Nhiệm kỳ 2005-2010, trong điều kiện còn nhiều khó khăn, thách thức do ảnh hưởng của suy giảm kinh tế thế giới tác động trực tiếp đến nền kinh tế đất nước nhưng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố Nam Định đã đoàn kết vượt qua khó khăn, kế thừa những kết quả đạt được của các nhiệm kỳ trước, nỗ lực phấn đấu vươn lên thực hiện thắng lợi nghị quyết đại hội Đảng bộ thành phố Nam Định lần thứ XIV. Đến nay hầu hết các chỉ tiêu được xác định trong nghị quyết đại hội thành phố (nhiệm kỳ 2005-2010), cơ bản đã hoàn thành, trong đó nhiều chỉ tiêu đạt và vượt khá cao. Có thể khẳng định: 5 năm thực hiện nghị quyết đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XIV, thành phố Nam Định tiếp tục đạt được nhiều thành quả quan trọng trên tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng, xây dựng Đảng..., góp phần làm cho diện mạo thành phố từng bước đổi thay, tạo đà tăng trưởng cho những năm tới. Hệ thống chính trị từ thành phố đến cơ sở đã phát huy được vai trò là hạt nhân lãnh đạo, quản lý toàn diện các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội. Thành công đại hội nhiệm kỳ cấp cơ sở của Đảng bộ thành phố vừa qua đã khẳng định chất lượng và kết quả trong công tác xây dựng Đảng, kiện toàn hệ thống chính trị của Đảng bộ thành phố đã tích luỹ được trong 5 năm qua. Về kinh tế, thành phố có bước phát triển mới toàn diện và đạt kết quả tốt. Tốc độ tăng trưởng kinh tế được duy trì ở mức cao, đạt bình quân 13,11%/năm. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, trong đó công nghiệp xây dựng vẫn là ngành chủ lực đạt tỷ trọng 56,47%, dịch vụ 42,22%; tỷ trọng nông nghiệp giảm còn 1,3% trong cơ cấu kinh tế chung. Mặc dù phải ứng phó với ảnh hưởng của suy giảm kinh tế thế giới, nhưng sản xuất công nghiệp của thành phố 5 năm qua vẫn giữ được nhịp độ tăng trưởng khá. Giá trị sản xuất công nghiệp tăng bình quân 26,32%, tăng 8,06% so với 5 năm trước, chiếm tỷ trọng 54,1% giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh. Khu công nghiệp Hoà Xá, cụm công nghiệp An Xá... đã thu hút nhiều doanh nghiệp đầu tư, cùng với các doanh nghiệp và thành phần kinh tế khác trên địa bàn vừa bảo đảm sản xuất vừa thu hút trên 50 nghìn lao động ở các loại hình sản xuất. Bốn ngành công nghiệp đạt tỷ trọng khá cao là: Cơ khí - điện; dệt - may; hoá chất - nhựa và chế biến nông sản thực phẩm. Ngoài ra các lĩnh vực kinh tế khác như: Thương mại, dịch vụ, xuất khẩu đã có bước phát triển nhanh, đa dạng và đã được quan tâm trong chiến lược phát triển kinh tế của thành phố. Sản xuất nông nghiệp phát triển theo hướng sản xuất hàng hoá, nên mặc dù diện tích đất nông nghiệp giảm do quá trình đô thị hoá, công nghiệp hoá, nhưng giá trị sản xuất nông nghiệp vẫn tăng, bình quân 3,55%. Kinh tế phát triển, tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn thành phố tăng bình quân 22%/năm. Công tác quản lý đô thị, quản lý đất đai, quy hoạch bảo vệ môi trường, xây dựng và phát triển hạ tầng kinh tế - kỹ thuật đô thị… có nhiều tiến bộ. Năm năm qua, tổng nguồn vốn đầu tư phát triển trên địa bàn thành phố đạt 20678 tỷ đồng, tăng 12,7% so với nhiệm kỳ trước. Cùng với phát triển kinh tế, lĩnh vực văn hoá, xã hội đã đạt nhiều kết quả xuất sắc. GD-ĐT phát triển cả về quy mô, số lượng và chất lượng, cũng như đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị. Thành phố vẫn duy trì là đơn vị dẫn đầu toàn tỉnh về thành tích học sinh giỏi và chất lượng giáo dục toàn diện. Công tác y tế cơ bản đáp ứng được yêu cầu chăm sóc, bảo vệ sức khoẻ nhân dân. Nét nổi bật trong công tác văn hoá - xã hội là duy trì, giữ vững bản sắc văn hoá và các giá trị truyền thống trong quá trình thành phố phát triển và hội nhập. Thực hiện có hiệu quả phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá. Đến nay đã có 40 đơn vị đạt danh hiệu văn hoá cấp tỉnh, trên 300 đơn vị và 51 nghìn hộ gia đình đạt danh hiệu văn hoá cấp thành phố. Công tác quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội đạt nhiều thành tích, góp phần xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân vững chắc… Đến nay, đời sống của nhân dân thành phố ổn định, từng bước được nâng cao. Thu nhập bình quân đầu người từ 12,68 triệu đồng năm 2006, tăng lên 22,5 triệu đồng năm 2009, phấn đấu đạt 25 triệu đồng năm 2010. Bộ mặt đô thị, nông thôn của thành phố ngày càng khởi sắc, lòng tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước ngày càng được củng cố…
THÀNH PHỐ NAM ĐỊNH TRONG CÔNG CUỘC ĐỔI MỚI.
