Kiểm tra công tác phòng trừ sâu bệnh bảo vệ lúa mùa

07:07, 30/07/2020

Chiều 29-7, Đoàn công tác của UBND tỉnh đã đi kiểm tra công tác phòng trừ sâu bệnh bảo vệ lúa mùa ở các địa phương trong tỉnh. 

Vụ mùa năm 2020, toàn tỉnh gieo cấy 73.280ha lúa mùa, giảm 187ha so với vụ mùa 2019; trong đó gieo sạ 27.210ha, chiếm 37% diện tích. Thời tiết giai đoạn mạ đến cấy tương đối thuận lợi nên lúa nhanh bén rễ hồi xanh; đến ngày 28-7-2020, các địa phương đã chăm sóc lần 1 cho 95% diện tích, chăm sóc đợt 2 được 14% diện tích. Toàn tỉnh có 60% diện tích lúa tốt, diện tích lúa trung bình 28%, còn lại là diện tích lúa xấu. Rầy lứa 4 (chủ yếu rầy lưng trắng) đã nở rộ từ ngày 27-7 và kéo dài tới ngày 2-8, mật độ trung bình 100-150 con/m2, nơi cao 200-300 con/m2, cá biệt 1.000 con/m2 như: Giao Thanh, Giao Tân (Giao Thủy); Hải Bắc, Hải Quang (Hải Hậu); Xuân Vinh, Thọ Nghiệp (Xuân Trường); Nghĩa Bình, Nghĩa Hải (Nghĩa Hưng)... phổ biến rầy trưởng thành và tuổi 1, 2; mật độ rầy trưởng thành cao hơn rất nhiều so với cùng kỳ các năm 2018, 2019 (từ 5-7 lần). Đây là lứa quan trọng nhất trong vụ; thời gian gây hại kéo dài và mức độ lây truyền bệnh lùn sọc đen (LSĐ) rất cao. Kết quả xét nghiệm virus LSĐ từ ngày 29-6 đến nay cho thấy có 5/138 mẫu rầy và lúa đã giám định dương tính với virus LSĐ, chiếm 3,62%, cao hơn cùng kỳ năm trước 1,6%. Sâu cuốn lá nhỏ mật độ thấp, nơi cao 1-2 con/m2, cá biệt 3-5 con/m2 phổ biến tuổi 2, 3, 4, thấp hơn cùng kỳ năm 2019. Dự kiến sâu non lứa 5 ra rộ từ ngày 5 đến ngày 10-8-2020. Sâu keo mùa thu đã phát sinh và gây hại trên ngô với mật độ trung bình 1-2 con/m2, nơi cao 5-7 con/m2; dự báo sâu tiếp tục gia tăng mật độ và gây hại mạnh trong thời gian tới.  

Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh và hướng dẫn của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thời gian qua các địa phương đã tập trung cao thực hiện các nhiệm vụ phòng, chống sâu bệnh hại. Cụ thể, đã phun thuốc trừ rầy tiễn chân cho 2.706ha mạ; bừa lồng, vệ sinh đồng ruộng cho 30ha ruộng bỏ hoang; trừ ốc bươu vàng 28.850ha; trừ cỏ dại 36.020ha. Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực đã xây dựng quy trình kỹ thuật, hướng dẫn điều tra phát hiện, phòng trừ dịch hại; có công văn đôn đốc phòng trừ dịch hại và thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, theo dõi sát diễn biến của rầy lưng trắng, thu thập 123 mẫu rầy, 15 mẫu cây lúa (mạ, lúa chét) có biểu hiện triệu chứng bệnh LSĐ để xét nghiệm, phát hiện virus gây bệnh...

Thời gian tới, các địa phương cần tổ chức kiểm tra, đánh giá và phân loại các trà lúa để có biện pháp chăm sóc bổ sung phù hợp. Theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, phối hợp các Công ty thủy nông khoanh vùng, điều tiết, giữ nước cho từng trà lúa, từng xứ đồng; chủ động xây dựng các phương án phòng, chống úng, đảm bảo tưới - tiêu hợp lý phục vụ sản xuất. Tiếp tục tổ chức thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch hại, nhất là bệnh LSĐ: Tổ chức phun thuốc trừ rầy đồng loạt để chủ động phòng ngừa bệnh LSĐ tập trung từ ngày 27-7 đến ngày 2-8. Các huyện phía nam tỉnh và những vùng đã xuất hiện bệnh LSĐ trong những vụ trước cần tổ chức tốt công tác phòng trừ rầy lứa 4. Theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, thời gian tới các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ sẽ có mưa kéo dài nên các địa phương cần tuyên truyền để người dân tranh thủ lách thời tiết phun trừ kịp thời, hiệu quả nhất. Rà soát, khoanh vùng, phun trừ kịp thời sâu keo mùa thu trên lúa, ngô, nhất là vùng đã xuất hiện sâu trên lúa trong vụ mùa 2019. Tiếp tục thu thập mẫu lúa, mẫu rầy giám định virus LSĐ để chủ động khoanh vùng, bao vây, khống chế nguồn bệnh, không để lây lan ra diện rộng. Tăng cường công tác quản lý Nhà nước về vật tư nông nghiệp đảm bảo cung ứng và hướng dẫn nông dân sử dụng theo đúng hướng dẫn của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật./.

Văn Đại



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com