Sáng 19-1, Ban Chỉ đạo (BCĐ) Trung ương tổng kết Nghị quyết 26-NQ/TW tổ chức hội nghị trực tuyến lấy ý kiến về dự thảo báo cáo tổng kết Nghị quyết hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn (Nghị quyết 26). Các đồng chí: Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng; Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Trưởng BCĐ Trung ương tổng kết Nghị quyết 26; Lê Văn Thành, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ chủ trì hội nghị. Tham gia hội nghị có lãnh đạo một số ban, bộ, ngành Trung ương. Tại điểm cầu tỉnh ta, tham dự hội nghị có đồng chí Lê Quốc Chỉnh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; lãnh đạo một số sở, ngành hữu quan của tỉnh.
Đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng phát biểu chỉ đạo hội nghị. Ảnh: Phương Hoa/ TTXVN |
Phát biểu khai mạc hội nghị, đồng chí Trần Tuấn Anh, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương khẳng định: Sau hơn 13 năm thực hiện Nghị quyết 26 đã thu được nhiều thành tựu quan trọng, có ý nghĩa to lớn, toàn diện. Tốc độ tăng trưởng ngành Nông nghiệp đạt cao. Vai trò chủ thể trong phát triển nông nghiệp, nông thôn của nông dân được phát huy. Chương trình xây dựng NTM đã về đích sớm trước 1,5 năm so với mục tiêu đề ra; đời sống vật chất, tinh thần của người nông dân không ngừng được cải thiện, thu nhập bình quân của người dân nông thôn tăng nhanh hơn ở đô thị, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giảm nhanh, môi trường, cảnh quan nông thôn ngày càng sáng - xanh - sạch - đẹp… Tuy nhiên, khu vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn vẫn còn bộc lộ nhiều hạn chế như: Giá trị tăng trưởng ngành Nông nghiệp đang có xu hướng chậm lại, chưa bền vững; việc xây dựng NTM gắn với CNH-HĐH nông nghiệp, nông thôn còn gặp nhiều khó khăn, bất cập; chênh lệch vùng, miền, giữa nông thôn và đô thị còn cao; môi trường nông thôn còn ô nhiễm… Trước bối cảnh, yêu cầu mới với những thuận lợi, khó khăn đan xen, Đảng và Nhà nước tiếp tục xác định vai trò quan trọng của nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong quá trình xây dựng, phát triển đất nước. Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng xác định: Đẩy mạnh cơ cấu lại nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn gắn với xây dựng NTM, phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung quy mô lớn theo hướng hiện đại ứng dụng công nghệ cao, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; khuyến khích phát triển nông nghiệp xanh, sạch, nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp hữu cơ, công nghệ cao, thông minh, nông nghiệp số thích ứng với biến đổi khí hậu. Tiếp tục triển khai chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM gắn với quá trình đô thị hóa đi vào chiều sâu, hiệu quả bền vững, thực hiện chương trình xây dựng NTM nâng cao, bền vững… Để chuẩn bị cho việc tổng kết Nghị quyết 26, BCĐ tổng kết đã tổ chức 24 hội nghị, hội thảo, làm việc và tổng hợp báo cáo của các bộ, ngành, địa phương để xây dựng dự thảo báo cáo tổng kết Nghị quyết 26.
Đồng chí Lê Quốc Chỉnh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn Đoàn đại biểu Quốc hội của tỉnh tham dự hội nghị trực tuyến tại điểm cầu tỉnh ta. Ảnh: Văn Đại |
Tại hội nghị, các ý kiến phát biểu đều cơ bản nhất trí với các nội dung mà BCĐ Trung ương và Tổ xây dựng dự thảo báo cáo tổng kết Nghị quyết 26 đã soạn thảo. Đồng thời đề nghị xem xét bổ sung một số cơ chế, chính sách tạo nguồn lực để xây dựng, phát triển kinh tế nông nghiệp, xây dựng NTM, đào tạo nguồn nhân lực, lao động nông thôn đáp ứng yêu cầu trong xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, thông minh, thích ứng hiệu quả với tình trạng biến đổi khí hậu; có cơ chế đủ mạnh để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào phát triển nông nghiệp, nông thôn, nhất là tham gia chế biến, bảo quản và tiêu thụ nông sản; hình thành các chuỗi liên kết giá trị và dẫn dắt nông dân hội nhập, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp, tăng thu nhập cho nông dân. Sớm ban hành cơ chế, giải pháp phát triển kinh tế hộ, kinh tế HTX; phát triển sản phẩm OCOP; bộ tiêu chí xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu...
