Việt Nam đã khống chế được dịch HIV trong nhóm tiêm chích ma túy

05:06, 09/06/2021

Tối 8-6, bên lề hội nghị cấp cao về HIV/AIDS năm 2021 của Liên hợp quốc đã diễn ra phiên họp cấp cao với chủ đề “Không dự phòng, Không thể kết thúc: Vai trò lãnh đạo trong việc khống chế và đẩy lùi đại dịch HIV/AIDS”. PGS. TS. Nguyễn Thanh Long, Bộ trưởng Bộ Y tế Việt Nam tham dự phiên họp.

Tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã chia sẻ về những kinh nghiệm trong việc ngăn ngừa các ca nhiễm mới HIV thông qua việc áp dụng các chương trình điều trị duy trì bằng Methadone - một chương trình giảm thiểu tác hại có thể gây tranh cãi. Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, Việt Nam đã lọt vào nhóm một số ít quốc gia đã khống chế dịch HIV trong nhóm tiêm chích ma túy. 15 năm trước, tiêm chích heroin là nguyên nhân chính làm lây truyền HIV ở Việt Nam, với tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm người nghiện chích ma túy là khoảng 30%, nhưng hiện nay, tỷ lệ này chỉ còn 10%.

Để đạt được bước chuyển này, bài học đầu tiên đó chính là sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp chính quyền, sự quyết tâm chính trị, việc này rất quan trọng, làm thay đổi nhận thức của các cấp lãnh đạo, các bộ, ban, ngành, đặc biệt là thay đổi nhận thức của người dân, chấp nhận nghiện ma túy như một bệnh, chứ không phải là tội phạm và từ đó tích cực điều trị. Đồng thời, Việt Nam cũng phân phát rất mạnh bơm kim tiêm sạch và phân phát một cách sáng tạo do cộng đồng thực hiện và triển khai đồng bộ nhiều chương trình can thiệp khác để dự phòng lây nhiễm HIV như: Phân phát bao cao su, điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PreP).

Để giảm thiểu số người nhiễm HIV trong nhóm nghiện chích ma túy, Việt Nam cũng đã triển khai điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế. Cụ thể như chương trình điều trị Methadone và Buprenorphine được mở rộng, góp phần quan trọng ngăn chặn sự lây lan HIV trong nhóm tiêm chích ma túy. Ngoài ra, điều trị Methadone còn giúp người nghiện cải thiện sức khỏe, tình trạng dinh dưỡng, cải thiện và ổn định quan hệ với gia đình, giúp có công việc ổn định. Tương tự như vậy, chất lượng cuộc sống của người bệnh cũng tốt lên, chỉ số trả lời từ tốt trở lên chỉ chiếm 15,9% trước điều trị đã tăng lên 50,6% sau 12 tháng điều trị và tiếp tục tăng lên 55,1% sau 24 tháng tháng điều trị Methadone. Người bệnh hài lòng với sức khoẻ của mình cũng tăng từ 81,6% trước điều trị lên 93,8% sau 12 tháng điều trị và 94,1% sau 24 tháng điều trị Methadone./.

PV



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com