Chiều 18-3, Ban Chỉ đạo cải cách hành chính (CCHC) của Chính phủ đã tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết 10 năm Chương trình tổng thể CCHC Nhà nước giai đoạn 2011-2020, xây dựng chương trình tổng thể CCHC Nhà nước giai đoạn 2021-2030. Các đồng chí: Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ; Trương Hòa Bình, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo CCHC của Chính phủ (Ban Chỉ đạo) chủ trì hội nghị. Dự hội nghị còn có các thành viên Ban Chỉ đạo và đại diện các cơ quan, ban, ngành liên quan; lãnh đạo các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh ta có đồng chí Trần Lê Đoài, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh; lãnh đạo UBND các huyện, thành phố.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình, Trưởng Ban Chỉ đạo nêu rõ: CCHC xuất phát từ đòi hỏi bức bách khi đất nước chuyển mạnh sang thời kỳ phát triển mới, thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá (CNH-HĐH), với những cơ hội và thách thức mới, trong bối cảnh hội nhập và hợp tác quốc tế ngày càng sâu rộng, với những thời cơ thuận lợi cũng như khó khăn thách thức đan xen nhau, diễn biến rất nhanh chóng, phức tạp, khó lường. Thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, Chính phủ đã ban hành Chương trình tổng thể CCHC Nhà nước giai đoạn 2011-2020 kèm theo Nghị quyết 30c/NQ-CP ngày 8-11-2011 với hệ thống các giải pháp và bước đi phù hợp nhằm mục tiêu xây dựng nền hành chính Nhà nước Việt Nam dân chủ, trong sạch, vững mạnh, chuyên nghiệp, hiện đại hoá, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả theo nguyên tắc của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Trong 10 năm qua, CCHC đã được triển khai đồng bộ trên tất cả 6 nội dung: Cải cách thể chế; cải cách thủ tục hành chính (TTHC); cải cách tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước; đổi mới, nâng cao chất lượng đội ngũ CBCC; cải cách tài chính công; hiện đại hoá nền hành chính. Tính từ đầu nhiệm kỳ Chính phủ khóa XIV đến tháng 11-2020, đã cắt giảm, đơn giản hóa hơn 1.000 TTHC, 3.893/6.191 điều kiện kinh doanh; 6.776/9.926 danh mục hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành; tổng chi phí xã hội tiết kiệm được hơn 18 triệu ngày công/năm, tương đương hơn 6.300 tỷ đồng/năm. Các bộ, ngành đã có phương án xử lý 1.501 mặt hàng chồng chéo về thẩm quyền. Bước đầu đạt được một số kết quả trong thực hiện Đề án Tổng thể đơn giản hóa TTHC, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý dân cư giai đoạn 2013-2020. Đã cắt giảm, đơn giản hóa 63% điều kiện kinh doanh, 68% danh mục hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành. Việc triển khai cơ chế một cửa, một cửa liên thông đã đạt được những kết quả rất tích cực, việc giải quyết TTHC nhanh chóng, thuận tiện, giảm thiểu tình trạng chậm, muộn, nhũng nhiễu, tỉ lệ giải quyết đúng hạn đạt 97,37%.
Đối với cải cách tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước, việc xây dựng và ban hành các văn bản quy định về chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức các bộ, ngành Trung ương về cơ bản khắc phục được những tồn tại, hạn chế của các giai đoạn trước, bổ khuyết những thiếu sót thể chế về tổ chức và bộ máy, bảo đảm bao quát đầy đủ chức năng quản lý Nhà nước của Chính phủ.
Công tác xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ CBCCVC: Trong giai đoạn 2011-2020, các quy định về CBCCVC tiếp tục được hoàn thiện đồng bộ trên tất cả các khâu từ tuyển dụng, sử dụng, bố trí, đánh giá, đào tạo, bồi dưỡng, nâng ngạch, thăng hạng. Công tác sắp xếp vị trí việc làm thi tuyển cạnh tranh để bổ nhiệm vào các chức danh lãnh đạo, quản lý; việc tuyển dụng công chức, quản lý CBCCVC; thu hút người có tài năng vào làm việc trong các cơ quan Nhà nước... bước đầu đạt kết quả tích cực. Công tác quản lý; đánh giá, phân loại, đặc biệt là việc chấn chỉnh công tác quản lý CBCCVC đã được đẩy mạnh. Đã đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, kỹ năng nghiệp vụ cho 8,4 triệu lượt CBCC. Cải cách chính sách tiền lương đã được quan tâm và đạt được những kết quả tích cực.
