Thông báo Kết luận của đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh tại Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác PCTT và TKCN năm 2020 và triển khai nhiệm vụ năm 2021

03:04, 09/04/2021

Ngày 6-4-2021, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh chủ trì Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác PCTT và TKCN năm 2020 và triển khai nhiệm vụ năm 2021. Cùng dự Hội nghị có các đồng chí lãnh đạo UBND tỉnh, các đồng chí trong Ban chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh, đồng chí Bí thư Huyện ủy, Thành uỷ, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố và các đơn vị có liên quan. Sau khi nghe Báo cáo tổng kết công tác PCTT và TKCN tỉnh năm 2020, triển khai nhiệm vụ năm 2021 và ý kiến phát biểu của các đại biểu tham dự Hội nghị; đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh kết luận:

Năm 2020, thời tiết, thiên tai diễn biến bất thường, không theo quy luật (mưa đá vào mùng 1 Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, nắng nóng kéo dài,..); tỉnh Nam Định chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão số 2, bão số 7 và hoàn lưu bão số 5 gây mưa lớn. Hiện tượng triều cường, gió mạnh trên biển tiếp tục gây ảnh hưởng nặng nề đến hệ thống đê biển của 3 huyện ven biển, đặc biệt kè bãi tắm Thịnh Long huyện Hải Hậu, kè Hải Thịnh 2, Hải Thịnh 3 huyện Hải Hậu bị sạt lở nghiêm trọng. Song, Ban chỉ huy PCTT và TKCN của tỉnh, của huyện đã tuân thủ nghiêm túc chỉ đạo của Trung ương, chủ động, tích cực trong PCTT và TKCN. Các ngành, địa phương thường xuyên theo dõi diễn biến thời tiết, kiểm tra, rà soát toàn bộ hệ thống đê kè, đặc biệt là những điểm xung yếu, kịp thời phát hiện, sửa chữa hư hỏng, đã hạn chế thiệt hại do thiên tai gây ra.

Tuy nhiên, công tác PCTT và TKCN vẫn còn một số tồn tại, khó khăn như báo cáo đã nêu, như: Các vi phạm pháp luật về đê điều còn xảy ra ở một số địa phương, việc xử lý các vi phạm chưa triệt để; ý thức tự phòng chống thiên tai của mỗi địa phương, mỗi cơ quan, đơn vị và mỗi gia đình cá nhân còn chưa được nâng cao; nguồn lực đảm bảo phòng chống thiên tai còn hạn chế, chủ yếu phụ thuộc vào nguồn vốn từ ngân sách trung ương.

Năm 2021, dự báo thiên tai tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường trong điều kiện của biến đổi khí hậu ngày càng gay gắt; hiện nay, dọc ven biển của tỉnh đang triển khai thi công các dự án lớn (dự án đường trục, đường ven biển, một số khu cụm công nghiệp,..) cũng như ở một số huyện, ngành có các công trình giao thông thủy lợi đang triển khai thi công; hạ tầng thoát nước thành phố còn hạn chế các nhà tập thể chung cư cũ ngày càng xuống cấp. Vì vậy, yêu cầu các sở, ngành, các huyện, thành phố và các cấp chính quyền tiếp tục xác định nhiệm vụ phòng tránh, giảm nhẹ thiên tai, tìm kiếm cứu nạn là nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt, với mục tiêu đảm bảo tuyệt đối an toàn tính mạng của người dân, hạn chế thấp nhất thiệt hại về sản xuất, tài sản của nhân dân và nhà nước.

Để chủ động ứng phó với những diễn biến khó lường về thiên tai năm 2021, từ những dự báo trên và đặc điểm tình hình của tỉnh, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố, đơn vị liên quan tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đã nêu trong Báo cáo tổng kết, đồng thời thực hiện tốt một số nhiệm vụ sau:

1. Rà soát, kiện toàn Ban Chỉ huy PCTT và TKCN các cấp theo quy định; phân công nhiệm vụ, trách nhiệm cụ thể cho từng đơn vị, từng thành viên. Tổ chức tổng kết công tác phòng chống thiên tai năm 2020, triển khai nhiệm vụ năm 2021.

2. Các Sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố quán triệt, chỉ đạo cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của đơn vị mình thực hiện nghiêm túc các quy định về công tác phòng, chống thiên tai; người đứng đầu các cơ quan, đơn vị chịu trách nhiệm về công tác phòng, chống thiên tai tại đơn vị mình, cấp mình.

3. Sở NN và PTNT, Sở Thông tin và Truyền thông, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Nam Định, UBND các huyện, thành phố đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền (nhất là tuyên truyền thông qua hệ thống phát thanh, truyền thanh của xã, phường, thị trấn) về kiến thức, kinh nghiệm phòng, chống thiên tai để các cơ quan, tổ chức và mỗi người dân nâng cao nhận thức, trách nhiệm, kỹ năng trong việc chủ động phòng tránh, ứng phó, giảm nhẹ ảnh hưởng của thiên tai (với quan điểm mỗi cơ quan, mỗi cấp phải tự phòng chống ở cơ quan đó, cấp đó; mỗi gia đình phải tự phòng chống chính gia đình của mình).

