Trong Nhật ký trong tù, Chủ tịch Hồ Chí Minh có bài thơ: Học đánh cờ. Bài thơ có đoạn: "Phải nhìn cho rộng, suy cho kỹ/ kiên quyết không ngừng thế tiến công/ lạc nước, hai xe đành bỏ phí/ gặp thời, một tốt cũng thành công". Đó là nhận thức đặc sắc của Người về thời cơ cách mạng.
Quảng trường 3-2, thành phố Nam Định.
Ảnh: PV
|
Quá trình lãnh đạo cách mạng từ năm 1930, Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhiều lần đề cập và dự báo thời cơ và kịp thời rút kinh nghiệm từ những sự kiện nổ ra khi chưa có thời cơ. Tháng 5-1941 tại Hội nghị Trung ương 8 ở Pác Bó - Cao Bằng, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự báo nhất định quân Đức sẽ tiến công Liên Xô và Liên Xô sẽ chiến thắng, đó là cơ hội để cách mạng nhiều nước nổ ra và thắng lợi. Trong bài thơ Lịch sử nước ta (2-1942) Người dự báo: Năm 1945 Việt Nam độc lập. Tháng 10-1944, trong Thư gửi đồng bào toàn quốc, Hồ Chí Minh nêu rõ: "Phe xâm lược gần đến ngày bị tiêu diệt. Các Đồng minh quốc sắp tranh được sự thắng lợi cuối cùng. Cơ hội cho dân tộc ta giải phóng chỉ ở trong một năm hoặc năm rưỡi nữa. Thời gian rất gấp. Ta phải làm nhanh"(1). Trong thư kêu gọi tổng khởi nghĩa (8-1945), Hồ Chí Minh nhận định: "Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc ta đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta"(2).
Thời cơ cách mạng là khi hội tụ đầy đủ những điều kiện chủ quan và khách quan để cách mạng nổ ra và bảo đảm giành thắng lợi. Thời cơ trong Cách mạng Tháng Tám xuất hiện ở nửa cuối tháng 8-1945. Một là, phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc, đặc biệt là cao trào kháng Nhật cứu nước từ tháng 3-1945 của dân tộc Việt Nam, diễn ra mạnh mẽ chưa từng có; cao trào đã tạo nên sức mạnh tổng hợp cả về chính trị và quân sự nhất là phong trào quần chúng ở miền núi, nông thôn, đồng bằng, đô thị trên khắp cả nước, phát triển và khẳng định thực lực to lớn của cách mạng. Lực lượng quần chúng được tập hợp, rèn luyện trong Mặt trận Việt Minh và các đoàn thể cứu quốc. Hai là, Đội tiền phong lãnh đạo cách mạng là Đảng Cộng sản thống nhất về ý chí và hành động, phát triển mạnh mẽ về tổ chức, nêu cao tinh thần trách nhiệm trước vận mệnh của dân tộc, chủ động đưa phong trào quần chúng đi tới cuộc tổng khởi nghĩa. Nghị quyết Hội nghị toàn quốc của Đảng ngày 14 và 15-8-1945 đề ra nguyên tắc chỉ đạo khởi nghĩa: tập trung, thống nhất, kịp thời, giành độc lập hoàn toàn và phải thắng lợi trước khi quân Đồng minh vào. Ba là, kẻ thù chính của cách mạng là quân Nhật và chính quyền phong kiến tay sai đã suy yếu và hoang mang cực điểm. Sau chiến thắng của Hồng quân Liên Xô và lực lượng Đồng minh đập tan phát-xít Đức (9-5-1945), ngày 8-8-1945 Liên Xô tuyên chiến với Nhật, quân đội Xô Viết cùng lực lượng Đồng minh và phong trào kháng chiến của các nước châu Á, trong đó có phong trào kháng Nhật của nhân dân Việt Nam đã tiến công quyết liệt buộc phát-xít Nhật phải đầu hàng (15-8-1945), đó là một cơ hội thuận lợi cho Cách mạng Tháng Tám nổ ra và giành thắng lợi.
Đảng Cộng sản, Mặt trận Việt Minh và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lãnh đạo toàn dân tộc, chớp đúng thời cơ giành độc lập hoàn toàn cho dân tộc. Khởi nghĩa nổ ra khi phát-xít Nhật đầu hàng và trước khi quân Đồng minh vào. Có những yếu tố thuận lợi từ hoàn cảnh quốc tế, song yếu tố quyết định hàng đầu là thực lực cách mạng và sức mạnh đoàn kết của toàn dân tộc và sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Bài học về thời cơ trong Cách mạng Tháng Tám có ý nghĩa sâu sắc về lý luận và thực tiễn đối với các thời kỳ cách mạng tiếp theo, nhất là đối với công cuộc đổi mới hiện nay. Cơ hội cho sự phát triển đất nước hiện nay rất rõ ràng và hiện thực.
