Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân

04:05, 29/05/2022

Sáng 29-5, trong khuôn khổ Festival trái cây và sản phẩm OCOP Việt Nam 2022 do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phối hợp với Tỉnh ủy, UBND tỉnh Sơn La tổ chức tại thành phố Sơn La (Sơn La), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đối thoại trực tuyến với nông dân các điểm cầu trên cả nước. Cùng tham dự hội nghị có lãnh đạo các ban của Trung ương Đảng, các Ủy ban của Quốc hội; Hội đồng dân tộc của Quốc hội; lãnh đạo các bộ, ngành, đoàn thể Trung ương. Dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Nam Định có đồng chí Trần Anh Dũng, Ủy viên Ban TVTU, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; lãnh đạo Ủy ban MTTQ tỉnh, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Ban Dân vận Tỉnh ủy và các sở, ngành liên quan.

Đồng chí Trần Anh Dũng, Ủy viên Ban TVTU, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh và các đại biểu dự hội nghị ở điểm cầu tỉnh Nam Định.
Đồng chí Trần Anh Dũng, Ủy viên Ban TVTU, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh và các đại biểu dự hội nghị ở điểm cầu tỉnh Nam Định.

Với chủ đề “Tiếp sức, hỗ trợ nông dân phục hồi, phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững”, hội nghị đối thoại lần thứ 4 này có sự tham dự của các chuyên gia, nhà khoa học, các doanh nghiệp, 300 đại biểu nông dân tiêu biểu đại diện cho hơn 10,2 triệu hộ hội viên nông dân cả nước. Ban Tổ chức đã nhận được hơn 1.600 câu hỏi là những đề xuất, kiến nghị gửi tới Thủ tướng Chính phủ, thể hiện sự quan tâm, mong chờ của nông dân đối với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về những giải pháp, chính sách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất nông nghiệp, xây dựng nông thôn hiện đại vì một tầm nhìn đưa nông nghiệp Việt Nam nằm trong những nước dẫn đầu của thế giới. Các câu hỏi, đề xuất, kiến nghị của nông dân với Thủ tướng Chính phủ tập trung vào 8 nhóm vấn đề: Giải pháp nhằm khôi phục sản xuất nông nghiệp sau dịch COVID-19, nhất là tình hình giá cả vật tư nông nghiệp đầu vào tăng cao ảnh hưởng đến sản xuất của người dân. Vấn đề đất đai và cơ chế để những người nông dân, HTX được giao đất lâu dài, ổn định sản xuất; tình trạng “sốt” đất, trong đó có “sốt” đất nông nghiệp ở các địa phương. Thúc đẩy chuỗi liên kết giữa nhà nông - doanh nghiệp, đặc biệt phát huy vai trò của HTX nông nghiệp. Vấn đề vốn, tín dụng, môi trường ở nông thôn. Đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Xây dựng hình ảnh người nông dân văn minh. Thúc đẩy du lịch nông thôn đảm bảo giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Di cư lao động từ nông thôn ra thành phố làm công nhân và giải pháp để “ly nông” nhưng không “ly hương”…

Tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ và đại diện các bộ, ngành đã trực tiếp giải đáp các băn khoăn, vướng mắc của nông dân; chỉ đạo các bộ, ngành kịp thời tháo gỡ để nông dân yên tâm đầu tư phục hồi sản xuất, kinh doanh. Các kiến nghị, đề xuất của nông dân, các chuyên gia, các nhà khoa học sẽ được tổng hợp trình Chính phủ xem xét, quyết định để đưa ra các chính sách, giải pháp đồng bộ, hợp lý, sát thực tiễn nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu của Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Phát biểu kết luận buổi đối thoại, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá cao tinh thần dân chủ, thẳng thắn, tâm huyết, trách nhiệm, cởi mở của các đại diện nông dân, các chuyên gia, các doanh nghiệp và đại biểu, đặc biệt là những vấn đề thảo luận rất trúng và thiết thực đối với sự phát triển nông nghiệp, nông thôn và nâng cao đời sống nông dân. Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục nhận thức đúng về vị trí, vai trò chiến lược đặc biệt quan trọng của nông nghiệp, nông dân, nông thôn; phát huy sức mạnh, vai trò chủ thể của nông dân trong phát triển nông nghiệp, nông thôn; thực hiện thành công mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước phải gắn liền với sự phát triển khu vực nông thôn và nâng cao trình độ của người nông dân. Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh yêu cầu cần nâng cao vai trò, vị thế, năng lực làm chủ của người nông dân, nhất là trình độ theo hướng “tri thức hóa nông dân” để làm chủ công nghệ trong sản xuất, kinh doanh và có thể làm giàu từ nông nghiệp. Phát triển nông nghiệp hiện đại, hiệu quả, bền vững theo hướng sinh thái, ứng dụng công nghệ cao, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng, xây dựng thương hiệu, gắn với chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị trong nước và quốc tế. Tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách, cải cách hành chính trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, nông dân. Cải thiện môi trường đầu tư, khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, nhất là các doanh nghiệp, tập đoàn lớn. Nâng cao năng lực cung cấp thông tin, dự báo thị trường, qua đó góp phần điều chỉnh sản xuất phù hợp. Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương phải đặc biệt quan tâm, nắm chắc thực tiễn, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng nông dân, nhất là những vấn đề nảy sinh, bức xúc để có giải pháp phù hợp, kịp thời, hỗ trợ người nông dân toàn diện, thực chất, hiệu quả theo chủ trương, đường lối của Đảng, quy định của pháp luật./.

Tin, ảnh: Lam Hồng

 

 

 

 


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com