Đoàn đại biểu Quốc hội của tỉnh tiếp xúc cử tri tại các địa phương

08:10, 08/10/2010

Chuẩn bị cho kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XII dự kiến khai mạc vào ngày 20-10-2010, trong các ngày 5 và 6-10-2010, Đoàn đại biểu Quốc hội của tỉnh gồm các đồng chí: Chu Văn Đạt, Uỷ viên BCH Trung ương Đảng, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn Đoàn đại biểu Quốc hội của tỉnh; Trần Văn Tuấn, Uỷ viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nội vụ; Vũ Văn Ninh, Uỷ viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài chính; và các đồng chí trong Đoàn đại biểu Quốc hội của tỉnh đã tổ chức thành các đoàn tiếp xúc với đại biểu cử tri các xã: Liên Bảo (Vụ Bản); Yên Hồng (Ý Yên); Xuân Đài (Xuân Trường); Giao Tiến (Giao Thuỷ); Nam Hồng (Nam Trực); Nghĩa Sơn (Nghĩa Hưng); Trực Tuấn (Trực Ninh); Hải Thanh (Hải Hậu); Mỹ Tiến (Mỹ Lộc) và phường Trường Thi (TP Nam Định). Tại các điểm tiếp xúc cử tri, Đoàn đại biểu Quốc hội của tỉnh đã thông báo nội dung, chương trình kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XII và tóm tắt trả lời của các bộ, ngành Trung ương đối với các kiến nghị của cử tri tỉnh Nam Định từ kỳ họp trước.

Đồng chí Chu Văn Đạt, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn Đoàn đại biểu Quốc hội của tỉnh tiếp xúc với cử tri xã Liên Bảo (Vụ Bản). Ảnh: Trọng Văn
Đồng chí Chu Văn Đạt, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn Đoàn đại biểu Quốc hội của tỉnh tiếp xúc với cử tri xã Liên Bảo (Vụ Bản).
Ảnh: Trọng Văn

Tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XII sẽ xem xét và quyết định những vấn đề chính sau: Các báo cáo kết quả nhiệm vụ kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2010; Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2011; Quyết định dự toán ngân sách Nhà nước năm 2011, phương án phân bổ ngân sách Trung ương và bổ sung ngân sách địa phương năm 2011. Các báo cáo công tác của Chánh án Toà án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, các báo cáo của Chính phủ về công tác thi hành án và công tác đặc xá; công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm. Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri. Các báo cáo về công tác phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; về công tác đối ngoại của Nhà nước, tình hình quốc phòng - an ninh; báo cáo kết quả thực hiện chương trình trái phiếu chính phủ giai đoạn 2006-2010. Các báo cáo công tác của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Uỷ ban của Quốc hội. Chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội. Xem xét một số báo cáo và quyết định một số vấn đề quan trọng khác… Về công tác xây dựng pháp luật, Quốc hội sẽ thông qua 9 dự án luật và 1 dự thảo nghị quyết gồm: Luật Bảo vệ môi trường; Luật Thanh tra (sửa đổi); Luật Tố tụng hành chính; Luật Viên chức; Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; Luật Khoáng sản (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và Luật Bầu cử đại biểu HĐND; nghị quyết của Quốc hội về chính sách thuế và sử dụng đất nông nghiệp. Ngoài ra, Quốc hội sẽ có ý kiến với 9 dự án luật là: Luật Kiểm toán độc lập, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo, Luật Đo lường, Luật Phòng, chống mua bán người, Luật Lưu trữ, Luật Hợp tác xã (sửa đổi), Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Thủ đô.

