Sáng 12-7, tại Trụ sở Chính phủ, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì buổi làm việc của Thường trực Chính phủ với Đảng ủy Khối doanh nghiệp Trung ương (Đảng ủy Khối) về lãnh đạo, chỉ đạo công tác cơ cấu lại, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp Nhà nước, trọng tâm là các tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước.
Cùng dự có các Phó Thủ tướng Chính phủ: Lê Minh Khái, Vũ Đức Đam, Lê Văn Thành; một số Bộ trưởng, lãnh đạo một số bộ, ngành Trung ương.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo. Ảnh:TTXVN. |
Báo cáo tại buổi làm việc cho biết, Đảng bộ Khối gồm có 38 đảng bộ trực thuộc, trong đó có 36 đảng bộ tập đoàn kinh tế, tổng công ty, ngân hàng thương mại Nhà nước và 2 đảng bộ cơ quan. Đến ngày 30-12-2021, toàn Đảng bộ Khối có 1.148 tổ chức cơ sở Đảng; 156 đảng bộ bộ phận, 5.742 chi bộ trực thuộc, 87.585 đảng viên. Các doanh nghiệp trong Khối gồm: 9 tập đoàn kinh tế, 20 tổng công ty, 6 ngân hàng, 1 tổ chức tài chính Nhà nước với tổng số 930 doanh nghiệp trực thuộc. Tổng vốn điều lệ của các doanh nghiệp tính đến hết quý I-2022 là 1,1 triệu tỷ đồng; tổng vốn chủ sở hữu đạt trên 1,64 triệu tỷ đồng; tổng tài sản của các doanh nghiệp đạt trên 9,93 triệu tỷ đồng. Từ khi thành lập đến nay, Đảng ủy Khối đã bám sát chức năng, nhiệm vụ được giao, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát các đảng bộ trực thuộc chấp hành nghiêm chỉnh Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, nghị quyết, chỉ thị của Đảng, pháp luật của Nhà nước; hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị và công tác tổ chức, cán bộ; xây dựng Đảng bộ, tổ chức chính trị - xã hội trong sạch, vững mạnh; phát triển doanh nghiệp, đơn vị vững mạnh, hiệu quả.
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định, Khu vực doanh nghiệp Nhà nước là lực lượng vật chất quan trọng của kinh tế Nhà nước, đóng góp lớn vào sự phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng, an sinh xã hội, thực hiện các nhiệm vụ chính trị do Đảng và Nhà nước giao, thể hiện vai trò nòng cốt trong một số ngành, lĩnh vực và tạo nguồn thu đáng kể cho ngân sách Nhà nước. Doanh nghiệp Nhà nước giữ vững vai trò nòng cốt và dẫn dắt trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; góp phần xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, chủ động hội nhập sâu rộng, hiệu quả.
Thủ tướng đánh giá cao và biểu dương những đóng góp của Đảng ủy Khối cho những kết quả đạt được nêu trên; nhất là sự chủ động, trách nhiệm và phối hợp chặt chẽ của Đảng ủy Khối với các cơ quan của Chính phủ. Bên cạnh đó, Thủ tướng chỉ ra những tồn tại, hạn chế của doanh nghiệp Nhà nước mà Đảng ủy Khối cần tập trung giải quyết...
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính gợi mở một số nhiệm vụ trọng tâm mà Đảng ủy Khối cần thực hiện. Theo đó, Đảng ủy Khối tiếp tục đổi mới, thực hiện hiệu quả các phương thức lãnh đạo của Đảng, nguyên tắc tổ chức lãnh đạo của Đảng trong doanh nghiệp Nhà nước. Đảng uỷ Khối phối hợp chặt chẽ với Ban Cán sự đảng Chính phủ, Chính phủ, các Ban cán sự Đảng các bộ, ngành liên quan, cùng hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách hiệu quả, phù hợp tình hình, điều kiện mới.
Thủ tướng đề nghị Đảng ủy Khối lãnh đạo thúc đẩy cơ cấu lại, sắp xếp, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp Nhà nước theo các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Với mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, cơ bản hoàn thành việc sắp xếp lại, chuyển đổi sở hữu khối doanh nghiệp Nhà nước; xử lý cơ bản những yếu kém, thất thoát, những dự án, công trình chậm tiến độ, đầu tư kém hiệu quả, thua lỗ kéo dài của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước, doanh nghiệp Nhà nước.
Thủ tướng nhấn mạnh các nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm cần thực hiện trong thời gian tới. Trong đó, các bộ, ngành, cơ quan liên quan phối hợp với Đảng ủy Khối và các đảng bộ trực thuộc, các doanh nghiệp tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách để khắc phục vướng mắc, khó khăn trong cơ cấu lại doanh nghiệp Nhà nước, đầu tư, quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, đáp ứng tốt hơn các yêu cầu thực tiễn.
Người đứng đầu Chính phủ đặc biệt lưu ý việc nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp Nhà nước. Theo đó, phải hoàn thiện hệ thống quản trị, tăng cường năng lực đội ngũ cán bộ quản lý theo hướng chuyên nghiệp, có trình độ cao; kịp thời phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật, xung đột lợi ích, tình trạng móc ngoặc, hình thành “nhóm lợi ích”, “sân sau”. Phát huy vai trò dẫn dắt của doanh nghiệp Nhà nước trong việc hình thành và mở rộng các chuỗi sản xuất, cung ứng và chuỗi giá trị. Tối ưu hóa các nguồn lực về vốn, đất đai, thương hiệu, truyền thống, lịch sử... tại doanh nghiệp; quản lý chặt chẽ vốn, tài sản Nhà nước, tài sản doanh nghiệp theo đúng quy định của pháp luật./.
PV