4. Sở NN và PTNT, Sở Kế hoạch và Đầu tư, UBND các huyện, thành phố, các đơn vị liên quan tập trung đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình đê, kè, giao thông, thủy lợi; rà soát, kiểm tra, quan trắc gia cố các điểm xung yếu trên tuyến đê sông, đê biển để kịp thời phục vụ công tác phòng chống thiên tai.

5 Sở NN và PTNT (cơ quan thường trực Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh), UBND các huyện, thành phố, UBND các xã, phường, thị trấn tăng cường kiểm tra các công trình đê điều, thủy lợi, có phương án đảm bảo an toàn; xử lý các vi phạm pháp luật về đê điều, các trường hợp đổ rác thải, phế liệu trên mặt đê; kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm mới, nhất là cán bộ, đảng viên và báo cáo cấp trên xử lý đối với những trường hợp vi phạm vượt thẩm quyền.

6. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Công an tỉnh theo chức năng nhiệm vụ chủ động xây dựng phương án, kế hoạch, kịch bản ứng phó với từng tình huống cụ thể, nhất là phương án tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ sơ tán, đảm bảo an ninh trật tự và khắc phục hậu quả của thiên tai. Chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện, trang thiết bị và tổ chức tập huấn theo từng cấp độ kịch bản để chủ động triển khai khi xảy ra thiên tai.

7. Đài khí tượng thủy văn tỉnh thường xuyên theo dõi chặt chẽ tình hình diễn biến thời tiết, khí hậu; nâng cao chất lượng thông tin cảnh báo, dự báo về các diễn biến bất thường của thời tiết, đặc biệt là về bão. Cung cấp kịp thời các số liệu, thông tin dự báo thời tiết cho tỉnh và các ban, ngành, địa phương để kịp thời chỉ đạo, ứng phó với các diễn biến của thời tiết.

8. Các Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên khai thác công trình thủy lợi chủ động nâng cao năng lực tưới, tiêu của hệ thống công trình; xây dựng các phương án chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn và phòng, chống úng, lụt; thường xuyên kiểm tra, làm sạch, thông thoáng hệ thống kênh mương đảm bảo vệ sinh môi trường, phục vụ tốt việc cấp nước, tiêu thoát nước, phục vụ cho sản xuât.

9. Các sở, ban, ngành theo chức năng, nhiệm vụ được giao, chủ động xây dựng kế hoạch, chỉ đạo và thực hiện tốt công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai; sẵn sàng lực lượng, phương tiện, vật tư cần thiêt để chủ động tham gia PCTT và TKCN khi có thiên tai, bão lũ xảy ra. Các thành viên Ban chỉ huy PCTT và TKCN của tỉnh thường xuyên hướng dẫn, kiểm tra công tác phòng chống thiên tai các đơn vị được phân công phụ trách.

10. UBND các huyện, thành phố rà soát, cập nhật, hoàn thiện các kế hoạch, phương án, kịch bản ứng phó thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của địa phương mình, theo phương châm “4 tại chỗ”. Đồng thời, chuẩn bị đầy đủ các loại vật tư phương tiện theo phương án để sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ khi có thiên tai. Tổ chức diễn tập nâng cao kỹ năng cho các lực lượng ứng phó với thiên tai, nhất là tại các xã, phường, thị trấn.

Đối với các tàu cá chưa lắp thiết bị hành trình, ngành NN và PTNT, các huyện, đặc biệt là 3 huyện ven biển kiểm tra, động viên các tàu cá khẩn trương lắp thiết bị hành trình để vừa đảm bảo ngư trường đánh bắt theo quy định, không vi phạm, vừa để phòng chống thiên tai.

UBND thành phố Nam Định có phương án phòng chống ngập khi mưa lớn nhất là khu vực trọng điểm; rà soát, kiểm tra lại các nhà hư hỏng, nhà chung cư nhà sở hữu nhà nước không đảm bảo để có phương án đảm bảo an toàn trong mùa mưa bão.

11. Các sở ngành, đặc biệt là Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở NN và PTNT, UBND các huyện, thành phố huy động các nguồn lực để phục vụ cho phòng chống thiên tai.

Sở NN và PTNT tiếp thu ý kiến tại hội nghị; hoàn thiện Báo cáo tổng kết làm tài liệu chính thức, gửi các sở, ngành, các huyện, thành phố, đơn vị liên quan; chủ động tham mưu tốt cho UBND tỉnh trong công tác PCTT và TKCN.

Thông báo là cơ sở để UBND các huyện, thành phố, các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan tổ chức thực hiện./.

 

 


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com