Du lịch Nam Định xây dựng thương hiệu “điểm đến” để thu hút du khách

10:09, 10/09/2010

 

Ông Patrie (thứ nhất, bên trái), Giám đốc Cty lữ hành Quốc tế Greenlion (Hà Lan) đang khảo sát khu du lịch Đền Trần.  Ảnh: T.L
Ông Patrie (thứ nhất, bên trái), Giám đốc Cty lữ hành Quốc tế Greenlion (Hà Lan) đang khảo sát khu du lịch Đền Trần.
Ảnh: T.L

Tỉnh ta có tiềm năng du lịch đa dạng phong phú, có điều kiện trở thành một địa danh du lịch có sức thu hút lớn đối với du khách bởi nhiều loại hình du lịch: Du lịch sinh thái, du lịch biển, du lịch tham quan nghiên cứu tìm hiểu văn hoá dân gian, lễ hội…

Du lịch sinh thái gồm có du lịch vườn Quốc gia Xuân Thuỷ, du lịch làng nghề truyền thống hoa cây cảnh Vị Khê. Vườn Quốc gia Xuân Thuỷ, vùng đất ngập nước cửa sông Hồng đổ ra biển Đông với hệ sinh thái rừng ngập mặn, nơi dừng chân của các loài chim di chú đã được UNESCO công nhận là điểm Ramsar quốc tế đầu tiên của Việt Nam. Bên cạnh đó, với những bãi biển đã được khai thác, xây dựng thành các khu du lịch biển như bãi biển Thịnh Long (Hải Hậu), bãi biển Quất Lâm (Giao Thuỷ) là điều kiện cho tỉnh ta tăng cường khả năng khai thác các dịch vụ du lịch, đặc biệt là phát triển loại hình du lịch nghỉ dưỡng, tắm biển. Các di tích tiêu biểu của Văn hoá Trần trải rộng trên phạm vi các phường Lộc Vượng, Lộc Hạ (thành phố Nam Định) và một số xã Mỹ Thành, Mỹ Phúc, Mỹ Trung của huyện Mỹ Lộc với đền Thiên Trường, đền Cố Trạch, chùa tháp Phổ Minh, đền Bảo Lộc, đền thờ Thống quốc Thái sư Trần Thủ Độ, khu di tích Cao Đài, Đình Cả, chùa Đệ Tứ … còn lưu giữ khá nhiều hiện vật có giá trị về mặt lịch sử, văn hoá, nghệ thuật, kiến trúc và đang là cụm điểm du lịch văn hoá có sức hấp dẫn đối với du khách trong nước và quốc tế. Ngoài ra, với trên 100 lễ hội truyền thống được tổ chức hàng năm tại các điểm di tích lịch sử văn hoá ở địa phương đặc biệt là những lễ hội vùng như lễ hội Đền Trần, lễ hội chùa Cổ Lễ, lễ hội chùa Keo Hành Thiện, lễ hội Phủ Dầy… có sức lôi cuốn, hấp dẫn du khách, tạo ra các tour du lịch, góp phần tạo điều kiện để thúc đẩy việc phục vụ của hệ thống các nhà hàng, khách sạn, thúc đẩy sự phát triển của các làng nghề thủ công truyền thống chuyên sản xuất các sản phẩm du lịch…

