Bộ Y tế vừa có dự thảo mới nhất về các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới, lấy ý kiến góp ý của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19; các bộ, ngành, tỉnh, thành và chuyên gia.
Tại dự thảo, Bộ Y tế đề xuất chưa coi COVID-19 là bệnh lưu hành tại Việt Nam, mà vẫn là bệnh truyền nhiễm nhóm A; hiện Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn chuyển tiếp giữa phòng chống đại dịch và quản lý bền vững.
Theo các tài liệu về dịch tễ học trong nước và trên thế giới (đặc biệt là của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và CDC Mỹ), bệnh “lưu hành” là sự xuất hiện một cách ổn định của bệnh dịch hoặc tác nhân gây bệnh trong một khu vực địa lý hoặc nhóm quần thể dân số nhất định; hoặc còn hướng đến một tỷ lệ mắc bệnh thường gặp của một bệnh dịch trong một khu vực hoặc quần thể dân số nhất định.
Theo Bộ Y tế, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vẫn đang coi bệnh COVID-19 trong tình trạng đại dịch trên phạm vi toàn cầu và quan ngại tiếp tục có các biến thể không lường trước được của virus SARS- CoV-2. Nhiều nước trên thế giới vẫn có diễn biến dịch bệnh phức tạp, cần tiếp tục duy trì các hoạt động đáp ứng với đại dịch ở mức cao.
Hiện nay virus SARS-CoV-2 vẫn liên tục biến đổi, khó xác định tính chất nguy hiểm của các biến thể và mức độ tăng nặng và tử vong. Omicron đang là biến thể phổ biến trên thế giới nhưng vẫn chưa phải là biến thể cuối cùng; vẫn có thể xuất hiện biến thể mới có khả năng làm giảm hiệu quả vắc-xin hoặc miễn dịch, khiến ca nhiễm có triệu chứng nghiêm trọng hoặc tử vong tăng lên, đặc biệt ở các nhóm dễ bị tổn thương. Đặc biệt, tình trạng sức khỏe suy giảm sau khi mắc COVID-19 (hậu COVID-19) đang làm người dân lo ngại nhưng chưa có nghiên cứu đầy đủ.
Tại Việt Nam, tuy tỷ lệ tử vong đã giảm nhiều so với giai đoạn trước nhưng vẫn ghi nhận trường hợp tử vong và vẫn có bệnh nặng đang được theo dõi, điều trị. Bên cạnh đó, việc áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 linh hoạt như phòng chống bệnh đặc biệt nguy hiểm, bệnh nguy hiểm, để kịp thời áp dụng khi phát sinh tình huống nguy hiểm hơn./.
PV