Buổi sáng ngày làm việc thứ 15, kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XII, các đại biểu thảo luận ở tổ về dự án Luật Thủ đô. Góp ý kiến vào dự án luật này, nhiều đại biểu tán thành với chủ trương ban hành một đạo luật với những cơ chế, chính sách nhằm tạo điều kiện cho việc xây dựng, phát triển Thủ đô Hà Nội. Dự án luật được chuẩn bị công phu, theo đúng trình tự, thủ tục quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Các tài liệu trong hồ sơ dự án luật được chuẩn bị khá đầy đủ và có chất lượng. Dự án luật gồm 4 chương, 35 Điều.
Các đại biểu thảo luận tại Hội trường. (Nguồn: NDĐT) |
Dự thảo luật quy định Thủ đô có thể áp dụng mức xử phạt tiền đối với một số hành vi vi phạm hành chính trong khu vực nội thành cao hơn mức xử phạt áp dụng chung cho cả nước trong lĩnh vực văn hóa, đất đai, môi trường, xây dựng, giao thông vận tải và cư trú (khoản 2 Điều 25); quy định việc thu phí lưu thông đối với một số phương tiện giao thông ở nội thành (điểm c khoản 3 Điều 23); quy định mức thu phí trong nội thành cao hơn mức thu áp dụng chung cho cả nước trong lĩnh vực môi trường, giao thông vận tải (khoản 3 Điều 26). Đây là những vấn đề được nhiều đại biểu QH quan tâm góp ý kiến. Một số đại biểu đề nghị cần nghiên cứu kỹ và làm rõ hơn những nội dung trên để phù hợp với thực tế của Hà Nội mở rộng, chẳng hạn cần quy định cụ thể thế nào là khu vực nội thành, ngoại thành để nhân dân hiểu chính xác, thống nhất. Việc quy định mức tiền phạt những vi phạm ở Thủ đô cao hơn các địa phương khác là hợp lý nhưng cần quy định cụ thể cao hơn bao nhiêu và đưa ra mức trần cụ thể. Có ý kiến đề nghị Ban soạn thảo nên nghiên cứu việc tăng mức phạt ở các lĩnh vực khác, bên cạnh sáu lĩnh vực mà dự án luật đã đề cập. Việc áp dụng mức phạt cao hơn đối với vi phạm sử dụng đất đai chưa chắc có thể ngăn chặn hiệu quả hiện tượng này, vì vậy nên quy định thêm các chế tài xử phạt khác nhằm góp phần giải quyết triệt để việc sử dụng đất đai không đúng quy định.
Có đại biểu đặt vấn đề, dự án luật chủ trương răn đe đối với các hành vi vi phạm hành chính thì tại sao lại không đặt vấn đề áp dụng hình phạt nặng hơn đối với các hành vi phạm tội hình sự, bởi vì các hành vi này xét về tính chất nguy hiểm cho xã hội thì cao hơn rất nhiều so với các hành vi vi phạm hành chính. Việc quy định mức phạt tiền đối với một số hành vi vi phạm hành chính trong khu vực nội thành cao hơn cần được xem xét toàn diện các điều kiện về kinh tế - xã hội, trình độ dân trí và ý thức chấp hành pháp luật của người dân. Đối với việc thu phí giao thông, cần xem xét đến đặc thù ở Hà Nội là số lượng người ngoài tỉnh tham gia giao thông rất lớn. Tuy nhiên, một số đại biểu cho rằng, việc áp dụng thu phí giao thông cao là cần thiết để cùng với các biện pháp khác được áp dụng sẽ góp phần quan trọng hạn chế tình trạng tắc nghẽn giao thông đang diễn biến phức tạp tại Hà Nội trong thời gian qua và hiện nay.
