Thực hiện Nghị quyết số 34/NQ-CP ngày 25-3-2021 của Chính phủ; Quyết định số 1975/QĐ-TTg ngày 2-12-2020 của Thủ tướng Chính phủ; Chương trình hành động số 04-CTr/TU ngày 25-11-2020 của Tỉnh ủy để thực hiện Kết luận số 81-KL/TW ngày 29-7-2020 của Bộ Chính trị. Ngày 5-5-2021 UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 51/KH-UBND về đảm bảo an ninh lương thực quốc gia đến năm 2030.
Kế hoạch số 51/KH-UBND đặt mục tiêu đến năm 2030 tỉnh ta tiếp tục nâng cao hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp; sử dụng hiệu quả quỹ đất lúa với kế hoạch chặt chẽ giữ ổn định diện tích lúa theo phân khai của Chính phủ, sản lượng lúa hàng năm đảm bảo 650-850 nghìn tấn; cung cấp đầy đủ, đa dạng, an toàn các loại thực phẩm như thịt, trứng, sữa, thủy sản, rau quả, đồ uống với chất lượng ngày càng cao, góp phần bảo đảm nâng cao đời sống nhân dân, ổn định chính trị, xã hội trong mọi tình huống. Nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm nông nghiệp trong tỉnh và khả năng tiếp cận thị trường nhằm giúp người dân nông thôn tăng thu nhập gấp hơn 1,7 lần so với năm 2020, cải thiện đời sống, gắn bó bền vững với nông nghiệp. Đảm bảo nhu cầu dinh dưỡng, khẩu phần ăn cân đối, khoa học của người dân, nâng mức tiêu thụ lương thực, giảm tỉ lệ suy dinh dưỡng của trẻ em dưới 5 tuổi thể thấp còi xuống dưới 14% và thể nhẹ cân xuống dưới 10%, tỉ lệ béo phì của trẻ em dưới 5 tuổi ở các huyện dưới 5% và thành phố Nam Định dưới 10%.
Để thực hiện được mục tiêu đó, UBND tỉnh đã đề ra 8 nhóm giải pháp trọng tâm gồm: Tổ chức phổ biến, quán triệt, tuyên truyền đến toàn thể đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong cơ quan, đơn vị về vai trò, ý nghĩa quan trọng của công tác bảo đảm an ninh lương thực quốc gia trong tình hình mới...; Tiếp tục cơ cấu lại ngành nông nghiệp để phát triển sản xuất, chế biến, tiêu thụ lương thực, thực phẩm theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn, hợp tác liên kết theo chuỗi giá trị, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu…; Tổ chức thực hiện có hiệu quả các chính sách của Trung ương về nông nghiệp, nông thôn; Phát triển cơ sở hạ tầng và khoa học công nghệ nông nghiệp, nông thôn đáp ứng yêu cầu sản xuất hàng hóa; Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng đội ngũ cán bộ kỹ thuật và quản lý nông nghiệp có trình độ chuyên môn sâu, có kỹ năng, kỹ thuật, tâm huyết trong xây dựng và phát triển nông nghiệp hiện đại, ứng dụng công nghệ cao; Đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất; Nâng cao khả năng và quyền tiếp cận của người dân đối với lương thực, thực phẩm an toàn, đảm bảo dinh dưỡng; phát triển hệ thống lưu thông, xuất khẩu; hợp tác quốc tế trong đảm bảo an ninh lương thực; Phát triển hệ thống thông tin an ninh lương thực.
UBND tỉnh giao Sở NN và PTNT chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố triển khai thực hiện các nội dung của Kế hoạch. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh và các đoàn thể chính trị - xã hội căn cứ chức năng, nhiệm vụ và phạm vi quản lý của đơn vị chủ động lựa chọn những nội dung thiết thực, phối hợp để tuyên truyền, vận động, khích lệ, động viên các cá nhân, tổ chức tích cực tham gia sản xuất sản phẩm nông nghiệp có chất lượng, an toàn thực phẩm đáp ứng nhu cầu của người dân trong tỉnh và thị trường ngoài tỉnh, đồng thời hiểu rõ về tầm quan trọng của an ninh lương thực trong thời kỳ mới. UBND các huyện, thành phố bố trí nguồn ngân sách của địa phương hỗ trợ phát triển nông nghiệp; đẩy mạnh các hoạt động thu hút đầu tư vào sản xuất nông nghiệp; phối hợp với các sở, ngành liên quan hỗ trợ, tạo điều kiện tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp trong triển khai các dự án đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn./.
Thành Trung