Ngày 22-4, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 57/KH-UBND về đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP), nâng cao chất lượng nông, lâm, thủy sản trên địa bàn tỉnh năm 2022.
Kế hoạch nhằm đạt các mục tiêu cụ thể: Triển khai 100% kế hoạch, đề án và văn bản của cấp trên về chất lượng, ATTP nông lâm thủy sản và muối theo đúng tiến độ giao; phổ biến và truyền thông đến người sản xuất, tiêu dùng. Tỷ lệ các cơ sở sản xuất kinh doanh nông, lâm, thủy sản đáp ứng yêu cầu về điều kiện bảo đảm ATTP (xếp loại A/B) đạt 98% trở lên. Tỷ lệ các cơ sở nhỏ lẻ ký cam kết sản xuất thực phẩm an toàn đạt 85% trở lên. Duy trì và phát triển ổn định 36 chuỗi cung ứng thực phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn; sản phẩm an toàn được xác nhận theo chuỗi đạt 100% số chuỗi. Tăng 20% so với năm 2021 diện tích, sản lượng nông lâm thủy sản áp dụng quy trình sản xuất VietGAP, sản xuất hữu cơ, công nghệ cao và các tiêu chuẩn tương tự khác. Giảm 10% so với năm 2021 tỷ lệ mẫu thực phẩm nông, lâm, thủy sản giám sát trên diện rộng vi phạm quy định về ô nhiễm sinh học, tạp chất, tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, hóa chất, kháng sinh; tiếp tục kiểm soát tốt việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi.
Để thực hiện kế hoạch này, các ngành chức năng, địa phương cần làm tốt 6 nhóm nhiệm vụ trọng tâm gồm: Chỉ đạo điều hành; thông tin, giáo dục, truyền thông về ATTP; đào tạo, tập huấn, chuyển giao khoa học công nghệ; thanh tra, kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm; tổ chức liên kết sản xuất, xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm; tổ chức lực lượng, nâng cao năng lực quản lý, giám sát và sẩn xuất, tiêu thụ sản phẩm. UBND tỉnh giao các sở, ngành, địa phương triển khai thực hiện kế hoạch theo chức năng, nhiệm vụ được giao. Chú trọng xây dựng hoàn thiện các cơ chế, chính sách của tỉnh hỗ trợ phát triển các mô hình sản xuất, kinh doanh theo hướng gia tăng giá trị và phát triển bền vững; thu hút đầu tư vào chế biến sâu các sản phẩm nông nghiệp, ứng dụng công nghệ cao, phát triển nông nghiệp hữu cơ, sản xuất chuỗi; giám sát chất lượng sản phẩm nông lâm thủy sản sản xuất trong nước, nhập khẩu lưu thông trên địa bàn. Xử lý nghiêm các cơ sở buôn bán, sử dụng chất cấm, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón ngoài danh mục, không rõ nguồn gốc. Đẩy mạnh chuyển giao khoa học công nghệ, chuyển đổi số trong quản lý và nâng cao chất lượng nông, lâm, thủy sản. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát về điều kiện ATTP trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm; các bếp ăn tập thể. Giám sát, cảnh báo nguy cơ lây lan dịch COVID-19 từ sản phẩm nhập khẩu; giải quyết các sự cố về mất ATTP phát sinh trên địa bàn. Tổ chức các hoạt động kết nối sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm, xúc tiến thương mại, quảng bá nông sản thực phẩm an toàn tới người tiêu dùng. Tăng cường kiểm soát đảm bảo ATTP tại các chợ, siêu thị. Có kế hoạch đấu tranh ngăn chặn buôn bán các loại vật tư nông nghiệp giả, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc và sản phẩm nông lâm thủy sản không đảm bảo an toàn; buôn bán, sử dụng hóa chất, kháng sinh cấm trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản; sử dụng hóa chất, phụ gia cấm, ngoài danh mục trong chế biến thực phẩm; đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu, sản xuất kinh doanh tôm có tạp chất theo quy định của pháp luật. Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Nam Định tăng cường tuyên truyền về ATTP trong lĩnh vực nông nghiệp, giới thiệu về các mô hình, các tổ chức, cá nhân tiên tiến đảm bảo ATTP trong quá trình sản xuất, kinh doanh, đồng thời công khai các cơ sở vi phạm để người tiêu dùng biết và tẩy chay không sử dụng sản phẩm không đảm bảo chất lượng./.
Nguyễn Hương