Về công tác cải cách tài chính công: đã từng bước góp phần hoàn thiện chính sách về thuế, thu nhập, tiền lương và chính sách an sinh xã hội, trở thành động lực phát huy nhân tố con người trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện tốt hơn công bằng xã hội, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy Nhà nước, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp CNH-HĐH và hội nhập kinh tế quốc tế. Công tác hiện đại hóa nền hành chính, thực hiện chuyển đổi số quốc gia, xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số là điểm sáng thúc đẩy thay đổi lề lối, phương thức làm việc của các cơ quan Nhà nước. Cơ chế, thể chế, chính sách về khung pháp lý về xây dựng Chính phủ điện tử dần được hoàn thiện.
Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao kết quả đạt được trong Chương trình CCHC giai đoạn 2011-2020 và nhấn mạnh, CCHC cần được chỉ đạo và điều hành sát sao và đúng với yêu cầu của một nhiệm vụ đột phá chiến lược. Theo đó, CCHC Nhà nước giai đoạn 2021-2030 cần tiếp tục triển khai, quán triệt thực hiện. Trong đó, cần tiếp tục đẩy mạnh CCHC nhằm xây dựng nền hành chính dân chủ, hiện đại, chuyên nghiệp, kỷ cương, công khai, minh bạch, nâng cao trách nhiệm giải trình; đội ngũ CBCCVC có phẩm chất, năng lực và uy tín ngang tầm nhiệm vụ; hệ thống cơ quan hành chính Nhà nước các cấp tinh gọn, thông suốt và hoạt động hiệu lực, hiệu quả, có năng lực kiến tạo phát triển, liêm chính, phục vụ nhân dân. Tiếp tục quán triệt chủ trương, đường lối của Đảng về đẩy mạnh CCHC, xây dựng và tổ chức thực hiện chương trình CCHC Nhà nước giai đoạn 2021-2030 một cách toàn diện, đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm, đi vào chiều sâu, thiết thực, hiệu quả phục vụ sự nghiệp CNH-HĐH đất nước, lấy người dân làm trung tâm, lấy sự hài lòng của người dân làm thước đo đánh giá chất lượng hoạt động của bộ máy hành chính Nhà nước. Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật về tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước. Đẩy mạnh nghiên cứu, thí điểm một số mô hình mới về thu gọn tổ chức bộ máy gắn với thực hiện chính sách tinh giản biên chế. Tăng cường thí điểm chuyển giao một số nhiệm vụ và dịch vụ hành chính công mà Nhà nước không nhất thiết phải thực hiện cho doanh nghiệp, các tổ chức xã hội đảm nhiệm; kịp thời sơ kết, tổng kết và nhân rộng những mô hình phù hợp, hiệu quả. Đổi mới hệ thống tổ chức, quản lý và nâng cao hiệu quả hoạt động để tinh gọn đầu mối, khắc phục chồng chéo, dàn trải và trùng lắp về chức năng, nhiệm vụ của các đơn vị sự nghiệp công lập; rà soát, chuyển đổi các đơn vị sự nghiệp công lập có đủ điều kiện sang mô hình công ty cổ phần. Tăng cường phân cấp, phân quyền mạnh mẽ, hợp lý giữa Trung ương và địa phương, giữa cấp trên và cấp dưới, gắn với quyền hạn và trách nhiệm; khuyến khích sự năng động, sáng tạo và phát huy tính tích cực, chủ động của các cấp, các ngành trong thực hiện nhiệm vụ quản lý Nhà nước. Đẩy mạnh cải cách công vụ, công chức, xây dựng đội ngũ CCVC có đủ năng lực, phẩm chất và uy tín đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Nâng cao kỹ năng, tinh thần trách nhiệm, đạo đức công vụ của đội ngũ CCVC trong xây dựng và tổ chức thực thi pháp luật. Tiếp tục đổi mới cơ chế phân bổ ngân sách cho các cơ quan, đơn vị gắn với nhiệm vụ được giao và sản phẩm đầu ra. Hoàn thiện thể chế tạo cơ sở pháp lý và xây dựng cơ sở dữ liệu nền tảng phục vụ cho việc triển khai phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số. Thực hiện chiến lược chuyển đổi số quốc gia theo lộ trình. Tăng cường đầu tư tái cấu trúc hạ tầng công nghệ thông tin các bộ, ngành, địa phương; triển khai xây dựng Chính quyền điện tử gắn kết chặt chẽ với CCHC, nhất là cải cách TTHC nhằm tăng cường tính hiệu quả, bền vững./.
Thanh Tuấn