Bác Hồ thăm lại bà con Pắc Pó, Cao Bằng (ngày 20-2-1961). |
Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc, con người vĩ đại của thời đại chúng ta, một danh nhân văn hoá thế giới, là người tiêu biểu cho những gì tốt đẹp nhất của dân tộc. Hồ Chủ tịch suốt đời phấn đấu vì hạnh phúc của toàn dân, đặc biệt Người luôn dành tình cảm quý trọng, và đánh giá cao vai trò của người cao tuổi trong sự nghiệp xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, trong kháng chiến và kiến quốc, trong xây dựng đời sống mới và giáo dục thế hệ trẻ.
Năm 1941, Người trở về Pác Bó (Cao Bằng). Bác đã gửi thư cho các cụ phụ lão trong cả nước. Trong bức thư này, Người viết: "Trách nhiệm của các vị phụ lão chúng ta, đối với nhiệm vụ đất nước thật là trọng đại. Đất nước hưng thịnh do phụ lão gây dựng. Đất nước tồn tại do phụ lão giúp sức. Nước bị mất, phụ lão cứu. Nước suy sụp phụ lão phù trì. Nước nhà hưng, suy, tồn, vong, phụ lão đều gánh trách nhiệm rất nặng nề".
Sau khi nêu lên những truyền thống vẻ vang trong lịch sử nước nhà, Người viết tiếp: "Những hành động nghĩa cử cứu nước từ trước đến sau, đều do các vị phụ lão đương thời gây dựng nên, vun đắp nên, nhuần tưới nên. Dẫu rằng tóc đã bạc, mắt đã hoa, tay run, chân mỏi. Nhưng một lời nói của phụ lão có ảnh hưởng đến hưng bang, một hành động của phụ lão có ảnh hưởng đến việc giết giặc. Rút guốc mộc để ném vào đầu bọn bạo ngược, vung gậy trúc để đánh vào bọn hung ác. Đối với gia đình, đối với Tổ quốc, phụ lão có trọng trách là bậc tôn trưởng, đối với làng xóm, đối với bà con, phụ lão có sự tín nhiệm lớn lao. Phụ lão hô, nhân dân hưởng ứng, phụ lão làm, nhân dân làm theo. Hô điều nên hô, làm việc nên làm. Người có của xuất của, người có sức dốc sức, góp gió thành bão, tụ hơi thành mây. Đồng bào cả nước ta đang ngẩng cao đầu mà trông chờ các bậc phụ lão". Cuối bức thư này Người ký tên là Nguyễn Ái Quốc.
Cách mạng Tháng Tám thành công, ngày 21 tháng 9 năm 1945, Bác lại gửi thư cho các vị phụ lão:
"Thưa các cụ
Đây tôi lấy danh nghĩa là một người già, mà nói chuyện với các cụ. Tục ngữ có câu: "Lão lai tài tận" nghĩa là tuổi già thì tài hết, không làm được gì nữa. Mà thường các cụ phụ lão ta cũng tin như vậy. Gặp việc gì các cụ đều nói "Lão giả an chi" (người già nên ở yên). Thôi mình tuổi hạc ngày càng cao, không bay nhẩy gì được nữa ! Việc đời để con cháu, bầy trẻ làm. Chúng ta đã gần đất xa trời rồi, không cần hoạt động nữa !
Tôi không tán thành ý kiến đó. Xưa nay, những người yêu nước không vì tuổi già mà chịu ngồi không"
Con cháu ta, thanh niên sức khoẻ thì gánh việc nặng, chúng ta già cả, không làm được công việc nặng nề thì khua gậy đi trước, để khuyến khích bọn thanh niên và san sẻ những kinh nghiệm của chúng ta cho họ. Chúng ta là bậc phụ lão cần phải chân thành đoàn kết trước, để làm gương cho con cháu ta".
Những bức thư của Bác, đã phản ánh đầy đủ quan niệm, tâm tư, tình cảm của Người, về tuổi già và người già.
Chủ tịch Hồ Chí Minh rất chú ý đến việc nối tiếp giữa các thế hệ. Nói chuyện với các cán bộ, đảng viên hoạt động lâu năm, Bác nói: "Các đồng chí già là rất quý, là gương bền bỉ đấu tranh, dìu dắt, bồi dưỡng, đào tạo thêm đồng chí trẻ. Đồng chí già phải giúp đỡ cho đồng chí trẻ tiến bộ. Như thế, đòi hỏi ở đồng chí già phải có thái độ độ lượng, dìu dắt đồng chí trẻ. Đó cũng là một tiêu chuẩn đạo đức cộng sản chủ nghĩa".
Bác còn nói: "Công việc ngày càng nhiều, càng mới. Một mặt, Đảng phải đào tạo, dìu dắt đồng chí trẻ. Một mặt đảng viên già phải cố gắng mà học. Tôi năm nay 71 tuổi, ngày nào cũng phải học… Không học thì công việc nó sẽ gạt mình lại phía sau". "Đảng cần cán bộ già, đồng thời cần rất nhiều cán bộ trẻ… Nếu thế hệ già khôn hơn thế hệ trẻ thì không tốt. Thế hệ già thua thế hệ trẻ mới là tốt… Người ta thường nói "Con hơn cha là nhà có phúc".
Bác đặc biệt kêu gọi những người cao tuổi nêu gương sáng cho con cháu, dìu dắt bồi dưỡng, san sẻ những kinh nghiệm của mình cho thế hệ trẻ. Từ "san sẻ" này của Bác có một ý nghĩa thật đẹp. Nó chứa đựng tình cảm và sự độ lượng giữa già với trẻ, như một nhà văn hoá đã nói: "Người già là một gạch nối giữa quá khứ và tương lai, là người đem ngọn đuốc văn hoá của thế hệ trước trao lại cho thế hệ sau".
Tuy nhiên, Bác lại nói: "Có một số thanh niên tưởng xây dựng chủ nghĩa xã hội ngày nay là từ trên trời rơi xuống, không biết sự gian nan, cực khổ cũ… Đối với các đồng chí già, các đồng chí trẻ phải có những hành động tỏ rõ lòng tôn trọng của mình".
Trước đây, khi nói đến người cao tuổi, thế giới thường chỉ nói đến vấn đề biết ơn, chăm sóc, giúp đỡ, nghỉ ngơi… Nhưng gần đây, trong các Hội nghị Quốc tế về người cao tuổi, ngoài việc chăm sóc, giúp đỡ… đều nhấn mạnh đến việc phát huy tiềm năng của người cao tuổi, và đánh giá cao sự tiếp tục đóng góp của người cao tuổi cho xã hội.
Đọc lại toàn bộ những bức thư, những bài viết về người cao tuổi của Bác, cách đây hơn 60 năm đã thấy Bác vận động, biểu dương và khuyến khích những người cao tuổi đóng góp cho cách mạng. Bác luôn luôn nhìn tuổi già với con mắt lạc quan, tin tưởng "Tuổi cao, chí khí càng cao", "Tuổi già nhưng chí không già. Góp phần xây dựng nước nhà phồn vinh". Tư tưởng Hồ Chí Minh về người cao tuổi đã đi trước thời đại hơn nửa thế kỷ.
Và toàn bộ cuộc đời vì nước, vì dân của Bác, cũng chính là một tấm gương sáng về tuổi già tích cực, về tuổi già cống hiến suốt đời cho cách mạng, cho hạnh phúc của nhân dân, như lời thơ của Bác:
"Bảy mươi tám tuổi chưa già mấy
Vẫn vững hai vai việc nước nhà
Kháng chiến dân ta đang thắng lớn
Tiến bước ta cùng con em ta"./.