Tiếp tục đổi mới quản lý và nâng cao chất lượng giáo dục

09:09, 03/09/2010

 (Đồng chí Nguyễn Văn Tuấn, Giám đốc Sở GD-ĐTtrả lời phỏng vấn Báo Nam Định về những giải pháp thực hiện nhiệm vụ, mục tiêu năm học 2010-2011)

PV: Xin đồng chí cho biết nhiệm vụ trọng tâm và giải pháp thực hiện mục tiêu năm học 2010-2011?

Đồng chí Nguyễn Văn Tuấn: Tại hội nghị tổng kết năm học 2009-2010, triển khai nhiệm vụ năm học mới, Sở GD-ĐT đã đề ra những nhiệm vụ chung và 5 nhiệm vụ trọng tâm của năm học 2010-2011. Với chủ đề năm học là "Tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục'', Sở GD-ĐT đã tập trung chỉ đạo quyết liệt vào từng nhiệm vụ cụ thể, trong đó bắt đầu từ việc chăm lo, đầu tư phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, lấy Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh'' làm kim chỉ nam xuyên suốt quá trình bồi dưỡng phẩm chất và đạo đức nhà giáo. Đối với ngành giáo dục, "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh'' phải được cụ thể hóa bằng việc thực hiện tốt cuộc vận động "Mỗi thầy giáo, cô giáo là tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo'', thể hiện tinh thần trách nhiệm, tận tụy, chăm lo đến việc giáo dục học sinh. Muốn làm tốt điều này, mỗi giáo viên phải thấu hiểu hoàn cảnh, điều kiện của từng học sinh để chăm lo, động viên, giúp cho mỗi học sinh khi đến trường luôn cảm thấy mình được tôn trọng, được quan tâm, tạo điều kiện để học tập, phấn đấu vươn lên. Bên cạnh đó, đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý phải có tinh thần tự học. Các phòng chuyên môn phải chỉ đạo chặt chẽ, yêu cầu từng nhà trường, từng bộ phận quản lý và từng giáo viên trong năm học này phải đăng ký chuyên đề tự học và được tính vào điểm thi đua nhằm bảo đảm thiết thực việc "tự học'' của mỗi đơn vị, cá nhân. Sở GD-ĐT đã quan tâm, trang bị cho các trường hệ thống nối mạng internet, sắp tới sẽ đầu tư xây dựng thư viện điện tử, trước hết là cho các trường THPT đạt chuẩn quốc gia để tạo điều kiện cho cán bộ, giáo viên tra cứu tài liệu phục vụ việc giảng dạy, học tập, đồng thời, tiếp tục tạo điều kiện cho cán bộ, giáo viên trẻ đi học cao học, nghiên cứu sinh, phấn đấu từ nay đến năm 2015-2020, lãnh đạo sở và lãnh đạo một số phòng chuyên môn của sở sẽ có trình độ tiến sỹ, nhiều cán bộ, giáo viên có trình độ thạc sỹ trở lên. Một vấn đề nữa mà ngành quan tâm, đó là công tác chuyên môn. Hiện tại, các trường đạt chuẩn quốc gia, trường học thân thiện học sinh tích cực, trường xanh - sạch - đẹp - an toàn đã hội tụ rất đầy đủ các điều kiện để nâng cao chất lượng giáo dục. Sở GD-ĐT đã chỉ đạo rất tích cực các phòng giáo dục tự đánh giá các trường trên địa bàn phụ trách theo các tiêu chuẩn; trên cơ sở đó, tham mưu với chính quyền địa phương để chăm lo, đầu tư đến các mục tiêu đạt chuẩn nhằm từng bước nâng cao chất lượng giáo dục ở các nhà trường. Trong việc "Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực'', ngành chỉ đạo các nhà trường quan tâm hơn nữa đến kỹ năng sống cho học sinh, trong đó tập trung vào việc giúp học sinh biết chia sẻ, giáo dục cho học sinh biết hợp tác, biết sống vì cộng đồng… Năm học này, quyết tâm của ngành còn tập trung vào việc làm chuyển biến việc dạy và học tin học, ngoại ngữ trong các nhà trường; chỉ đạo và hướng dẫn các phòng giáo dục thực hiện Nghị quyết 141/2010/NQ-HĐND tỉnh về thực hiện Đề án phát triển giáo dục mầm non đến năm 2015. Trước mắt tham mưu, chỉ đạo các địa phương chuyển đổi 237 trường mầm non bán công sang công lập và tham gia hỗ trợ về chế độ chính sách cho giáo viên mầm non ngoài biên chế, giáo viên không đạt chuẩn được hưởng hệ số 0,6, giáo viên có trình độ trung cấp hưởng 0,8, cao đẳng hưởng 1,0, giáo viên đại học hưởng 1,2 so với mức lương tối thiểu và được nhà nước hỗ trợ đóng BHXH, BHYT. Đồng thời, hướng dẫn các phòng giáo dục, các nhà trường có kế hoạch để tuyển vào biên chế nhà nước đối với cán bộ, giáo viên mầm non, bảo đảm sự công bằng, khách quan và công khai.

