Thực hiện Quyết định số 263/QĐ-TTg ngày 22-2-2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021-2025, ngày 24-6-2022, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025.
Kế hoạch đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, toàn tỉnh có 50% trở lên số xã, thị trấn đạt chuẩn NTM nâng cao. 25% trở lên số xã, thị trấn đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. 50% số huyện đạt chuẩn NTM nâng cao. Huyện Hải Hậu được công nhận huyện NTM kiểu mẫu. UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành, địa phương cần xác định xây dựng NTM là nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Gắn kết quả xây dựng NTM với trách nhiệm của người đứng đầu chính quyền các cấp, các sở, ban, ngành. Xây dựng kế hoạch phải có lộ trình hợp lý, bước đi bền vững, giải pháp thực hiện hiệu quả phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương.
Nông thôn mới xã Liên Minh (Vụ Bản) hôm nay. Ảnh: Viết Dư |
Để hoàn thành mục tiêu trên, UBND tỉnh yêu cầu các cấp, ngành cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ và nhân dân, nâng cao chất lượng các phong trào thi đua xây dựng NTM, phong trào “Cả nước chung sức xây dựng NTM” giai đoạn 2021-2025 do Thủ tướng Chính phủ phát động. Tiếp tục rà soát, hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách hỗ trợ xây dựng NTM, đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tế để hỗ trợ thực hiện các nội dung của chương trình theo hướng nâng cao chất lượng, đi vào chiều sâu và bền vững. Chỉ đạo, phối hợp thực hiện hiệu quả 11 nội dung, nhiệm vụ của chương trình nhằm nâng cao chất lượng đời sống của người dân nông thôn và giải quyết các vấn đề bức xúc, tồn tại trong xây dựng NTM. Để thực hiện 11 nhóm nội dung này, trong kế hoạch Nam Định dự kiến sẽ huy động khoảng 45.300 tỷ đồng tổng vốn để thực hiện. Trong đó, cơ cấu vốn huy động bao gồm: vốn ngân sách Trung ương bố trí trực tiếp để thực hiện Chương trình dự kiến khoảng 1.000 tỷ đồng (chiếm 2,2%); vốn ngân sách địa phương dự kiến khoảng 3.000 tỷ đồng (chiếm 6,6%); vốn lồng ghép từ các chương trình, dự án khác dự kiến khoảng 15.500 tỷ đồng (chiếm 34,2%); vốn tín dụng dự kiến khoảng 20 nghìn tỷ đồng (chiếm 44,2%); vốn doanh nghiệp dự kiến khoảng 600 tỷ đồng (chiếm 1,3%); huy động đóng góp tự nguyện của người dân và cộng đồng dự kiến khoảng 5.200 tỷ đồng (chiếm 11,5%).
Triển khai đồng bộ các giải pháp về huy động vốn, bảo đảm huy động đầy đủ, kịp thời theo quy định; lồng ghép nguồn vốn của các chương trình mục tiêu quốc gia và các chương trình, dự án khác trên địa bàn để hỗ trợ hoàn thành các mục tiêu xây dựng NTM. Thực hiện hiệu quả chính sách tín dụng đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn. Tăng cường vận động các tổ chức kinh tế đăng ký hỗ trợ các địa phương thực hiện xây dựng NTM; vận động người dân tiếp tục tham gia đóng góp xây dựng NTM theo nguyên tắc tự nguyện cho từng nội dung cụ thể. Tăng cường kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện chương trình ở các cấp, các ngành. Có biện pháp phòng ngừa, kịp thời ngăn chặn các biểu hiện tiêu cực, lãng phí, xử lý nghiêm các vi phạm trong quá trình thực hiện chương trình.
Các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan theo chức năng, nhiệm vụ triển khai thực hiện tốt các nội dung được phân công; hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các huyện, thành phố, các xã, thị trấn thực hiện Bộ tiêu chí quốc gia về NTM giai đoạn 2021-2025 theo lĩnh vực phụ trách. UBND các huyện, thành phố xây dựng và ban hành kế hoạch thực hiện chương trình trong giai đoạn 5 năm và hàng năm. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức hội, đoàn thể phối hợp với các sở, ngành xây dựng kế hoạch triển khai cụ thể các nội dung được phân công để hướng dẫn các địa phương thực hiện; chủ động, tích cực thực hiện các nội dung, nhiệm vụ; tiếp tục thực hiện hiệu quả cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh”. Hàng năm tổ chức đánh giá, tổng hợp kết quả, nhân rộng các điển hình tiên tiến, mô hình điểm./.
Văn Đại