Cách đây 80 năm, ngày 15-10-1930, với sự ra đời của hệ thống ban chuyên môn về công tác vận động quần chúng của Đảng, đã thể hiện công tác dân vận của Đảng được xác định là một nhiệm vụ quan trọng nhằm tập hợp, tuyên truyền, giáo dục quần chúng để phát triển thành một lực lượng to lớn, đông đảo, đoàn kết xung quanh Đảng, tham gia các phong trào cách mạng. Quá trình hình thành, xây dựng và phát triển công tác dân vận ở tỉnh ta suốt 80 năm qua luôn gắn bó chặt chẽ với lịch sử công tác dân vận của cả nước và sự lãnh đạo của BCH Đảng bộ tỉnh. Những năm gần đây, thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Đảng về công tác dân vận, công tác vận động quần chúng ở tỉnh ta đã có bước chuyển biến mới cả về nhận thức, phương pháp công tác và tổ chức thực hiện theo hướng "Trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân, có trách nhiệm với dân" để phát huy sức mạnh đoàn kết toàn dân, tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân. Kết quả hoạt động công tác dân vận đã góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị - kinh tế - xã hội - an ninh - quốc phòng của tỉnh.
Cán bộ Ban Dân vận Tỉnh uỷ xử lý công việc trên máy tính.
Ảnh:
Xuân Thu
|
Qua các kỳ đại hội Đảng, hệ thống Ban Dân vận các cấp từ tỉnh đến cơ sở đã chủ động tham mưu giúp cấp ủy xây dựng chương trình công tác dân vận toàn khoá phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. Hàng năm, đều xây dựng được chương trình công tác cụ thể, tổ chức nhiều đề tài, chuyên đề về công tác vận động quần chúng; trên cơ sở đó tham mưu giúp cho cấp uỷ Đảng có kế hoạch, biện pháp lãnh đạo công tác dân vận và hoạt động của MTTQ, các đoàn thể nhân dân, các hội quần chúng… Đặc biệt, Ban Dân vận Tỉnh uỷ đã tham mưu cho cấp uỷ Đảng chỉ đạo việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 8B về: "Đổi mới công tác quần chúng của Đảng, tăng cường quan hệ giữa Đảng với nhân dân"; tổng kết 5 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khoá IX) về: "Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh"; tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị 30 của Bộ Chính trị (khoá VIII) về: "Xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở"… Một đóng góp tích cực khác của Ban Dân vận Tỉnh uỷ là đã tham mưu cho BCH Đảng bộ tỉnh (khoá XVII) ban hành Nghị quyết về: "Nâng cao chất lượng dân vận, tăng cường sự lãnh đạo của các cấp uỷ Đảng đối với hoạt động của MTTQ và các đoàn thể ở xã, phường, thị trấn". Kết quả bước đầu của việc triển khai thực hiện nghị quyết đã đem lại hiệu quả rõ rệt trong công tác vận động quần chúng của Đảng, tăng cường niềm tin và gắn bó mật thiết hơn mối quan hệ giữa Đảng với nhân dân. Ngoài ra, hệ thống dân vận các cấp trong tỉnh cũng thường xuyên duy trì mối quan hệ phối hợp với các ban, ngành, MTTQ và các đoàn thể nhân dân trong việc lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai thực hiện công tác dân vận, nhất là trong việc giải quyết những vấn đề an ninh nông thôn ở một số địa phương, cơ sở; hướng dẫn, giúp đỡ các địa phương, các tôn giáo trên địa bàn tỉnh tổ chức các hoạt động lễ hội tôn giáo, bảo đảm đúng quy định của pháp luật và đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân. Hệ thống các cấp dân vận trong tỉnh đã tập trung chỉ đạo và triển khai xây dựng thành công các mô hình, điển hình "Dân vận khéo" theo tư tưởng "Dân vận" của Chủ tịch Hồ Chí Minh, thực chất là sự đổi mới về phương thức, nội dung hoạt động của công tác dân vận, nhằm tập hợp, đoàn kết rộng rãi các tầng lớp nhân dân tham gia phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng đời sống văn hoá, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, góp phần thực hiện thắng lợi nghị quyết đại hội Đảng bộ các cấp. Đến nay, toàn tỉnh đã có trên 600 mô hình, điển hình "Dân vận khéo" đã và đang được triển khai thực hiện ở các cơ sở, địa phương trong tỉnh; trong đó có 80 điển hình tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc đã được Ban Dân vận Tỉnh uỷ biểu dương, khen thưởng. Nhiều mô hình, điển hình mang tính sáng tạo, phù hợp với thực tiễn ở cơ sở đã mang lại hiệu quả thiết thực và có tính lan toả trong cộng đồng dân cư ở các huyện Trực Ninh, Nghĩa Hưng, Giao Thuỷ, Hải Hậu, Ý Yên... Việc đổi mới nội dung, phương thức vận động quần chúng trong công tác dân vận ở tỉnh ta những năm qua đã có bước phát triển cả về số lượng và chất lượng, góp phần củng cố mối quan hệ giữa Đảng, chính quyền với nhân dân, tình hình chính trị ổn định, kinh tế - xã hội có bước phát triển bền vững, quốc phòng - an ninh được bảo đảm, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng được nâng lên.
Kế thừa và phát huy truyền thống 80 năm công tác dân vận của Đảng và những bài học kinh nghiệm rút ra từ công tác vận động quần chúng, trong thời gian tới, để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thời kỳ CNH-HĐH quê hương đất nước, hệ thống các cấp dân vận từ tỉnh đến cơ sở tiếp tục bám sát đường lối, chủ trương của Đảng về công tác vận động quần chúng trong tình hình mới, tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng tham mưu cho cấp uỷ Đảng, phản ánh kịp thời những nguyện vọng chính đáng của nhân dân với Đảng và Nhà nước. Không ngừng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động công tác dân vận, nhân rộng mô hình, điển hình "Dân vận khéo" ở các cơ sở, các địa bàn dân cư đồng thời nâng cao chất lượng hoạt động của MTTQ và các đoàn thể nhân dân, vận động nhân dân tích cực tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, MTTQ và các đoàn thể quần chúng, xây dựng mối quan hệ giữa Đảng với nhân dân ngày càng vững chắc, phát huy cao độ sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết toàn dân, tạo thành động lực to lớn và mạnh mẽ để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII đã đề ra./.
Phạm Quốc Tuấn