, chưa được xác minh đã đưa tin, bài, gây ảnh hưởng xấu đến người bị khiếu nại không có căn cứ, khiếu nại sai.
Trước khi thảo luận dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, các đại biểu đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của QH Đặng Vũ Minh trình bày báo cáo của Ủy ban Thường vụ QH giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật này. Báo cáo cho biết tại kỳ họp thứ 7, QH đã thảo luận, cho ý kiến về dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Sau kỳ họp QH, Ủy ban Thường vụ QH đã chỉ đạo Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường phối hợp Ban soạn thảo, đại diện Ủy ban Pháp luật, Ủy ban Tư pháp, Bộ Tư pháp và các cơ quan hữu quan nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật theo ý kiến đóng góp của các đại biểu QH. Ngày 20-8-2010, tại phiên họp thứ 33, Ủy ban Thường vụ QH đã cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu ý kiến đại biểu QH tại kỳ họp thứ 7 về dự án luật này. Sau đó, dưới sự chỉ đạo của Phó Chủ tịch QH Nguyễn Đức Kiên, dự thảo luật đã được chỉnh sửa theo ý kiến của Ủy ban Thường vụ QH và gửi xin ý kiến các đoàn đại biểu QH. Tiếp đó, tại phiên họp thứ 35, Ủy ban Thường vụ QH đã cho ý kiến về dự án luật này trên cơ sở tiếp thu ý kiến của các đoàn đại biểu QH.
Dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng sau khi chỉnh sửa gồm sáu chương, 51 điều, giảm ba chương, 14 điều so với dự thảo trình xin ý kiến đại biểu QH tại kỳ họp thứ 7. Luật này quy định về quyền và nghĩa vụ của người tiêu dùng; trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ đối với người tiêu dùng; trách nhiệm của các tổ chức xã hội trong bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; cơ chế giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng với tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ; trách nhiệm quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Thảo luận dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, các ý kiến phát biểu cơ bản tán thành báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý của Ủy ban Thường vụ QH, đồng thời góp nhiều ý kiến vào những vấn đề cụ thể. Một số ý kiến đề nghị trong phạm vi điều chỉnh của luật cần bổ sung quy định về hoạt động thông tin quảng cáo, dịch vụ, hàng hóa (Nguyễn Thị Kim Bé - Kiên Giang; Võ Thị Dễ - Long An, Nguyễn Ngọc Đào - Hà Nội). Vấn đề quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã thu hút nhiều đại biểu thảo luận. Đồng tình việc quy định Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và Bộ Công thương chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, nhiều ý kiến đề nghị cần quy định cụ thể hơn, rõ hơn trách nhiệm của các bộ trong quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, tránh quy định chung chung như ở khoản 3, Điều 47, nhất là trong việc quản lý hàng hóa là thuốc chữa bệnh, thực phẩm chức năng, thuốc bảo vệ thực vật... (Nguyễn Thị Thu Hà - Gia Lai, Dương Kim Anh - Trà Vinh, Nguyễn Đình Xuân - Tây Ninh, Nguyễn Ngọc Đào - Hà Nội, Bùi Thị Lệ Phi - Cần Thơ). Nhiều đại biểu đề cập vấn đề giải quyết tranh chấp tại tòa án. Đại biểu Trịnh Thanh Bình - Bến Tre đề nghị bỏ khoản 3, Điều 41 quy định về thủ tục rút gọn, không quy định việc miễn tạm ứng lệ phí mà chỉ quy định miễn tạm ứng án phí trong trường hợp người tiêu dùng, tổ chức xã hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là nguyên đơn trong vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Các đại biểu còn thảo luận nhiều vấn đề khác trong dự thảo luật này như: Các hành vi bị cấm, quy định về thương lượng trong giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh. Sau phiên thảo luận này, dự thảo luật tiếp tục được nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý và trình QH xem xét thông qua tại kỳ họp này./.