Đóng góp ý kiến vào dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi)

05:10, 03/10/2022

Chiều 3-10, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh đã tổ chức hội nghị lấy ý kiến đóng góp vào dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi). Đồng chí Nguyễn Hải Dũng, TUV, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh chủ trì hội nghị.

Quang cảnh hội nghị.
Quang cảnh hội nghị.

Dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) gồm 6 Chương, 56 Điều quy định về phòng ngừa, ngăn chặn, bảo vệ, hỗ trợ, xử lý vi phạm trong phòng, chống bạo lực gia đình; điều kiện bảo đảm phòng, chống bạo lực gia đình; quản lý Nhà nước và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, gia đình, cá nhân trong phòng, chống bạo lực gia đình. Dự thảo Luật khẳng định nguyên tắc phòng, chống bạo lực gia đình, trong đó phòng ngừa là chính, lấy người bị bạo lực gia đình là trung tâm, thực hiện bình đẳng giới. Tôn trọng, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người có liên quan; ưu tiên bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người bị bạo lực gia đình là trẻ em, phụ nữ có thai, phụ nữ nuôi con nhỏ, người cao tuổi, người khuyết tật, người mắc bệnh hiểm nghèo. Hành vi vi phạm pháp luật trong phòng, chống bạo lực gia đình phải được phát hiện, ngăn chặn, kịp thời xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật…

Tại hội nghị, lãnh đạo các sở, ngành đã đóng góp nhiều ý kiến cụ thể, xác thực nhằm hoàn thiện dự thảo luật, tạo hành lang pháp lý hữu hiệu trong việc phòng, chống bạo lực gia đình đang có xu thế gia tăng. Cụ thể: đề nghị tại khoản 4 Điều 10 quy định: “Chủ động khắc phục hậu quả đã gây ra cho người bị bạo lực gia đình; bồi thường thiệt hại do mình gây ra cho người bị bạo lực gia đình và người tham gia phòng, chống bạo lực gia đình”. Đề nghị nghiên cứu, xem xét lại quy định việc bồi thường thiệt hại cho nạn nhân, bởi người có hành vi bạo lực gia đình và người bị bạo lực gia đình là thành viên gia đình, thường là người sống chung trong gia đình. Chi phí bồi thường thông thường là tiền chung của gia đình; do đó cần có quy định cụ thể hơn về nguồn tài chính để bồi thường thiệt hại của người gây ra bạo lực gia đình, không được lấy từ tiền chung của gia đình. Tại khoản 2 Điều 16 đề nghị bổ sung thêm đối tượng tư vấn về phòng, chống bạo lực gia đình là những người có nguy cơ cao gây bạo lực gia đình như nghiện rượu, thất nghiệp, người mắc tệ nạn xã hội… bảo đảm nguyên tắc “lấy phòng là chính”. Tại khoản 1, Điều 2 quy định: “Bạo lực gia đình là hành vi cố ý của thành viên gia đình gây tổn hại hoặc có khả năng gây tổn hại về thể chất, tinh thần, tình dục, kinh tế đối với thành viên khác trong gia đình”, nên thêm cụm từ “và xâm hại các quyền đã được pháp luật công nhận”, để dự phòng khi thực tế có tình huống phát sinh thì đã có quy định pháp luật điều chỉnh…

Lãnh đạo Đoàn ĐBQH tỉnh đã làm rõ nhiều nội dung góp ý trong dự thảo luật, đồng thời tiếp thu những ý kiến đóng góp của các sở, ngành để báo cáo với Quốc hội trong thời gian tới./.    

Tin, ảnh: Xuân Thu


 

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com