Các đại biểu QH chất vấn các thành viên Chính phủ.
Ảnh:
Internet
|
Ngày làm việc thứ 27, kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XII. Tại hội trường, QH tập trung chất vấn một số vấn đề chung, lớn mang tầm quản lý vĩ mô, mang tầm quốc gia, những vấn đề bức xúc, nổi cộm được nhân dân, dư luận xã hội quan tâm theo nhóm vấn đề.
Trong phiên họp, Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng đã trình bày báo cáo và trả lời chất vấn của đại biểu QH về tình trạng thiếu điện. Căn cứ vào chiến lược phát triển ngành điện của Việt Nam giai đoạn 2001 - 2010, định hướng tới năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Bộ Công thương đã tiếp tục chỉ đạo ngành điện và các nhà đầu tư có liên quan triển khai thực hiện chương trình đầu tư để bảo đảm đủ nguồn và đồng bộ hệ thống chuyển tải phân phối. Theo dự kiến, năm 2010 sản lượng điện sản xuất sẽ đạt 97,28 tỷ kW giờ, đạt mục tiêu chiến lược đến năm 2010, đồng thời Bộ Công thương cũng đang tích cực chỉ đạo xây dựng quy hoạch điện lực 7 đến năm 2020. Ngoài ra, Bộ đang tiếp tục chỉ đạo tăng cường công tác quản lý và đầu tư lưới điện nông thôn; ban hành hai thông tư quy định phương pháp lập, trình tự, thủ tục xây dựng và ban hành chi phí vận hành hệ thống điện và thị trường điện, quy định phương pháp lập, trình tự, thủ tục xây dựng, ban hành và quản lý giá truyền tải điện; đang xây dựng Thông tư quy định trình tự, thủ tục xây dựng, ban hành khung giá phát điện và phê duyệt hợp đồng mua bán điện; xây dựng Thông tư quy định về trình tự điều hòa, tiết giảm điện khi bắt buộc phải tiết giảm điện. Tính đến thời điểm hiện nay 100% số huyện trong cả nước đã có điện lưới cũng như điện tại chỗ, 10.794 trên tổng số 10.996 xã, phường có điện đạt 98,16%.
Về điều hành xuất nhập khẩu, bảo đảm bình ổn giá thực hiện mục tiêu tỷ lệ nhập siêu không quá 20% kim ngạch xuất khẩu năm 2010, trong điều kiện biến động giá cả và thị trường quốc tế, Bộ Công thương đã tăng cường và chủ động phối hợp các bộ, ngành tham mưu với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, cũng như chủ động theo thẩm quyền đề ra nhiều biện pháp nhằm đẩy mạnh xuất khẩu, kiểm soát nhập khẩu, khai thác tốt hơn các ưu đãi của các hiệp định thương mại tự do song phương, nên kết quả thực hiện kế hoạch xuất, nhập khẩu năm 2010 có chuyển biến tích cực. Bộ cũng có nhiều giải pháp bảo đảm cung cầu những mặt hàng thiết yếu của nền kinh tế, thực hiện hiệu quả công tác quản lý thị trường, xây dựng Nghị định điều hành kinh doanh xuất khẩu gạo.
Về các giải pháp chống lạm phát và bình ổn cung cầu, bình ổn giá, Bộ Công thương và các bộ, ngành tham mưu Chính phủ huy động năng lực sản xuất trong nước, bảo đảm cung cầu hàng hóa cho sản xuất, cho đời sống nhân dân, nhất là 11 nhóm hàng hóa thiết yếu; củng cố và phát triển hệ thống phân phối từ bán buôn đến bán lẻ, nhất là hệ thống bán lẻ, trước hết tạo điệu kiện cho doanh nghiệp trong nước. Đồng thời, từng bước tạo điều kiện cho doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tham gia vào thị trường phân phối này. Hỗ trợ lãi suất để các doanh nghiệp có đủ điều kiện được vay và dự trữ hàng bảo đảm cung ứng trong mọi tình huống, góp phần bình ổn giá; tăng cường quản lý thị trường, thực hiện theo đúng Pháp lệnh về giá, các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến vấn đề chống hàng lậu, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng.
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Quốc Triệu trả lời chất vấn các đại biểu QH về tình trạng quá tải tại các bệnh viện, nhất là tuyến Trung ương, các giải pháp khắc phục; quy hoạch phát triển ngành dược và quản lý giá thuốc; viện phí, bảo hiểm y tế và công tác phòng, chống bệnh dịch, trong đó có HIV/AIDS. Trong những năm qua, ngành y tế đã nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ nhằm giải quyết tình trạng quá tải bệnh viện, nhất là tuyến cơ sở. Trong đó tập trung vào việc nâng cao chất lượng điều trị, giảm ngày điều trị trung bình hợp lý, nhằm rút ngắn thời gian nằm viện của người bệnh; giảm diện tích khu hành chính, tăng khu điều trị; nâng cấp cơ sở y tế và tăng cường đào tạo cán bộ y tế cấp dưới...
Chính phủ tiếp tục trả lời chất vấn của đại biểu QH./.
P.V