Có thể chưa một lần đặt chân đến nhưng nhắc tới Quảng trường Ba Đình mỗi người Việt Nam đều cảm thấy sự gần gũi, thiêng liêng… Nhưng ai là người đặt tên Ba Đình cho vườn hoa nơi đây không nhiều người biết.
Quảng trường Ba Đình |
Trần Văn Lai sinh ra trong một gia đình có truyền thống làm nghề khảm trai, nhưng ông lại học y để trở thành bác sĩ. Sớm có tư tưởng chống Pháp, đang làm việc ở Bệnh viện Phủ Doãn (nay là Bệnh viện Việt - Đức), ông bị thực dân đày lên nhà tù Sơn La. Sau ngày Nhật đảo chính Pháp, chính phủ do Trần Trọng Kim làm Thủ tướng khi ấy đã mời ông giữ chức Đốc lý Hà Nội. Ông chính thức làm Thị trưởng Hà Nội từ ngày 20-7-1945. Vừa nhận chức, ông đã thể hiện ngay tư tưởng yêu nước của mình bằng việc cho phá bỏ tất cả những pho tượng mà trước đó Pháp đã cho dựng ở Thủ đô (ví như tượng Toàn quyền Đông Dương Paul Bert ở Bờ Hồ, tượng "mụ đầm xoè" ở vườn hoa Cửa Nam…). Trần Văn Lai còn cho đổi tên rất nhiều phố, không để tên tây như trước mà thay bằng tên các vị anh hùng của dân tộc (phố F.Ganier thành Đinh Tiên Hoàng, Boulevard Carnot thành Phan Đình Phùng, Henri D Orleans thành Phùng Hưng, Boulevard Gambetta thành Trần Hưng Đạo…). Những tên phố gắn liền với các làng nghề truyền thống bắt đầu bằng chữ Hàng cũng được ông cho phục hồi để thay thế các tên Tây (Hàng Đào, Hàng Ngang, Hàng Gai, Hàng Vải...).
Trong số các vườn hoa được đổi tên và đặt tên, có vườn hoa trước Phủ Toàn quyền (nay là Phủ Chủ tịch), ông đã đặt tên là vườn hoa Ba Đình, để ghi nhớ cuộc khởi nghĩa Ba Đình với dấu tích chói lọi về tinh thần yêu nước nồng nàn của dân tộc.
Sau ngày toàn quốc kháng chiến (19-12-1946), thấy bác sĩ Lai không đi tản cư, chính quyền thực dân Pháp đã mời ông cộng tác nhưng ông kiên quyết từ chối, tỏ thái độ ủng hộ Việt Minh, ủng hộ Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ông đã có nhiều việc làm thiết thực ủng hộ kháng chiến, trong đó có việc cho đứa con trai cũng là bác sĩ lên chiến khu chữa bệnh cho bộ đội và cán bộ nhân dân. Bất cứ ở đâu, ông cũng một lòng một dạ hướng về kháng chiến, ra sức tuyên truyền cho kháng chiến... Bởi vậy, sau ngày thủ đô giải phóng (10-10-1954), ông cùng 3 nhân sĩ ở Hà Nội được Bác Hồ tặng quà (1 chiếc ra đi ô, khi ấy là vật dụng vô cùng quý giá, không dễ có). Bất hợp tác với Tây nhưng khi chính quyền Dân chủ nhân dân đặt vấn đề, ông hào hứng nhận lời làm việc. Ông được Hồ Chủ tịch và Chính phủ cắt cử giữ chức Thứ trưởng Bộ Thương binh - Xã hội, rồi sau đó là Chủ tịch Ủy ban hành chính thành phố Hà Nội.
Vườn hoa Ba Đình ở thủ đô Hà Nội trước đó không có tên, đã được bác sĩ Trần Văn Lai (khi đó là Đốc lý Hà Nội) đặt tên Ba Đình từ sau ngày 9-3-1945 - dấu mốc quan trọng trong lịch sử Hà Nội: Nhật đảo chính Pháp, lập chính phủ Trần Trọng Kim. Việc đặt tên vườn hoa này nằm trong kế hoạch thay đổi hàng loạt tên phố và phá bỏ những tượng đài thực dân Pháp xây trước đó. Chủ trương của ông là tuyên truyền giáo dục, hun đúc tư tưởng yêu nước, tự hào dân tộc, bài Tây cho mỗi người dân Việt Nam.
Nhiều đường phố của Hà Nội hôm nay mang tên các anh hùng dân tộc trong quá khứ và các làng nghề truyền thống của xứ kinh kỳ. Những công viên, vườn hoa cũng mang tên Việt Nam thay thế tên Tây ngày trước là do công của bác sĩ Trần Văn Lai. Đặc biệt, vườn hoa Ba Đình - nơi diễn ra sự kiện lịch sử trọng đại của dân tộc (Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập trước quốc dân đồng bào ngày 2-9-1945, khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hoà) cũng mang dấu ấn công đức của người bác sĩ yêu nước này.
Bác sĩ, Đốc lý Trần Văn Lai - một nhân sĩ yêu nước chân chính, vị thị trưởng người Việt Nam đầu tiên của Hà Nội đã yên nghỉ cõi vĩnh hằng từ lâu, nhưng người dân Hà Nội thì mãi không quên ông với tình cảm quý trọng, cảm mến…
Hưng Nguyễn