Với những tiềm năng trên, những người làm công tác du lịch đang tích cực xây dựng thương hiệu "điểm đến" để quảng bá cho hình ảnh của du lịch Nam Định. Để xây dựng thương hiệu "điểm đến", ngành Văn hoá - Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) đã đề ra nhiều giải pháp nhằm đẩy mạnh du lịch phát triển. Phối hợp chặt chẽ với các ngành, các địa phương trong tỉnh triển khai công tác quy hoạch, đầu tư nâng cấp chất lượng các sản phẩm du lịch văn hoá mang nét đặc trưng của địa phương tại các quần thể di tích lịch sử văn hoá Phủ Dầy, Đền Trần chùa Tháp, đền Bảo Lộc, Khu lưu niệm Cố Tổng Bí thư Trường Chinh, làng nghề trồng hoa cây cảnh Vị Khê. Ngoài việc trùng tu, các di tích còn được đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, tôn tạo cảnh quan môi trường nhằm làm tăng tính hấp dẫn của sản phẩm du lịch văn hoá. Ngành VH-TT-DL tổ chức cho các doanh nghiệp kinh doanh lữ hành nội địa và quốc tế khảo sát các tuyến du lịch, kết nối các điểm tham quan du lịch văn hoá với các khu, điểm du lịch tự nhiên, sinh thái của tỉnh. Việc kết hợp các sản phẩm du lịch văn hoá với sản phẩm du lịch tự nhiên sinh thái sẽ làm phong phú thêm chương trình tham quan của du khách khi đến với Nam Định. Bên cạnh đó là việc hợp tác tổ chức các sự kiện du lịch văn hoá cấp vùng với chủ đề liên quan đến vương triều Trần, nhằm tuyên truyền quảng bá cho sản phẩm du lịch với điểm nhấn là lễ hội Trần tôn vinh Anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo diễn ra đúng vào dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Về công tác tổ chức các lễ hội trong năm, ngành chỉ đạo các địa phương tổ chức lễ hội theo quy chế của Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch. Phần lễ được tổ chức trang nghiêm, phần hội quan tâm phát triển các trò chơi dân gian (thả rồng bay, múa rồng, hoa trượng hội, cà kheo, thi địch lửa…) để xây dựng thương hiệu. Bên cạnh đó, ngành cũng quan tâm tới việc xây dựng thương hiệu "điểm đến" tại các khu, điểm du lịch; xây dựng thương hiệu của các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch và xây dựng thương hiệu sản phẩm của du lịch Nam Định (nhu cầu ăn, nghỉ, vui chơi giải trí, vận chuyển khách, các sản phẩm dịch vụ là hàng quà lưu niệm)... Ở tỉnh ta, một số mặt hàng như kẹo Sìu Châu, gạo tám Hải Hậu, chuối ngự, bánh gai… là những mặt hàng đã xây dựng được thương hiệu và được du khách ưa chuộng. Ngành cũng quan tâm tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ về du lịch cho CBCNV các khách sạn, nhà hàng tại thành phố Nam Định và hai khu du lịch biển Thịnh Long, Quất Lâm. Ngành cũng thường xuyên tuyên truyền, hướng dẫn, kiểm tra đôn đốc các khu, điểm du lịch, các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch thực hiện tốt công tác bảo đảm trật tự an ninh, vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, nhằm duy trì và nâng cao hình ảnh của các khu, điểm du lịch đối với du khách. Bên cạnh đó ngành tập trung tuyên truyền, quảng bá giới thiệu hình ảnh của du lịch Nam Định nói chung, hình ảnh các khu, điểm du lịch, các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch có uy tín, các sản phẩm du lịch có chất lượng nói riêng trên trang web dulichnamdinh.com.vn; trên các phương tiện thông tin đại chúng và thông qua các hội chợ triển lãm, liên hoan du lịch trong nước.

Với việc tích cực xây dựng thương hiệu "điểm đến", lượng khách du lịch đến với Nam Định ngày một tăng, lượng khách du lịch tăng bình quân 10%/năm. Đến hết năm 2010, ước tính có khoảng trên 1,6 triệu lượt khách đến các điểm tham quan du lịch của tỉnh. Doanh thu xã hội từ hoạt động du lịch tăng bình quân 15%/năm; năm 2010 ước đạt 165 tỷ đồng. Hoạt động du lịch phát triển đã góp phần quảng bá hình ảnh của Nam Định tới đông đảo bạn bè trong nước và quốc tế./.

Thu Trang



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com