Chưa bao giờ thế và lực của đất nước lớn mạnh và có điều kiện phát triển nhanh như hiện nay. Là kết quả của sự phát triển qua nhiều thời kỳ, đặc biệt là thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của gần 25 năm đổi mới đã tạo nên thế và lực mới cho đất nước. Chế độ chính trị, xã hội ổn định, sức mạnh quốc phòng, an ninh được tăng cường. Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa phát triển, tăng trưởng khá. Đất nước đã ra khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội năm 1996 và vượt qua những thách thức của khủng hoảng tài chính, tiền tệ khu vực châu Á những năm 1997-1999, của khủng hoảng và suy thoái kinh tế toàn cầu 2007-2009. Nội lực đất nước rất to lớn (tài nguyên, đất đai, rừng, biển, sức lao động). Kinh tế nông nghiệp, kinh tế biển là thế mạnh. Dân số đang ở thời kỳ dân số vàng. Kết quả điều tra dân số ngày 1-4-2009 Việt Nam cho thấy, có gần 86 triệu người, trong đó có hơn 40 triệu lao động trẻ, khỏe, nếu được đào tạo tạo nên nguồn nhân lực có trình độ cao sẽ tạo nên sức phát triển to lớn cho đất nước. Năm 2008, Việt Nam đạt thu nhập đầu người trên 1.000 USD vượt qua ngưỡng của nước nghèo, kém phát triển là cơ hội tốt để phát triển nhanh để có thu nhập 2.000 USD vào năm 2015, 3.000 USD vào năm 2020. Cơ sở vật chất, kỹ thuật, kết cấu hạ tầng của đất nước không ngừng phát triển bảo đảm cho sự phát triển nhanh và vững chắc của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Cũng như trong Cách mạng Tháng Tám và các thời kỳ cách mạng trước đây, trong công cuộc đổi mới, Đảng Cộng sản Việt Nam không ngừng được xây dựng và chỉnh đốn, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu thể hiện trong trình độ tư duy lý luận, vận dụng đúng đắn các quy luật khách quan để đề ra Cương lĩnh, đường lối thích hợp, tăng cường sức mạnh tổ chức, kỷ luật và năng lực tổ chức thực tiễn. Đảng Cộng sản Việt Nam cầm quyền thông qua việc phát huy ngày càng tốt hơn quyền làm chủ của nhân dân và nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, thông qua nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa không ngừng được củng cố và hoàn thiện. Sự lãnh đạo và cầm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam được nhân dân, xã hội thừa nhận, ủng hộ, được thể chế trong Hiến pháp và pháp luật và được bạn bè quốc tế đánh giá cao. Hiện nay, đã tiến hành xong Đại hội Đảng bộ cấp cơ sở, đang tiến hành Đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu Đảng toàn quốc lần thứ XI vào đầu năm 2011. Đại hội XI có ý nghĩa trọng đại, đề ra đường lối tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, phát huy sức mạnh toàn dân tộc, đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, tạo tiền đề vững chắc để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại.
Sự nghiệp đổi mới ở Việt Nam diễn ra trong bối cảnh quốc tế tuy vẫn còn những khó khăn, thách thức và diễn biến khó lường, song Đảng Cộng sản và Nhà nước Việt Nam đã tranh thủ tối đa những cơ hội thuận lợi, vượt qua mọi thách thức, phát triển đất nước. Đó là thành tựu nhiều mặt của cuộc cách mạng khoa học, công nghệ trên thế giới. Đó là thời kỳ chấm dứt chiến tranh lạnh, đối thoại thay cho đối đầu, là quá trình toàn cầu hóa, hợp tác và hội nhập quốc tế. Đảng và Nhà nước Việt Nam đã và đang thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển, chính sách đối ngoại đa phương hóa, đa dạng hóa các quan hệ quốc tế; chủ động và tích cực hội nhập kinh tế quốc tế, đồng thời mở rộng hợp tác quốc tế trên các lĩnh vực khác. Việt Nam là bạn, đối tác tin cậy của các nước, là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, tham gia tích cực vào tiến trình hợp tác quốc tế và khu vực.
Cũng như trong Cách mạng Tháng Tám, công cuộc đổi mới hiện nay đòi hỏi phát huy cao độ nội lực, đồng thời ra sức tranh thủ ngoại lực, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại. Đó là một trong những bài học quyết định thành công./.