TỪ ĐẠI HỘI ĐẾN ĐẠI HỘI

09:09, 10/09/2010

(Tiếp theo kỳ trước)

… Sản xuất nông nghiệp ổn định và có bước phát triển

… Năm năm qua, giá trị sản xuất nông nghiệp tăng bình quân 3,8%/năm, duy trì truyền thống thâm canh lúa với năng suất đạt bình quân 118,4 tạ/ha/năm. Sản xuất nông nghiệp chuyển dần sang sản xuất hàng hoá, bảo đảm an ninh lương thực; sản lượng lương thực đạt 950 nghìn tấn/năm. Giá trị thu được trên 1ha canh tác tăng nhanh, năm 2010 đạt 70 triệu đồng/ha. Cơ cấu kinh tế nông nghiệp chuyển dịch đúng hướng, giá trị sản xuất chăn nuôi và dịch vụ tăng 38,4% năm 2005 lên 41,8% năm 2010, tỷ trọng ngành trồng trọt giảm từ 61,6% xuống còn 58,2%. Cơ cấu cây trồng vật nuôi phù hợp hơn, bước đầu đã hình thành một số vùng sản xuất nông sản hàng hoá. Chăn nuôi tiếp tục phát triển theo hướng chăn nuôi trang trại, gia trại. Sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng đạt bình quân 108,4 nghìn tấn/năm. Sản xuất muối được duy trì ổn định với diện tích khoảng 860ha, sản lượng bình quân đạt 90 nghìn tấn muối/năm. Thuỷ sản phát triển khá, giá trị sản xuất tăng bình quân 11%/năm. Sản lượng thuỷ sản năm 2010 toàn tỉnh đạt 89 nghìn tấn…

Xã viên HTX Mỹ Trung, xã Thành Lợi (Vụ Bản) trồng rau vụ đông.  Ảnh: Dương Đức
Xã viên HTX Mỹ Trung, xã Thành Lợi (Vụ Bản) trồng rau vụ đông.
Ảnh: Dương Đức

Các ngành dịch vụ hoạt động ổn định: Sản phẩm dịch vụ khá đa dạng và ngày càng tốt hơn. 5 năm qua giá trị tăng bình quân 9,1%/năm. Hoạt động xuất khẩu phát triển nhanh. Tổng giá trị hàng xuất khẩu năm 2010 ước đạt 230 triệu USD. Giá trị xuất khẩu bình quân đầu người đạt 119 USD. Tổng giá trị hàng nhập khẩu năm 2010 đạt 172 triệu USD, tăng bình quân 13%/năm. Kết cấu hạ tầng thương mại, du lịch từng bước được cải tạo, nâng cấp. Bước đầu hình thành một số tuyến du lịch có lợi thế như du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, tham quan… Đã có 245 khách sạn, nhà nghỉ, 10 doanh nghiệp kinh doanh lữ hành. Số lượng khách du lịch năm 2010 ước đạt 1,5 triệu lượt người, tăng bình quân 6%/năm, doanh thu du lịch năm 2010 ước đạt 145 tỷ đồng, bình quân tăng 14%/năm. Dịch vụ vận tải, mạng lưới viễn thông, các dịch vụ tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, tư vấn… đều có bước phát triển mới.

Thu ngân sách từ kinh tế địa phương tăng khá: Năm 2010 ước đạt 1150 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân 15,1%/năm. Tổng chi ngân sách địa phương trong 5 năm ước 17745 tỷ đồng, tăng bình quân 19,7%/năm. Chi ngân sách cơ bản đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội.

