Cô trò trường tiểu học Yên Tiến (Ý Yên) trước tượng đài Bác Hồ ở đìnhThượng Đồng. Ảnh: Xuân Thu |
Trong bài thơ "Kêu gọi thiếu nhi" (1941), Bác bày tỏ nỗi đau xót trước sự cực khổ của các cháu đang phải sống trong cảnh lầm than, nô lệ:
" Chẳng may vận nước khó khăn
Trẻ em cũng phải lầm than cực lòng
Học hành, giáo dục đã không
Nhà nghèo lại phải làm công cày bừa
Sức còn yếu, tuổi còn thơ
Mà đã khó nhọc cũng như người già
Có khi lìa mẹ, lìa cha
Để làm tôi tớ người ta bên ngoài"...
Trong bài thơ "Lịch sử nước ta" (1942), Người ca ngợi thiếu nhi:
"Thiếu niên ta rất vẻ vang
Trẻ con Phù Đổng tiếng vang muôn đời
Tuổi tuy chưa đến chín, mười
Ra tay cứu nước diệt loài vô lương".
Cũng trong năm 1942, Bác viết bài "Trẻ chăn trâu", cổ động các cháu tham gia đánh giặc giữ nước, xây dựng Tổ quốc:
"Cùng nhau đánh đuổi Nhật - Tây
Anh em ta mới có ngày vinh hoa
"Nhi đồng cứu quốc" Hội ta
Ấy là lực lượng, ấy là "cứu tinh"
Ấy là bộ phận Việt Minh"...
Bác luôn đánh giá cao vai trò của thiếu nhi, đặt nhiều hy vọng và niềm tin vào thế hệ măng non, chính vì vậy Người cũng giao trọng trách lớn lao cho các cháu. Vào dịp kỷ niệm 5 năm thành lập Đội Thiếu niên Tiền phong (5-1946), Bác viết thư mừng Đội và khích lệ, mong mỏi:
" Bác mong các cháu cho ngoan
Mai sau gìn giữ giang san Lạc Hồng
Sao cho nổi tiếng Tiên Rồng
Sao cho tỏ mặt nhi đồng Việt Nam"
Bác khẳng định: "Non sông Việt Nam có trở nên vẻ vang hay không, dân tộc Việt Nam có được vẻ vang sánh vai với cường quốc năm châu hay không chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các cháu".
Đối với các cháu có thành tích đặc biệt, Bác đều tặng thưởng Huy hiệu Bác Hồ, danh hiệu "Cháu ngoan Bác Hồ"; nhiều cháu được Bác gửi thơ khen kịp thời: "Tặng cháu Nông Thị Trưng" (1944), "Khen tặng hai cháu liên lạc trong bộ đội chiến khu II" (1947). Vào các dịp Tết của thiếu nhi như ngày Quốc tế Thiếu nhi, Tết Trung thu, Người càng quan tâm đến các cháu nhiều hơn. Trung thu năm 1951, giữa lúc cuộc kháng chiến chống Pháp đang bộn bề khó khăn, gian khổ, thiếu thốn, Bác vẫn viết thư kèm theo những vần thơ chan chứa yêu thương cho các em:
"Trung thu trăng sáng như gương
Bác Hồ ngắm cảnh nhớ thương nhi đồng"
Thư Trung thu 1952, Bác lại gắn việc vui Tết Trung thu với việc khuyên nhủ thiếu nhi ngoan ngoãn, chăm chỉ học hành để mai sau giúp ích cho nước nhà:
Mong các cháu cố gắng
Thi đua học và hành
Tuổi nhỏ làm việc nhỏ
Tuỳ theo sức của mình
Các cháu hãy xứng đáng
Cháu Bác Hồ Chí Minh.
Đến Trung thu 1954, mừng cho các cháu thiếu nhi ở miền Bắc đã thoát khỏi vòng nô lệ, Bác càng thương bội phần các cháu ở miền Nam vẫn còn dưới ách thống trị của đế quốc Mỹ và ngụy quyền tay sai, Người thiết tha mong mỏi:
"Đến ngày Nam Bắc một nhà
Các cháu xúm xít thì ta vui lòng"
Ngay cả lúc đã tuổi cao, sức yếu, Bác Hồ vẫn không quên nhắc nhở mọi người coi trọng công tác giáo dục thế hệ tương lai. Ngày 1-6-1969, Bác viết bài: "Nâng cao trách nhiệm chăm sóc và giáo dục thiếu niên, nhi đồng", đăng trên Báo Nhân Dân, giao trách nhiệm cho toàn Đảng, toàn dân phải hết sức quan tâm chăm sóc, giáo dục các cháu. Bởi theo Bác, vận nước thịnh hay suy, điều cốt lõi tuỳ thuộc vào chất lượng của việc chăm sóc, giáo dục thiếu nhi.
Thơ của Bác viết cho các em, viết về các em lời lẽ thường mộc mạc, giản dị, dễ hiểu nhưng ý thơ thật sâu sắc, tình thơ thật nhân ái. Bao trùm lên tất cả là thái độ trân trọng, nâng niu, quý mến trẻ em. Qua mỗi bài thơ, Người đều căn dặn thiếu nhi phải ngoan ngoãn, chăm chỉ học hành, thực hiện tốt "5 điều Bác Hồ dạy". Điều ấy thể hiện tư tưởng chiến lược của Người: "Vì lợi ích mười năm trồng cây - Vì lợi ích trăm năm trồng người". Tư tưởng đó đã trở thành mục tiêu, phương châm hành động của toàn Đảng, toàn dân ta suốt thời gian qua và mãi mãi sau này./.