Giáo viên Trường THCS thị trấn Cổ Lễ (Trực Ninh) - trường đạt chuẩn Quốc gia giai đoạn 2 chuẩn bị đồ dùng giảng dạy cho năm học mới 2010-2011.  Ảnh: Dương Đức
Giáo viên Trường THCS thị trấn Cổ Lễ (Trực Ninh) - trường đạt chuẩn Quốc gia giai đoạn 2 chuẩn bị đồ dùng giảng dạy cho năm học mới 2010-2011.
\Ảnh: Dương Đức

PV: Xin đồng chí cho biết công tác chuẩn bị cho năm học mới ở tỉnh ta và năm học này, ngành sẽ tập trung vào những công việc gì?

Đồng chí Nguyễn Văn Tuấn: Chuẩn bị cho năm học mới 2010-2011, ngoài những công việc thường xuyên chuẩn bị cho ngày khai giảng, ngành đã tổ chức các lớp tập huấn cho đội ngũ cán bộ quản lý, tổ trưởng chuyên môn, giáo viên cốt cán ở tất cả các cấp học nhằm nâng cao trình độ quản lý, trình độ chuyên môn và những định hướng lớn của ngành. Trên cơ sở đó, bước vào năm học mới, các nhà trường hoàn toàn chủ động trong việc xây dựng kế hoạch triển khai suốt trong năm học, không bị động trong bất kỳ công việc nào. Bên cạnh đó, Sở GD-ĐT đã chỉ đạo các công tác trọng tâm của ngành đến từng tháng trong năm học, tạo cho cán bộ quản lý các nhà trường trong các cấp học dựa trên các chủ trương lớn đó có định hướng rõ và phù hợp, mang tính khả thi đối với từng trường. Cụ thể như tháng 9, ngành tập trung chỉ đạo các nhà trường ổn định về nền nếp, kỷ cương, chuyên môn, các tổ chức đoàn thể và các hoạt động. Tháng 10 tập trung chỉ đạo, hướng dẫn học sinh phương pháp học tập ở trường, học tập ở nhà và tham gia các hoạt động, để từ đó các em có thể chủ động trong mọi hoạt động học tập và sinh hoạt xuyên suốt cả năm học. Đối với đội ngũ giáo viên, đây là tháng bắt đầu đăng ký việc tự học nhằm không ngừng nâng cao chất lượng giờ lên lớp. Tháng 11, Sở GD-ĐT cũng như tất cả các phòng giáo dục, các nhà trường đi vào đánh giá, tổ chức các hoạt động như hội học, hội giảng, đánh giá kết quả dạy và học trong tám tuần… Ngay từ trong hè, Sở GD-ĐT đã làm việc trực tiếp với các phòng giáo dục để nắm tình hình và biết được sự quan tâm của các huyện, thành phố đối với giáo dục của địa phương. Mặt khác, cũng thông qua các phòng giáo dục, tạo sự phối hợp giữa ngành và các cấp chính quyền ở các địa phương trong công tác quản lý và chỉ đạo phong trào giáo dục. Năm học này ở các địa phương có thêm hàng trăm phòng học mới được xây dựng theo hướng đạt chuẩn quốc gia ở các cấp học. Trước ngày học sinh tựu trường chuẩn bị ôn tập trong hè, Sở GD-ĐT cũng đã chỉ đạo các nhà trường tăng cường cơ sở vật chất đáp ứng nhu cầu dạy và học trong năm học mới, trong đó quan tâm đến đầu tư, mua sắm bàn ghế ngồi học của học sinh phù hợp với đổi mới phương pháp dạy và học trong năm học này và các năm tiếp theo. Năm học này, ngành GD-ĐT đặc biệt quan tâm đến việc dạy và học môn Ngoại ngữ và Tin học, trong đó những trường có điều kiện sẽ trang bị phòng học nghe nhìn, hoặc ít nhất phải có cát-sét và băng đĩa để nghe, học. Đối với các phòng học vi tính, sẽ được tăng cường máy vi tính đủ số lượng và phòng học bảo đảm độ an toàn và chất lượng. Đến thời điểm này, Sở GD-ĐT đã tiến hành xong việc rà soát đội ngũ và làm tốt việc tuyển chọn những sinh viên sư phạm có chất lượng mới ra trường. Coi trọng việc tuyển sinh viên của các trường đại học có uy tín, chất lượng như Đại học Sư phạm Hà Nội I, Đại học Sư phạm Hà Nội II, Đại học Quốc gia. Những giáo viên này sẽ nhận nhiệm vụ ở các trường mới ngay từ đầu năm học để hòa nhập ngay cùng với những hoạt động dạy và học của nhà trường, kịp thời khắc phục tình trạng thiếu giáo viên… Đến nay, toàn ngành chuẩn bị cho năm học mới với tinh thần tích cực, chủ động, quyết tâm bảo đảm thắng lợi nhiệm vụ năm học.

Dưới sự chỉ đạo của Bộ GD-ĐT, sự lãnh đạo trực tiếp của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, ngành GD-ĐT tỉnh tiếp tục phấn đấu, quyết tâm phát huy truyền thống "đất học'' và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, giữ vững là một trong những đơn vị dẫn đầu toàn quốc về GD-ĐT.

PV: Xin cảm ơn đồng chí!

Hồng Minh (thực hiện)



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com