Công điện của Chủ tịch UBND tỉnh về việc sẵn sàng, chủ động ứng phó với thiên tai

07:09, 08/09/2021

Ngày 8-9-2021, Chủ tịch UBND tỉnh có Công điện số 29/CĐ-UBND gửi các đồng chí thành viên Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh; Giám đốc, thủ trưởng các sở, ban, ngành của tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố Nam Định; Chủ tịch Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Bắc Nam Hà; Các Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình thủy lợi trong tỉnh về việc sẵn sàng, chủ động ứng phó với thiên tai. Nội dung Công điện như sau:

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH NAM ĐỊNH điện:

- Các đồng chí thành viên Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh;

- Giám đốc, thủ trưởng các sở, ban, ngành của tỉnh; 

- Chủ tịch UBND các huyện, thành phố Nam Định; 

- Chủ tịch Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Bắc Nam Hà; Các Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình thủy lợi trong tỉnh.

Thực hiện Công điện số 1107/CĐ-TTg ngày 31-8-2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc sẵn sàng ứng phó với thiên tai. 

Theo nhận định của cơ quan dự báo khí tượng thủy văn, thiên tai tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, từ nay đến cuối năm có khoảng 7-9 cơn bão, áp thấp nhiệt đới hoạt động trên biển Đông, trong đó 3-4 cơn bão có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta. Hiện nay, vùng biển Đông Nam Philippin xuất hiện cơn bão CONSON với sức gió mạnh cấp 8, giật cấp 10; dự báo bão sẽ đi vào khu vực phía Bắc biển Đông trong đêm ngày 8-9 đến ngày 9-9 và có khả năng mạnh thêm. Bão có khả năng đổ bộ vào miền Bắc nước ta, trong đó có địa bàn tỉnh Nam Định và gây ra một đợt mưa lớn trên diện rộng.

Để chủ động ứng phó thiên tai, nhất là bão và mưa, lũ lớn kéo dài trên diện rộng, nhằm bảo vệ an toàn tính mạng của nhân dân, hạn chế thấp nhất thiệt hại, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến hết sức phức tạp, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu:

1. Các sở, ngành, địa phương thực hiện nghiêm nội dung chỉ đạo tại văn bản số 628/UBND-VP3 ngày 1-9-2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc chủ động ứng phó thiên tai, mưa lũ, bão lớn trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp; đồng thời căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao chủ động xây dựng, tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh các phương án chỉ đạo điều hành, ứng phó với các tình huống thiên tai có thể xảy ra, đặc biệt là trường hợp xảy ra bão mạnh, mưa lớn, ngập lụt kéo dài trên diện rộng, tuyệt đối không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống.

2. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Công an tỉnh phối hợp với các đơn vị hiệp đồng rà soát, sẵn sàng lực lượng, phương tiện, trang thiết bị để hỗ trợ các địa phương ứng phó thiên tai; tổ chức cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu, sơ tán di dân ra khỏi vùng nguy hiểm, đảm bảo công tác phòng chống dịch bệnh.

3. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 

- Tăng cường công tác trực ban theo quy định; tổng hợp, báo cáo và phối hợp với các đơn vị liên quan xử lý kịp thời ngay từ giờ đầu những sự cố, hư hỏng của đê, kè, cống.

 - Chỉ đạo các đơn vị có liên quan đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ các công trình đê, kè, xây dựng phương án đảm bảo an toàn máy móc, phương tiện và con người trong quá trình thi công, chủ động ứng phó khi có thiên tai xảy ra.

- Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính căn cứ tình hình thực tế chủ động tham mưu, bố trí kinh phí để tu bổ, sửa chữa, khắc phục kịp thời các sự cố đê điều, công trình phòng, chống thiên tai ngay trong mùa mưa bão.

4. Sở Giao thông Vận tải kiểm tra, rà soát lực lượng, vật tư, phương tiện, triển khai các phương án đảm bảo an toàn giao thông trong trường hợp xảy ra mưa bão lớn và ngập lụt kéo dài.

5. Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh chủ động theo dõi, kịp thời đưa các bản tin dự báo, cảnh báo để các cấp, các ngành và nhân dân đề phòng, ứng phó.

6. Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh kiểm tra, rà soát, đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình, xây dựng phương án đảm bảo an toàn thiết bị và con người trong quá trình thi công, chủ động ứng phó khi có thiên tai xảy ra.

7. Sở Y tế sẵn sàng phương tiện, thiết bị đảm bảo an toàn phòng chống dịch cho công tác chỉ đạo, ứng phó khắc phục hậu quả thiên tai tại các địa phương.

8. Các sở, ngành, đơn vị theo chức năng, nhiệm vụ được giao, chủ động triển khai các hoạt động phòng, chống thiên tai để giảm thiểu thiệt hại. 

9. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố Nam Định 

- Tổ chức kiểm tra, rà soát phương án ứng phó thiên tai cụ thể, phù hợp với tình hình và điều kiện cụ thể tại địa phương, nhất là phương án di dời, sơ tán dân trong điều kiện dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Y tế; chủ động kiểm tra các trọng điểm đê điều, thuỷ lợi, công trình phòng chống thiên tai xung yếu, các dự án đang thi công; xử lý kịp thời các sự cố để đảm bảo an toàn; sẵn sàng lực lượng phương tiện trang thiết bị theo phương châm “bốn tại chỗ" để xử lý khi có tình huống xảy ra, tuyệt đối không để xảy ra bị động, bất ngờ trong mọi tình huống.

 - Chỉ đạo các phòng, ban, đơn vị, địa phương liên quan tăng cường tuần tra, canh gác, phát hiện, xử lý kịp thời các sự cố đê điều, triển khai phương án hộ đê, bảo vệ trọng điểm xung yếu, bảo đảm an toàn cho dân cư vùng bối, bãi và đáp ứng yêu cầu phòng chống dịch trên địa bàn. 

- Thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, phát hiện, xử lý nghiêm các vi phạm pháp luật về đê điều, thủy lợi đảm bảo yêu cầu phòng, chống thiên tai trong bối cảnh dịch bệnh.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố Nam Định chịu trách nhiệm trước Ủy ban nhân dân tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh về công tác chủ động phòng, chống thiên tai trên địa bàn.

Yêu cầu các sở, ngành, địa phương nghiêm túc triển khai thực hiện; báo cáo kết quả về Ủy ban nhân dân tỉnh (qua Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổng hợp, báo cáo)./.

KT.CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH

Trần Anh Dũng

 


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com