LTS: Hướng tới kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, từ số này, Báo Nam Định giới thiệu khái quát một số nét về những chặng đường lịch sử và một số giá trị tiêu biểu của nền văn hiến Thăng Long - Hà Nội.
Thời kỳ tiền Thăng Long
… Thời Hùng Vương, kinh đô đặt ở Văn Lang, vùng đất Thăng Long - Hà Nội lúc đó là một làng quê. Khoảng thế kỷ III trước Công nguyên, Thục Phán (An Dương Vương) thay thế vua Hùng dựng nước Âu Lạc, dời đô xuống miền Cổ Loa. Kinh đô Cổ Loa đi vào lịch sử với tư cách là kinh thành, thị thành, quân thành, trung tâm đầu não chính trị, kinh tế của nước Âu Lạc. Năm 179 trước Công nguyên, nước Âu Lạc bị Triệu Đà thôn tính. Kể từ đó, Âu Lạc rơi vào ách thống trị của các triều đại phong kiến phương Bắc kéo dài ngàn năm, vùng đất Thăng Long - Hà Nội trở thành đại bản doanh của chính quyền đô hộ. Nửa sau thế kỷ VIII, Kinh lược sứ nhà Đường là Trương Bá Nghi tổ chức đắp La Thành. Năm 865-866, Tiết độ sứ Cao Biền cho đắp đê thành Đại La. Đặc trưng thành Đại La thời Bắc thuộc là quan, quân, dân chúng ở trong một vòng đê ngoài, mang tính chất quân sự, thiếu quy mô sinh hoạt kinh tế, văn hoá của các tầng lớp nhân dân.
Ảnh: Internet |
Trong hơn mười thế kỷ Bắc thuộc, nhân dân Thăng Long - Hà Nội luôn bất khuất, quật cường khởi nghĩa chống quân xâm lược. Năm 40, Hai Bà Trưng phất cờ khởi nghĩa ở Hát Môn đập tan ách đô hộ của nhà Hán, xây dựng kinh đô ở Mê Linh, khôi phục Nhà nước độc lập. Năm 542-544, Lý Bí hào trưởng Thái Bình (vùng Sơn Tây cũ), dấy binh đánh đuổi giặc Lương, lên ngôi hoàng đế, chọn đất dựng chùa "Khai Quốc", đóng đô ở vùng đất thuộc Thăng Long - Hà Nội (ngày nay), đặt quốc hiệu của nước là Vạn Xuân. Khoảng năm 766-779, Phùng Hưng thủ lĩnh vùng Đường Lâm khởi binh kéo đại quân từ vùng núi Ba Vì về bao vây thành Đại La, lật đổ ách đô hộ nhà Đường, xây dựng chính quyền độc lập tới năm 791. Năm 905, Khúc Thừa Dụ, hào trưởng đất Hồng Châu nổi dậy chiếm giữ phủ thành Đại La, tự lập làm Tiết độ sứ, xoá bỏ chính quyền đô hộ. Năm 931, hào trưởng Dương Đình Nghệ tiến quân từ Ái Châu (Thanh Hoá) ra Bắc, đánh đuổi quân xâm lược ra khỏi thành Đại La, khôi phục nền tự chủ từ năm 931 đến năm 937.
Thời tiền Thăng Long, các bậc đế vương của nước ta, như: An Dương Vương, Hai Bà Trưng, Lý Nam Đế, Ngô Quyền đã chọn đất thuộc vùng Thăng Long - Hà Nội để đóng đô, xây dựng nền độc lập…
Thăng Long thời Lý (1010-1225)
Năm 1010, ngay sau khi lên ngôi, Lý Công Uẩn quyết định dời đô từ Hoa Lư (Ninh Bình) ra thành Đại La, đổi tên thành Đại La là thành Thăng Long. Chọn Thăng Long làm kinh đô, Lý Công Uẩn đã đứng trên "chủ thuyết phát triển" và cái nhìn toàn cục của quốc gia để chọn lấy một dải đất đắc địa bậc nhất của nước Đại Cồ Việt xây dựng trung tâm đầu não về chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, thể hiện cao độ ý chí độc lập, tự cường dân tộc.
Thời Lý kinh đô Thăng Long được xây dựng theo kiến trúc "Tam trùng thành quách" 3 vòng thành lồng nhau. Vòng thành ngoài gọi là thành Đại La. Vòng thành giữa gọi là Hoàng Thành, nơi có các cung điện hoàng gia và nơi thiết triều của vua. Kinh thành được bao bọc bởi một toà thành bằng đất phát triển từ đê của 3 con sông: sông Hồng ở phía Đông, sông Tô ở phía Bắc và phía Tây, sông Kim Ngưu ở phía Nam. Nét nổi bật của kinh thành Thăng Long thời Lý là tận dụng tối đa những điều kiện tự nhiên và tạo ra sự hài hoà với kiến trúc nhân tạo. Dấu ấn Thăng Long thời kỳ này còn được lưu lại ở nhiều công trình kiến trúc đặc sắc, như: đền Đồng Cổ xây dựng năm 1028, chùa Diên Hựu (chùa Một Cột - 1049), tháp Báo Thiên (1057). Trong công trình "Thăng Long tứ trấn", nhà Lý xây dựng hoàn chỉnh ba trấn là: quán Trấn Vũ, đền Bạch Mã, đền Voi Phục… Năm 1070, nhà Lý lập Văn Miếu; năm 1075, mở khoa thi Nho học đầu tiên; năm 1076, tuyển những văn quan có học vào tu nghiệp ở Quốc Tử Giám. Trong công cuộc phục hưng nền độc lập, nhà Lý đã đặt viên gạch đầu tiên để xây dựng nền tảng sự nghiệp văn hoá, giáo dục, đặt nền tảng cho nền giáo dục đại học và nhiều ngành khoa học của nước nhà, mở ra kỷ nguyên văn minh Đại Việt. Vào giai đoạn thịnh đạt của nhà Lý, kinh đô Thăng Long đã thực sự trở thành một trung tâm chính trị - kinh tế, văn hoá lớn nhất và tiêu biểu cho cả nước…
PV
(Theo tài liệu tuyên truyền của Ban Tuyên giáo Trung ương)