Đoàn đại biểu Quốc hội của tỉnh tại các điểm tiếp xúc cũng đã lắng nghe, tiếp thu những tâm tư, nguyện vọng và ý kiến, kiến nghị của cử tri. Cử tri phường Trường Thi (TP Nam Định) có ý kiến, theo báo cáo của Chính phủ hàng năm GDP đều tăng, nhưng đời sống của người lao động và dân nghèo thành thị vẫn gặp nhiều khó khăn, thiếu việc làm và thu nhập nên Chính phủ cần có giải pháp và chính sách hỗ trợ để bảo đảm đời sống, sinh hoạt. Trong lĩnh vực trật tự - an toàn xã hội, tình hình tội phạm, nhất là tội phạm ma tuý và các tệ nạn xã hội khác vẫn đang có chiều hướng gia tăng, Chính phủ cần có sự chỉ đạo chặt chẽ và có những biện pháp cương quyết, mạnh mẽ hơn nữa trong công tác chống các loại tội phạm đạt hiệu quả. Nhà nước và các bộ, ngành chức năng cần quản lý chặt chẽ hơn nữa dịch vụ Internet bị buông lỏng từ nhiều năm nay, gây hậu quả xấu tới lớp trẻ thanh thiếu niên học sinh và làm phát sinh tội phạm. Cử tri của phường cũng đề nghị, để TP Nam Định trở thành trung tâm của vùng Nam Đồng bằng sông Hồng, Chính phủ cần có kế hoạch cụ thể và bổ sung nguồn kinh phí cho thành phố có điều kiện cải tạo và nâng cấp đô thị. Nhà nước cần tăng cường công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí và chính sách quan tâm đến việc giải quyết việc làm và đời sống cho các hộ nghèo ở thành phố, có chính sách đãi ngộ hợp lý hơn đến đội ngũ cán bộ cơ sở xã, phường… Cử tri xã Mỹ Tiến (Mỹ Lộc) đề nghị các thủ tục về tham gia BHXH, đổi thẻ BHYT đối với các đối tượng hiện nay còn khó khăn, phức tạp, cần sớm được đổi mới, tránh phiền hà cho nhân dân. Cần đầu tư kinh phí cho cơ sở trong việc bảo vệ môi trường và nước sạch ở nông thôn. Trong giao thông nông thôn, đề nghị Chính phủ có chính sách hỗ trợ kinh phí để nâng cấp sửa chữa vì đoạn đường Cầu Giáng - Dốc La dài hơn 4km qua xã đã xuống cấp nghiêm trọng, không bảo đảm an toàn giao thông… Cử tri xã Nam Hồng (Nam Trực) và xã Nghĩa Sơn (Nghĩa Hưng) cho rằng, là những đơn vị làm điểm về xây dựng nông thôn mới, nhưng kinh phí đầu tư cần có sự hỗ trợ của Nhà nước để hoàn thành các tiêu chí đề ra. Cử tri Nghĩa Sơn đề nghị Nhà nước cần có biện pháp đẩy nhanh tiến độ sửa chữa nâng cấp tuyến đường 490 để bảo đảm an toàn giao thông và phát triển kinh tế - xã hội của các huyện ven biển… Cử tri xã Liên Bảo (Vụ Bản) đề nghị Nhà nước quan tâm hơn nữa đến nông nghiệp, nông thôn và nông dân, nhất là hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp, cây vụ đông và chế biến nông sản. Về Khu công nghiệp Bảo Minh, cử tri đề nghị cần có sự thống nhất về giá đền bù để hoàn tất giải phóng mặt bằng sớm bàn giao cho chủ đầu tư, đưa Khu công nghiệp vào hoạt động. Ngoài ra, các cử tri đề nghị Nhà nước quan tâm hơn đến xây dựng cơ sở vật chất, trường, lớp học, nâng cao đời sống của giáo viên, đặc biệt là đội ngũ giáo viên mầm non, điều chỉnh mức thu học phí đối với học sinh bậc THCS và chế độ, chính sách đối với người có công, nạn nhân chất độc da cam, người tàn tật… Cử tri xã Yên Hồng (Ý Yên) phản ánh dự án xây dựng đường cao tốc đoạn qua xã Yên Hồng đã gây sụt, lún 1 phần trường học, trụ sở UBND xã, ảnh hưởng đến hệ thống thuỷ lợi làm ách tắc dòng chảy gây khó khăn trong sản xuất nông nghiệp và việc thi công khu tái định cư thôn Nê sai so với thiết kế hạ tầng ban đầu.

