Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 trên toàn cầu, Chính phủ đã triển khai chiến dịch “ngoại giao vắc-xin” khẩn trương, toàn diện, quyết liệt để có vắc-xin nhiều nhất và nhanh nhất để mở rộng tiêm chủng trên toàn quốc. Theo Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ, thời gian tới, Việt Nam sẽ đẩy mạnh ngoại giao vắc-xin với ba mũi tiếp cận, đồng thời tìm kiếm nhiều nguồn tiếp cận thuốc đặc trị COVID-19.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Minh Vũ, nửa đầu năm nay, thế giới cần 11 tỷ liều vắc-xin để đạt miễn dịch cộng đồng, nhưng các hãng mới sản xuất được 4,5 tỷ liều. Vì vậy, tình trạng khan hiếm vắc-xin đặt ra với tất cả các nước, trong đó có Việt Nam. Triển khai Chiến lược ngoại giao vắc-xin, Tổ công tác Ngoại giao vắc-xin đang đẩy mạnh ba mũi tiếp cận gồm: đẩy mạnh triển khai cam kết theo các hợp đồng cung ứng vắc-xin mà Chính phủ đã ký với các hãng lớn; Tổ công tác tranh thủ mối quan hệ với các đối tác song phương, đa phương để tiếp cận vắc-xin bằng hình thức viện trợ, thương mại…; thúc đẩy ký kết hợp đồng mua vắc-xin mới với các hãng lớn, đồng thời tích cực tìm kiếm cơ hội hợp tác về sản xuất vắc-xin ở trong nước, để có nguồn cung ổn định, lâu dài.
Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ cho rằng: Hiện, chiến lược vắc-xin và “ngoại giao vắc-xin” đã được triển khai bài bản, quyết liệt trên nhiều cấp khác nhau, đặc biệt ở cấp cao.
“Nếu như đầu tháng 8-2021, chúng ta huy động được 16,6 triệu liều vắc-xin thì đến cuối tháng 8, Việt Nam đã có thêm 33 triệu liều vắc-xin. Dự kiến trong tháng 9 và tháng 10-2021, Việt Nam sẽ có thêm 30 triệu liều vắc-xin. Riêng trong tháng 9-2021 sẽ có 16-17 triệu liều đến Việt Nam từ các nguồn khác nhau” - ông Vũ cho hay.
Với thuốc đặc trị, Thứ trưởng Nguyễn Minh Vũ cho biết, trong thời gian qua, Bộ Y tế và các cơ quan đại diện nước ngoài đã vận động Chính phủ các nước để nhập khẩu nhiều triệu liều thuốc đặc trị từ các nước như Nhật bản, Ấn Độ, Thuỵ Sĩ. Các liều thuốc đặc trị COVID-19 đã phát huy tác dụng, bảo vệ sức khoẻ cộng đồng.
Ngoài ra, tổ công tác cũng đẩy mạnh tiếp cận các trang thiết bị y tế từ các nguồn. Đến nay, có 17 nước, vùng lãnh thổ, kiều bào đã hỗ trợ các thiết bị y tế trị giá hàng triệu USD. Việt Nam cũng tham gia hết sức tích cực vào “ngoại giao vắc-xin” ở kênh đa phương, kêu gọi cộng đồng quốc tế có giải pháp về vấn đề bất bình đẳng trong tiếp cận vắc-xin và khan hiếm vắc-xin./.
PV