Ảnh: Đức Hoa
|
Thành quả đạt được của thành phố Nam Định nhiệm kỳ qua có nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân trước hết đó là niềm tin của nhân dân thành phố đối với những thành tựu đã đạt được trong gần 25 năm đổi mới, đã tạo môi trường thuận lợi trong quá trình xây dựng và phát triển thành phố. Đặc biệt là từ khi thành phố được Đảng, Chính phủ định hướng đến năm 2020 phát triển thành trung tâm vùng Nam Đồng bằng Sông Hồng. Kết quả đó là do có sự quan tâm chỉ đạo, lãnh đạo trực tiếp của Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh, sự phối hợp có hiệu quả của các ngành, các địa phương trong toàn tỉnh. Đó cũng là kết quả của tinh thần đoàn kết, chủ động, sáng tạo từng bước đổi mới để phát triển của Đảng bộ, quân và dân thành phố. Bên cạnh đó, thực tiễn cho thấy có một nguyên nhân quan trọng góp phần vào sự nghiệp phát triển và đổi mới của thành phố trong những năm qua là yếu tố con người, là nguồn lực cán bộ…
Nhiệm kỳ 2010-2015, Đảng bộ và nhân dân thành phố Nam Định tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở Đảng, đoàn kết huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân, phát huy tối đa các nguồn lực, đặc biệt là yếu tố con người để phát triển kinh tế với tốc độ cao, bền vững. Giải quyết tốt các vấn đề văn hoá xã hội thời kỳ hội nhập. Củng cố vững chắc thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, giữ vững ổn định chính trị trong mọi tình huống tạo môi trường thuận lợi để phát triển. Mục tiêu của thành phố là phấn đấu trở thành đô thị loại I trực thuộc tỉnh trước năm 2015, từng bước đầu tư xây dựng thành phố trở thành Trung tâm vùng Nam Đồng bằng Sông Hồng. Theo đó, thành phố phấn đấu đạt mức tăng trưởng (GDP) bình quân hàng năm từ 14,5% trở lên, trong đó công nghiệp tăng 27%, dịch vụ tăng 13%, nông nghiệp tăng 1,5%, giá trị xuất khẩu tăng 10%. Giá trị tăng thêm bình quân đầu người (GDP) đạt 32 triệu đồng/năm. Tỷ trọng cơ cấu kinh tế của thành phố đến năm 2015 sẽ là: công nghiệp - xây dựng 57,5%; dịch vụ 42%, nông nghiệp 0,5%. Phấn đấu huy động và thu hút các nguồn vốn đầu tư phát triển sẽ là 30 nghìn tỷ đồng. Tập trung xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh, bảo đảm 90% trở lên các tổ chức cơ sở Đảng đạt trong sạch vững mạnh... Phát triển các hoạt động văn hoá, xã hội xứng đáng là vị trí trung tâm kinh tế - xã hội của tỉnh. Phấn đấu 50% số trường đạt chuẩn quốc gia do thành phố quản lý; 100% số xã, phường đạt chuẩn quốc gia về y tế. Giải quyết việc làm cho từ 5 đến 6 nghìn lao động/năm... Để đạt được các chỉ tiêu đề ra, thành phố thực hiện tốt các giải pháp về phát triển kinh tế công nghiệp, rà soát, bổ sung quy hoạch phát triển công nghiệp, chú ý phát triển các ngành và sản phẩm cụ thể theo hướng phát huy tiềm năng, nội lực. Đẩy mạnh việc xây dựng cơ sở hạ tầng và quảng bá đầu tư vào các lĩnh vực kinh tế - xã hội. Tiếp tục xây dựng thêm một số khu công nghiệp, cụm công nghiệp mới theo quy hoạch chung để thu hút đầu tư. Chú trọng phát triển kết cấu hạ tầng đô thị, thực hiện tốt quy hoạch phát triển không gian của thành phố theo hướng mở rộng sang hai bên sông Đào theo quy hoạch. Nâng cao chất lượng các hoạt động văn hoá xã hội... Bên cạnh đó, Đảng bộ thành phố sẽ tập trung nghiên cứu và vận dụng sáng tạo các nghị quyết của Đảng về phát triển và sử dụng nguồn lực, nhất là nhân tố con người. Đây vừa là nhiệm vụ quan trọng mang tính cấp bách, vừa có tính chiến lược trong quá trình phát triển của thành phố; phấn đấu thực hiện thắng lợi phương hướng phát triển và sử dụng nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân tố con người trong nền kinh tế tri thức để thành phố Nam Định phát triển kinh tế với tốc độ cao, bền vững./.