Một số đại biểu đồng ý như dự án luật về việc Hà Nội áp dụng mức phí cao hơn so với mức phí chung của cả nước trong một số lĩnh vực là để có kinh phí dành cho đầu tư bảo vệ môi trường và xây dựng, cải tạo, nâng cấp các công trình giao thông, nhưng lưu ý việc cải tạo, nâng cấp các công trình giao thông là nhu cầu chung của các tỉnh, thành phố khác, không chỉ riêng đối với Thủ đô. Vì vậy, Ban soạn thảo cần nghiên cứu kỹ hơn để đưa ra những điều khoản hợp lý, tránh bất bình đẳng trong lĩnh vực này giữa các tỉnh, thành phố trong cả nước.
Khoản 2, Điều 26 quy định về chính sách và cơ chế tài chính nhằm đáp ứng yêu cầu xây dựng, phát triển và quản lý Thủ đô. Về nội dung này, có ý kiến đặt vấn đề, việc tăng ngân sách cho Thủ đô là cần thiết nhưng được tiến hành thường xuyên hay là giải pháp nhất thời. Không nên coi việc tăng ngân sách cho Hà Nội là vấn đề có tính thường xuyên, liên tục, mà chỉ nên xác định đây là giải pháp trong một giai đoạn phát triển nhất định, có thể là 5 năm hoặc 10 năm. Trong mỗi nhiệm kỳ, Chính phủ trình QH quyết định đầu tư cho Hà Nội một số hạng mục công trình, chẳng hạn hệ thống tàu điện ngầm hoặc hệ thống giao thông đô thị khác... Hằng năm, khi QH quyết định ngân sách, sẽ dành một khoản phù hợp cho việc thực hiện các chương trình, mục tiêu đó. Điều này cũng là để thể hiện vai trò, trách nhiệm của QH, Chính phủ đối với Thủ đô Hà Nội.
Tại Điều 7 của dự thảo luật quy định việc tặng danh hiệu Công dân danh dự Thủ đô. Quan tâm nội dung này, một số ý kiến cho rằng, việc khen thưởng, vinh danh đối với những người có công lao đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và phát triển Thủ đô là cần thiết. Tuy nhiên, việc quy định danh hiệu công dân danh dự Thủ đô cần nghiên cứu kỹ hơn để tránh sự phân biệt giữa người ở Hà Nội và không ở Hà Nội, đồng thời phù hợp những quy định khác của pháp luật.
Có đại biểu nêu ý kiến, dự thảo luật chưa đề cập cụ thể một trong những vấn đề quan trọng, nhất là công tác bảo vệ quốc phòng, an ninh của Thủ đô, phối hợp chặt chẽ kinh tế với quốc phòng trong việc phát triển Thủ đô. Vì vậy, đề nghị dự án luật cần có điều khoản riêng để quy định cụ thể, đầy đủ hơn nữa về công tác bảo đảm quốc phòng, an ninh của Thủ đô.
Khoản 2 Điều 24 (về Quản lý dân cư) quy định: Chính phủ ban hành quy định về điều kiện cư trú ở nội thành phù hợp quy định về quản lý dân cư quy định tại khoản 1 Điều này; các biện pháp ưu tiên đầu tư và huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng nhà ở, cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ, hiện đại, thuận tiện ở ngoại thành. Một số đại biểu tán thành chủ trương này và đề nghị việc ban hành các văn bản liên quan sẽ giao cho các cơ quan chức năng của TP Hà Nội để bảo đảm phù hợp tình hình thực tế, nhất là trong quản lý hộ khẩu.
Một số đại biểu nêu vấn đề, có cần thiết đưa ra khái niệm đặc thù đối với việc quy định các cơ chế, chính sách cho Thủ đô xây dựng và phát triển hay không, bởi bản thân Thủ đô đã mang tính đặc thù. Dự án luật cần đưa ra những chính sách cụ thể để xây dựng và phát triển Thủ đô, không nên đưa ra những chủ trương chung chung. Khoản 4, Điều 11 quy định HĐND TP Hà Nội ban hành biện pháp bảo đảm thực hiện quy hoạch chung Thủ đô... là chưa hợp lý vì đây là nhiệm vụ của UBND thành phố...