Sáng 28-8, Bộ GD và ĐT tổ chức hội nghị trực tuyến tổng kết năm học 2020-2021, triển khai nhiệm vụ năm học 2021-2022 với 65 điểm cầu các tỉnh, thành và hơn 400 điểm cầu tại các cơ sở giáo dục đại học. Dự và chủ trì hội nghị có các đồng chí: Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Nguyễn Kim Sơn, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ GD và ĐT; đại diện một số Bộ, ngành, cơ quan trung ương.
Các đồng chí: Phạm Gia Túc, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Phạm Đình Nghị, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh dự và chủ trì hội nghị tại điểm cầu tỉnh. |
Dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh ta có các đồng chí: Phạm Gia Túc, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Phạm Đình Nghị, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Phạm Thị Thu Hằng, Ủy viên Ban TVTU, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; Trần Lê Đoài, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh.
Năm học 2020-2021 diễn ra trong bối cảnh đại dịch COVID-19 bùng phát trở lại, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tất cả các ngành, lĩnh vực. Ngành GD và ĐT đã chủ động, kịp thời điều chỉnh kế hoạch năm học, hướng dẫn cha mẹ nuôi dưỡng, chăm sóc giáo dục trẻ trong thời gian trẻ ở nhà; hướng dẫn tinh giản nội dung chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) học kỳ II đảm bảo những nội dung cốt lõi, nền tảng; vận dụng linh hoạt hình thức dạy học trực tuyến, điều chỉnh quy định đánh giá cuối năm học, nhằm thực hiện tốt phương châm “tạm dừng đến trường, không dừng học”. Mạng lưới cơ sở giáo dục mầm non đa dạng, đáp ứng nhu cầu trẻ đến trường và nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ; tỷ lệ huy động trẻ em mẫu giáo 5 tuổi đạt 99,78%, tỷ lệ trẻ em mẫu giáo 5 tuổi hoàn thành Chương trình giáo dục mầm non 99,7%, tỷ lệ trẻ em mẫu giáo 5 tuổi được học 2 buổi/ngày đạt 99,9%. Công tác triển khai chương trình, sách giáo khoa mới đối với lớp 1 hoàn thành đúng kế hoạch, đảm bảo chuẩn đầu ra, yêu cầu cần đạt của chương trình, một số mặt còn nổi trội hơn so với chương trình hiện hành. Chất lượng GDPT mũi nhọn tiếp tục được quốc tế ghi nhận, đánh giá cao; chất lượng giáo dục đại học có những cải thiện rõ rệt. Mạng lưới, quy mô GDPT tiếp tục ổn định, chất lượng giáo dục đại trà và chất lượng mũi nhọn ở phổ thông tiếp tục được nâng lên. Các cơ sở GDPT thực hiện tốt việc đổi mới phương pháp, hình thức dạy học; đổi mới kiểm tra, đánh giá học sinh theo định hướng phát triển năng lực, phẩm chất người học. Chất lượng giáo dục tiểu học, THCS, THPT tiếp tục được nâng lên; chất lượng giáo dục đại học ngày càng được quan tâm, văn hoá kiểm định gắn với chất lượng từng bước được hình thành trong từng cơ sở giáo dục đại học. Kết quả đổi mới giáo dục của Việt Nam được các nước, tổ chức quốc tế ghi nhận, đánh giá cao. Bên cạnh kết quả đạt được, ngành GD và ĐT còn một số tồn tại, hạn chế: Việc sắp xếp lại một số cơ sở GDMN, GDPT chưa phù hợp, còn thiếu trường, lớp. Tình trạng thừa, thiếu cục bộ giáo viên mầm non, phổ thông ở một số địa phương vẫn chưa được giải quyết đứt điểm. Giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng làm việc chưa được chú trọng đúng mức. Chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội...
Năm học 2021-2022, toàn ngành GD và ĐT đề ra phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm: Chuyển đổi trạng thái hoạt động của ngành GD và ĐT thích ứng với dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp và có thể kéo dài, gắn với đẩy mạnh chuyển đổi số trong quản lý giáo dục, tổ chức các hoạt động dạy học và kiểm tra, đánh giá. Chủ động xây dựng và triển khai kế hoạch năm học 2021-2022 linh hoạt, phù hợp với tình hình diễn biến dịch COVID-19. Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong các cơ sở giáo dục và đào tạo; xây dựng văn hóa học đường. Cung cấp, trau dồi các kỹ năng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và nâng cao nhận thức về chuyển đổi số, kinh tế số cho học sinh, sinh viên. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong GD và ĐT.
Tại Hội nghị, các ý kiến phát biểu thống nhất cao với dự thảo báo cáo, đồng thời thảo luận, đóng góp nhiều ý kiến quan trọng cho việc thống nhất các nhiệm vụ, giải pháp trong năm học 2021-2022.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính biểu dương nỗ lực của toàn ngành GD và ĐT, các địa phương và toàn xã hội trong việc phát triển GD và ĐT trong năm học qua. Thủ tướng yêu cầu ngành GD và ĐT cần chỉ đạo các cấp học quan tâm hơn nữa đến mục tiêu dạy người toàn diện, thực chất hơn; phối hợp với các cấp, ngành, địa phương hoàn thiện thể chế về GD và ĐT; nâng cao năng lực lãnh đạo của đội ngũ quản lý giáo dục các cấp; tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng cho giáo dục; căn cứ thực tế mỗi địa phương để thực hiện sắp xếp lại hệ thống trường lớp, từng bước ổn định đội ngũ về cả số lượng và chất lượng, ưu tiên đội ngũ thực hiện chương trình GDPT 2018. Ngành GD và ĐT chỉ đạo các đơn vị giáo dục chủ động xây dựng, triển khai kế hoạch năm học 2021-2022 linh hoạt, phù hợp với tình hình dịch COVID-19 tại địa phương, trong đó, triển khai thật hiệu quả các biện pháp về phòng, chống dịch COVID-19; phối hợp với ngành Y tế chủ động xây dựng các kịch bản, giải pháp ứng phó với tình huống dịch COVID-19 dự báo còn có thể kéo dài và diễn biến phức tạp. Tận dụng tối đa thời gian tổ chức dạy học trực tiếp khi dịch bệnh được kiểm soát. Tăng cường các điều kiện cơ sở vật chất, đảm bảo chất lượng dạy và học trực tuyến cả trong trường hợp bình thường lẫn trường hợp dịch bệnh diễn biến phức tạp, không để bị động, lúng túng, đảm bảo hoàn thành kế hoạch năm học, giữ vững mục tiêu chất lượng giáo dục. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu lãnh đạo các tỉnh, thành phố quan tâm ưu tiên đảm bảo cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học tối thiểu phục vụ việc dạy học; hỗ trợ các trường, học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn hoặc ở các địa bàn vùng núi, vùng sâu, vùng xa, không để học sinh nào vì điều kiện kinh tế mà không thể đến trường; tiếp tục hoàn thiện thể chế, tăng phân cấp và thanh tra kiểm tra, đẩy mạnh chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo./.
Tin: Minh Thuận
Ảnh: Việt Thắng