Tại huyện Hải Hậu, cử tri các xã Hải Thanh, Hải Hà, Hải Phúc, Hải Lộc kiến nghị với Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội, các cấp có thẩm quyền các vấn đề về Luật Đất đai, chế độ chính sách đối với người có công, vệ sinh môi trường và xây dựng nông thôn mới. Về quy định cho đất sản xuất nông nghiệp, cử tri kiến nghị điều chỉnh cho phù hợp, hiện nay nhân lực sản xuất trong các hộ có nhiều biến đổi, người không trực tiếp sản xuất hoặc đã mất vẫn có ruộng nhưng người mới sinh lại không có ruộng. Việc thực hiện chế độ chính sách đối với người có công còn chậm như triển khai Quyết định 142 của Chính phủ về trợ cấp cho quân nhân chưa kịp thời; việc quy định chế độ chính sách đối với người ảnh hưởng chất độc da cam chỉ giải quyết cho người có bệnh từ năm 2008 trở về trước là không hợp lý. Vấn đề vệ sinh môi trường, cử tri kiến nghị Nhà nước nên có kế hoạch hỗ trợ đầu tư, công nghệ trong xử lý rác thải trên địa bàn nông thôn. Tình trạng ô nhiễm sông Sò do nhà máy chế biến nước mắm và nhà máy xử lý rác thải của huyện Giao Thuỷ gây ra ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của hơn 1000 dân xã Hải Phúc. Ngoài ra, cử tri kiến nghị tăng thêm phần trăm tiền thu từ đấu thầu đất để cấp xã đầu tư cho xây dựng cơ sở hạ tầng; tăng chi hoạt động thường xuyên cho Ban Thanh tra nhân dân cơ sở và Ban công tác Mặt trận… Cử tri các xã: Xuân Đài (Xuân Trường), Giao Tiến (Giao Thuỷ), Trực Tuấn (Trực Ninh) đề nghị Nhà nước có những chính sách cụ thể và kịp thời để hỗ trợ kinh phí đầu tư xây dựng cơ sở vật chất hạ tầng phục vụ sản xuất và đời sống dân sinh vì hiện nay cơ sở vật chất hạ tầng nông thôn, nhất là hệ thống giao thông đang xuống cấp nghiêm trọng cần được sửa chữa, nâng cấp nhưng không đủ nguồn lực. Bên cạnh đó, do hiệu quả sản xuất nông nghiệp thấp, đời sống nông dân khó khăn nên xu hướng nông dân bỏ ruộng đi làm nghề khác ngày càng tăng. Nhà nước cần hỗ trợ giá cho các loại vật tư nông nghiệp như phân bón, thuốc phòng trừ sâu bệnh… để giảm chi phí sản xuất, tạo điều kiện cho nông dân sản xuất có hiệu quả, yên tâm gắn bó với đồng ruộng. Nhà nước và tỉnh cần tăng tỷ lệ điều tiết cho cơ sở khi chuyển quyền sử dụng đất để có thêm nguồn lực đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng nông thôn vì ngân sách của địa phương còn khó khăn và cần có chính sách hỗ trợ, đãi ngộ hợp lý đối với đội ngũ cán bộ ở cơ sở thôn, đội vì như hiện nay là quá thấp… Ngoài ra, Chính phủ cần có những biện pháp chỉ đạo kịp thời để chấn chỉnh những hiện tượng còn tiêu cực trong việc khám, chữa bệnh và chăm sóc sức khoẻ nhân dân, chấn chỉnh tình trạng lạm thu trong các trường học…

Tại các điểm tiếp xúc, Đoàn đại biểu Quốc hội của tỉnh đã giải trình và làm rõ một số vấn đề cử tri đang quan tâm đồng thời tiếp thu đầy đủ các ý kiến, kiến nghị của cử tri để tổng hợp, báo cáo với Quốc hội, chính phủ và các bộ, ngành của Trung ương nghiên cứu, xem xét, giải quyết./.

Quốc Tuấn, Văn Trọng, Duy Hưng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com