Phát biểu đóng góp ý kiến tại hội nghị, đồng chí Lê Quốc Chỉnh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy đề nghị BCĐ xem xét, nghiên cứu bổ sung giải pháp tăng cường năng lực hội nhập và hợp tác quốc tế; hỗ trợ doanh nghiệp về các vấn đề pháp lý trong giải quyết tranh chấp thương mại, giảm thiểu rủi ro cho doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong nước khi hội nhập quốc tế; có chính sách để hướng kinh tế hộ theo hướng hợp tác, liên kết theo chuỗi giá trị và phát triển bền vững. Chú trọng nâng cao chất lượng lao động ngành Nông nghiệp; tập trung đổi mới mạnh mẽ hình thức tổ chức sản xuất để không ngừng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững...
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư khẳng định: Báo cáo tổng kết Nghị quyết 26 có ý nghĩa rất quan trọng nhằm đáp ứng yêu cầu chuẩn bị từ sớm, kỹ lưỡng, chất lượng các nội dung trình Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương tổng kết, bàn và quyết định những chủ trương, đường lối phát triển mới trên lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Vấn đề “tam nông” luôn được Đảng, Nhà nước xác định là vấn đề quan trọng hàng đầu, thực hiện thành công các vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn có ý nghĩa quyết định đến việc thực hiện thành công các nhiệm vụ chính trị khác của đất nước. Nghị quyết 26 ra đời hợp lòng dân, sát thực tiễn, tính khả thi cao, tạo được cảm hứng cho cả hệ thống chính trị, sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị và của các cơ quan quản lý Nhà nước, các bộ, ngành Trung ương, các tỉnh, thành phố đã tạo ra bước chuyển mạnh mẽ từ nhận thức đến hành động và đạt được nhiều thành tựu to lớn trên lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn; nông nghiệp trở thành trụ đỡ của nền kinh tế đất nước. Trước tình hình mới trong nhiệm vụ xây dựng, phát triển đất nước đặt ra yêu cầu nâng cao chất lượng các nhiệm vụ phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn, hướng đến xây dựng nền nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh đòi hỏi phải tăng cường thêm nhiều chủ trương, chính sách, giải pháp mạnh mẽ mới để thúc đẩy sự phát triển của nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Đây là thời điểm chín muồi để đánh giá, tổng kết và ban hành nghị quyết mới của Ban Chấp hành Trung ương về vấn đề này. Nghị quyết mới phải đạt được yêu cầu: Tiếp tục khẳng định nông nghiệp, nông dân, nông thôn là vấn đề có vị trí, vai trò, ý nghĩa chiến lược đối với giai đoạn phát triển mới của đất nước. Giải quyết tốt các vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn là yếu tố quan trọng mang tính tiền đề để đất nước đạt được mục tiêu mà Đại hội Đảng lần thứ XIII đặt ra đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Nâng cao nhận thức của các cấp ủy, tổ chức Đảng, các ban, bộ, ngành, địa phương về vị trí, vai trò của nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Phải xác định được những giải pháp đột phá phù hợp với từng giai đoạn, có lộ trình để thực hiện, tránh trường hợp quá chung chung. Việc ban hành nghị quyết mới phải tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ trong lĩnh vực tam nông trên cơ sở những gì đã làm tốt cần phát huy, có giải pháp mới để giải quyết những vấn đề mới, để người nông dân yên tâm làm giàu trên đồng đất đã được Nhà nước giao mà không phải “ly hương”, thu hút được nhiều nguồn lực đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; nông sản Việt Nam phải được mong chờ “đặt hàng” chứ không phải chờ đợi để được “giải cứu”. Nông thôn trở thành môi trường để giới trẻ khởi nghiệp trong kinh tế nông nghiệp, môi trường bền vững, an ninh trật tự được giữ vững, đời sống văn hóa, tinh thần được nâng cao. Đồng chí Thường trực Ban Bí thư yêu cầu: BCĐ tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu tối đa các ý kiến để hoàn thiện dự thảo báo cáo, phấn đấu đến tháng 3-2022 trình Bộ Chính trị cho ý kiến, tháng 5-2022 trình Ban Chấp hành Trung ương Đảng để ban hành và triển khai cụ thể ngay./.
Văn Đại