Vốn huy động cho đầu tư phát triển và sản xuất kinh doanh tăng nhanh: Trong 5 năm, tổng số vốn đầu tư cho phát triển đạt 37400 tỷ đồng, tỷ lệ huy động bằng 40,1% so với GDP và gấp 3 lần so giai đoạn 2001-2005. Nguồn vốn đầu tư tăng cao cùng với cơ cấu đầu tư phù hợp đã thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế đúng hướng, đồng thời cải tạo, nâng cấp, xây dựng mới một số công trình kết cấu hạ tầng quan trọng có tác động lâu dài tới sự phát triển kinh tế - xã hội, góp phần cải thiện đáng kể bộ mặt đô thị và nông thôn. Đến nay, đã hoàn thành, đưa vào sử dụng một số công trình trong các lĩnh vực: giao thông (đường vành đai nối quốc lộ 21, quốc lộ 10 và cầu vượt sông Đào; đường 51B Lạc Quần - Quất Lâm; cầu Hà Lạn, cầu dài Trực Thanh, cầu Tiền Lang…); thuỷ lợi (nâng cấp 30km đê biển xung yếu; các cống đầu mối: 8B, Đò Thông; kè biển Đông cống Thanh Niên, kè Nghĩa Phúc; kiên cố hoá hệ thống thuỷ lợi cấp 1 ở tất cả các huyện, thành phố…); điện lực (đường điện 110kv Lạc Quần - Giao Thuỷ; trạm biến áp 110kv Giao Thuỷ…); văn hoá - xã hội (khu lưu niệm Cố Tổng Bí thư Trường Chinh; Bảo tàng Nam Định; kiên cố hoá hơn 2300 phòng học; một số bệnh viện tuyến tỉnh và huyện; trung tâm điện ảnh sinh viên…); đầu tư hạ tầng một số khu, cụm công nghiệp; hỗ trợ xây dựng trụ sở xã, giao thông nông thôn… Hiện đang triển khai xây dựng một số công trình trọng điểm khác như: Tuyến đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, tuyến đường bộ mới Nam Định - Phủ Lý, quốc lộ 21 đoạn Nam Định - Thịnh Long, tỉnh lộ 490C, Khu Di tích văn hoá Trần, bệnh viện 700 giường… Hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - kỹ thuật đô thị thành phố Nam Định và các thị trấn huyện lỵ đang từng bước được cải tạo, nâng cấp. Công tác quản lý và sử dụng vốn đầu tư cơ bản đảm bảo quy định của pháp luật. Nguồn vốn phục vụ phát triển sản xuất kinh doanh, huy động qua hệ thống ngân hàng tăng nhanh, ước năm 2010 đạt khoảng 11550 tỷ đồng (tăng gấp 3,2 lần so với năm 2005), tăng trưởng bình quân 26,4%/năm; dư nợ cho vay đạt khoảng 15186 tỷ đồng (tăng gấp 3,8 lần so với năm 2005), tăng trưởng bình quân 31,6%/năm.

Các vùng kinh tế của tỉnh tiếp tục được đầu tư phát triển:

Vùng kinh tế biển: Hiện toàn vùng có 4 cụm công nghiệp và khu công nghiệp tàu thuỷ, đã đóng và hạ thuỷ thành công tàu biển có tải trọng 12500 tấn. Sản xuất thuỷ sản tăng trưởng khá cả về nuôi trồng, đánh bắt và chế biến. Đến nay, tỉnh đã đầu tư xây dựng một số cơ sở sản xuất giống, đáp ứng 70% nhu cầu về giống thủy sản, đã đưa vào sử dụng cảng cá và neo đậu tàu thuyền Ninh Cơ. Tiếp tục đầu tư hạ tầng và cơ sở kinh doanh du lịch tại các khu du lịch biển Thịnh Long, Quất Lâm, Vườn quốc gia Xuân Thuỷ, bước đầu hình thành một số tour du lịch ven biển. Đến nay, đã hoàn thành một số công trình kết cấu hạ tầng quan trọng: Kiên cố hoá hơn 30km đê biển, 25 kè và một số tuyến đường cứu hộ… vùng kinh tế biển đạt 21,5% GDP toàn tỉnh và 9,4% giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh.

Vùng sản xuất nông nghiệp: Có bước phát triển toàn diện, đa dạng hoá sản phẩm, tập trung thâm canh cây lương thực, phát triển cây vụ đông, vật nuôi có giá trị kinh tế cao. Sản xuất TTCN, làng nghề có bước phát triển mạnh… Vùng kinh tế nông nghiệp đã đạt 35,1% GDP toàn tỉnh và 36,6% giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh.

Trung tâm công nghiệp - dịch vụ thành phố Nam Định: Trong 5 năm qua đã được đầu tư phát triển theo Quyết định 109 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án xây dựng thành phố Nam Định thành trung tâm vùng Nam Đồng bằng sông Hồng và Nghị quyết 05 của Tỉnh uỷ. Công nghiệp trong vùng phát triển nhanh, cơ sở hạ tầng đô thị tiếp tục được đầu tư… Xây dựng và triển khai các đề án phát triển các lĩnh vực kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, quy hoạch xây dựng chung…

(Còn nữa)
P.V
Theo dự thảo báo cáo chính trị của BCH Đảng bộ tỉnh Nam Định
trình Đại hội đại biểu lần thứ XVIII (nhiệm kỳ 2010-2015)


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com