Tại buổi gặp mặt báo chí cung cấp thông tin do Bộ Y tế tổ chức ngày 13-4, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết lô vắc-xin Moderna đầu tiên do Chính phủ Australia hỗ trợ đã về đến Việt Nam. Hiện lô vắc-xin này đang được kiểm định chất lượng và sẽ được xuất xưởng.
Ngay trong ngày 14-4, tỉnh Quảng Ninh là địa phương đầu tiên triển khai tiêm vắc-xin này cho trẻ nhóm trẻ từ 5 đến dưới 11 tuổi và sang tuần sau, ngành Y tế sẽ triển khai chiến dịch tiêm vắc-xin này cho trẻ 5-11 tuổi trên quy mô toàn quốc. Việc triển khai tiêm sẽ tiến hành trước tiên đối với học sinh lớp 6, sau đó hạ thấp dần độ tuổi. Các địa phương triển khai cuốn chiếu theo trường, địa bàn căn cứ vào tình hình dịch và số lượng vắc-xin được cung ứng.
Theo Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho biết, ước tính cả nước có khoảng 11,8 triệu trẻ em trong độ tuổi từ 5 đến dưới 12 tuổi, trong đó khoảng 8,2 triệu trẻ trong số này chưa mắc COVID-19. Vì vậy, ngành Y tế sẽ triển khai tiêm đủ 2 mũi cho nhóm trẻ này trước, cố gắng hoàn thành trong quý II-2022. Khoảng 3,6 triệu trẻ đã mắc COVID-19 sẽ triển khai tiêm vào tháng 7, tháng 8, tức là khoảng 3 tháng sau khi trẻ mắc COVID-19.
Các phản ứng sau tiêm chủng thường gặp ở nhóm trẻ 5-11 tuổi cũng giống như nhóm tuổi từ 12-17, đó là đau đầu, tiêu chảy, mệt mỏi, sốt, ớn lạnh... Các phản ứng này xuất hiện ở liều tiêm thứ 2 nhiều hơn liều thứ nhất, chiếm trên 10%-50%. Tỉ lệ phản ứng chiếm khoảng dưới 10%, thường là buồn nôn, sưng tại chỗ tiêm. Các trường hợp hiếm gặp với tỷ lệ 1/100.000 hay 1/1.000.000... là phản ứng viêm cơ tim, viêm màng ngoài tim, phản ứng phản vệ. Theo ghi nhận phản ứng ở nhóm trẻ này tại một số quốc gia cũng như khuyến cáo của nhà sản xuất, tỉ lệ viêm cơ tim, viêm màng ngoài tim ở nhóm trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi thấp hơn nhóm 12-18 tuổi. Tuy nhiên, ngành y tế vẫn hướng dẫn các cán bộ tiêm chủng không dựa vào tỉ lệ này mà luôn cảnh giác trong quá trình tiêm, theo dõi sau tiêm để tránh rủi ro.
Vắc-xin COVID-19 chống chỉ định tiêm đối với trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi nếu có dị ứng với bất kỳ thành phần nào trong vắc-xin hoặc có phản ứng với mũi tiêm thứ nhất.
Chuyên gia y tế dự phòng khuyến cáo các bậc phụ huynh, những người chăm sóc trẻ, trước khi đưa trẻ đi tiêm chủng phải theo dõi sức khỏe của trẻ những ngày trước đó, nếu trẻ có các biểu hiện bất thường hoặc viêm long đường hô hấp thì hãy chăm sóc đến khi trẻ khỏe mạnh thì mới đưa trẻ đi tiêm.
Đặc biệt, nếu trẻ nghi ngờ mắc COVID-19 thì không nên tiêm vắc-xin phòng COVID-19. Các bậc phụ huynh cũng cần chia sẻ các thông tin tiền sử của trẻ cho cán bộ y tế như dị ứng, bệnh nền mãn tính... để có những hướng dẫn cụ thể, nhằm bảo đảm an toàn tiêm chủng cho trẻ.
Theo Bệnh viện Nhi Trung ương lưu ý, sau khi tiêm, trẻ cần phải được theo dõi tại điểm tiêm 30 phút, sau đó theo dõi 24/24 giờ trong vòng 3 ngày. Do trẻ sẽ được tiêm cùng thời điểm, nên cả gia đình và nhà trường sẽ thuận tiện trong việc theo dõi trẻ. Các biểu hiện thay đổi sau khi tiêm sẽ nhận biết ở trẻ như sốt, thay đổi màu sắc da, có nổi ban… Đặc biệt, trong 3 ngày đầu sau tiêm, trẻ cần phải tránh vận động mạnh, vì vậy, các môn học cần thể lực như thể dục… cần hạn chế, nhằm tránh nhầm lẫn hoặc bỏ sót các biểu hiện sau tiêm.
Ở Việt Nam, có 2 loại vắc-xin phòng COVID-19 sẽ triển khai tiêm cho trẻ từ 5 - dưới 12 tuổi là vắc-xin Pfizer và vắc-xin Moderna. Khoảng cách giữa 2 mũi tiêm là 4 tuần. Bộ Y tế yêu cầu chỉ tiêm 2 mũi cùng loại vắc-xin, không tiêm trộn với bất kỳ vắc-xin mRNA nào. Đối với liều tiêm cho trẻ trong nhóm tuổi này, vắc-xin Pfizer có liều lượng 0,25ml, tiêm bắp; vắc-xin Moderna tiêm bằng 1/2 liều cơ bản của người lớn (tương đương 0,25ml), giống như tiêm vắc-xin cho người lớn liều nhắc lại, tiêm bắp./.
PV