Ngày 6-9, Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội họp phiên mở rộng để thẩm tra sơ bộ Báo cáo tình hình Hiến pháp và thực hiện Nghị quyết số 67/2013/QH13 về tăng cường công tác triển khai thi hành luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành năm 2021.
Trình bày báo cáo về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu cho biết, thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục quan tâm, chỉ đạo quyết liệt công tác xây dựng pháp luật, hoàn thiện thể chế pháp luật, triển khai thi hành Hiến pháp, luật, pháp lệnh và ban hành văn bản quy định chi tiết. Công tác xây dựng pháp luật đã gắn kết hơn với công tác xây dựng thi hành pháp luật và cải cách thủ tục hành chính. Các văn bản được ban hành đảm bảo đúng thẩm quyền, bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, cơ bản đảm bảo tính thống nhất. Công tác kiểm tra, theo dõi, đôn đốc ban hành văn bản quy phạm pháp luật được chú trọng, nhất là những lĩnh vực có tác động trực tiếp đến người dân và doanh nghiệp, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân và doanh nghiệp, đồng thời nâng cao nhận thức của cơ quan có thẩm quyền trong việc chấp hành kỷ luật ban hành văn bản. Tình trạng chậm ban hành văn bản quy định chi tiết đã từng bước được khắc phục nhưng đến nay vẫn còn nợ 8 văn bản. Công tác phối hợp tham gia, góp ý trong xây dựng văn bản pháp luật và công tác phối hợp tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật giữa các bộ, ngành chưa thực sự chặt chẽ.
Còn theo nhóm nghiên cứu của Thường trực Ủy ban Pháp luật, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật thời gian qua đôi khi chưa có trọng tâm, trọng điểm, cũng như chưa lựa chọn hình thức và phương pháp phù hợp với đối tượng, địa bàn. Công tác xây dựng pháp luật để triển khai thi hành Hiến pháp còn chưa đạt kết quả đề ra.
Việc tổ chức thi hành pháp lệnh, nghị quyết trong một số trường hợp còn chưa kịp thời, hiệu quả chưa cao, việc áp dụng pháp luật có lúc, có nơi còn chưa đồng bộ, thống nhất. Đáng chú ý, tình trạng nợ văn bản hướng dẫn thi hành pháp luật vẫn diễn ra, chiếm 60,44%, trong đó có văn bản nợ lâu nhất gần 2 năm và văn bản chậm ban hành nhất là nghị định.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Đặng Thuần Phong nhận định, việc trình dự thảo văn bản chi tiết kèm theo các dự án luật, pháp lệnh mang tính hình thức, chưa thực chất, đưa đầy đủ, chưa lường hết tình huống phát sinh, nên ảnh hưởng đến tiến độ ban hành. Từ đó, ông Đặng Thuần Phong đề nghị Chính phủ đánh giá đầy đủ để có giải pháp khắc phục tình trạng này.
Nhiều đại biểu nhấn mạnh đến giải pháp quy trách nhiệm người đứng đầu cơ quan để xảy ra chậm trễ trong triển khai thi hành, ban hành văn bản hướng dẫn. Các đại biểu đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo hạn chế thấp nhất việc ban hành văn bản quy phạm chi tiết hướng dẫn thi hành; đồng thời tăng cường giám sát việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội.
Các ý kiến đề nghị Chính phủ cần có giải pháp cụ thể, quyết liệt để sớm khắc phục hạn chế, bảo đảm các điều kiện cần thiết để 5 luật sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2022, bao gồm: Luật Bảo vệ môi trường; Luật Xử lý vi phạm hành chính (sửa đổi); Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; Luật Biên phòng Việt Nam và Luật Phòng, chống ma túy được thực hiện nghiêm túc. Dự kiến sẽ có 55 văn bản hướng dẫn 5 luật này.
Phát biểu tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, trên cơ sở ý kiến tại phiên họp, Thường trực Ủy ban Pháp luật sẽ hoàn thiện báo cáo thẩm tra sơ bộ và trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại phiên họp thứ 3, dự kiến khai mạc vào ngày 13-9 tới./.
PV