Sáng 28-4, UBND tỉnh đã tổ chức hội nghị tổng kết công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT và TKCN) năm 2021, triển khai nhiệm vụ năm 2022. Đồng chí Phạm Đình Nghị, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ huy (BCH) PCTT và TKCN tỉnh chủ trì hội nghị. Tham dự hội nghị có đồng chí Trần Anh Dũng, Ủy viên Ban TVTU, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; các đồng chí TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh: Trần Lê Đoài, Hà Lan Anh; lãnh đạo các sở, ban, ngành chức năng của tỉnh và các huyện, thành phố.
Đồng chí Phạm Đình Nghị, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu kết luận hội nghị. |
Năm 2021, Nam Định chịu ảnh hưởng trực tiếp của 1 áp thấp nhiệt đới, 3 cơn bão và hoàn lưu bão số 3. Mặc dù chịu ảnh hưởng của nhiều hình thái thời tiết song dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, công tác PCTT và TKCN đã được các cấp, ngành, các huyện, thành phố chủ động triển khai các phương án theo kế hoạch được phê duyệt, ứng phó hiệu quả với từng tình huống thiên tai nên không có thiệt hại về người. Ngay từ đầu năm, tỉnh đã có chỉ đạo các địa phương, cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh triển khai nhiệm vụ PCTT, kiện toàn BCH PCTT và TKCN các cấp, các ngành, địa phương. Công tác tuyên truyền về phòng, chống thiên tai được tăng cường thực hiện tại các cấp, các ngành của tỉnh. Chuẩn bị tốt các loại vật tư, trang thiết bị phục vụ công tác PCTT, nhất là chuẩn bị sẵn sàng dự phòng lúa giống, góp phần khắc phục nhanh hậu quả thiên tai… Tuy nhiên, thiên tai đã gây thiệt hại trên địa bàn tỉnh ước tính hơn 120 tỷ đồng, trong đó thiệt hại về nông, lâm, diêm nghiệp 79,07 tỷ đồng.
Năm 2022, dự báo Nam Định có khả năng chịu ảnh hưởng của 2-3 cơn bão, áp thấp nhiệt đới, nền nhiệt độ cao hơn trung bình nhiều năm, mùa đông có khả năng rét hơn năm 2021. Từ tháng 6 đến tháng 10 chịu ảnh hưởng chủ yếu của gió mùa tây nam, kết hợp với bão, áp thấp nhiệt đới nên độ cao sóng lớn, phổ biến từ 3 đến 5m. Hiện có 39,8km đê còn thiếu cao trình so với thiết kế. Công tác quản lý, khai thác công trình thủy lợi gặp nhiều khó khăn do còn các công trình xây dựng từ lâu bị hư hỏng, xuống cấp, trong khi nguồn kinh phí bảo trì hạ tầng thủy lợi còn hạn hẹp. Toàn tỉnh có 24 trọng điểm cần đặc biệt chú ý, trong đó tuyến đê sông có 19 trọng điểm, tuyến đê biển có 5 trọng điểm. Đến ngày 15-3-2022, toàn tỉnh có 2.136 tàu, thuyền, 6.199 lao động khai thác thủy sản. Diện tích nuôi thủy sản toàn tỉnh là 16 nghìn ha.
Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh ghi nhận, đánh giá cao những kết quả đạt được trong thực hiện nhiệm vụ PCTT và TKCN năm 2021, đồng thời chỉ rõ những hạn chế một số hạn chế cần khắc phục. Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành, các huyện, thành phố tập trung rà soát, kiện toàn BCH và phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thông tin phổ biến kiến thức, kinh nghiệm, kỹ năng PCTT theo tinh thần mỗi người dân, mỗi gia đình, mỗi đơn vị tự bảo vệ mình trước thiên tai, nhất là kỹ năng phòng, chống đuối nước. Sở NN và PTNT phối hợp với các huyện, thành phố đề xuất, xây dựng Bộ chỉ số đánh giá công tác PCTT cấp tỉnh theo Quyết định số 01/QĐ-TWPCTT ngày 8-2-2021 của Ban chỉ đạo thực hiện phong trào thi đua “Chủ động PCTT, xây dựng cộng đồng an toàn” giai đoạn 2021-2025 theo Quyết định số 2169/QĐ-BNN-TCCB ngày 10-3-2021 của UBND tỉnh; tham mưu cho UBND tỉnh tổ chức kiểm tra hệ thống đê, kè, cống trên địa bàn tỉnh; thường xuyên kiểm tra, giám sát, phát hiện các điểm xung yếu để có kế hoạch gia cố, xử lý; đôn đốc đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình đã được phê duyệt. Phối hợp với các huyện, thành phố tăng cường kiểm tra xử lý vi phạm về đê điều mới phát sinh, kiên quyết không để phát sinh các vi phạm mới. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ đội Biên phòng, Công an tỉnh xây dựng phương án, kế hoạch, kịch bản ứng phó với từng tình huống. Đài Khí tượng thủy văn Nam Định theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, khí hậu, nâng cao chất lượng thông tin cảnh báo, dự báo những bất thường của thời tiết, nhất là bão để cung cấp thông tin, số liệu phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo và người dân chủ động biết để phòng, chống. Các sở, ngành theo chức năng nhiệm vụ được giao chủ động xây dựng kế hoạch chỉ đạo và thực hiện tốt công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai; sẵn sàng lực lượng, phương tiện, vật tư cần thiết để chủ động PCTT khi có tình huống xảy ra. Các sở, ngành thành viên UBND tỉnh theo địa bàn phân công thực hiện nghiêm túc phương án phòng, chống lụt bão năm 2022. UBND các huyện, thành phố rà soát kế hoạch, phương án PCTT và TKCN của địa phương theo phương châm “4 tại chỗ”, chuẩn bị đầy đủ vật tư, phương tiện, vật tư dự trữ, đồng thời phải tổ chức diễn tập nâng cao kỹ năng cho lực lượng làm nhiệm vụ PCTT. Riêng thành phố Nam Định tập trung cho nhiệm vụ chống úng ngập và bảo đảm an toàn cho những chung cư cũ trên địa bàn. Ngành Giáo dục và Đào tạo, các tổ chức hội, đoàn thể đẩy mạnh công tác tuyên truyền hướng dẫn để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống đuối nước cho người dân… góp phần bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân trong mùa mưa bão năm nay./.
Tin, ảnh: Văn Đại