Những ngày gần đây các phương tiện thông tin đại chúng đã thông tin về bệnh dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) quay trở lại tại một số tỉnh, thành phố. Trên địa bàn tỉnh, bệnh DTLCP đang có dấu hiệu quay trở lại tại một số địa phương và xuất hiện tình trạng người chăn nuôi không báo cho chính quyền mà bán chạy lợn ốm nên nguy cơ bệnh lây lan cao. Để khẩn trương kiểm soát, ngăn chặn các ổ dịch phát sinh và lây lan trên diện rộng, UBND tỉnh vừa có Công văn số 510/UBND-VP3 gửi UBND các huyện, thành phố yêu cầu nghiêm túc thực hiện 6 nội dung sau.
1. Tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh với phương châm “dập dịch như chống giặc” theo chỉ đạo tại Công văn số 4529/VPCP-NN ngày 8-6-2020 của Văn phòng Chính phủ; Công văn số 421/UBND-VP3 ngày 21-5-2020 của UBND tỉnh về các biện pháp bảo vệ đàn vật nuôi và phòng, chống bệnh DTLCP tái phát; phát huy vai trò và trách nhiệm của người đứng đầu địa phương, đơn vị trong công tác phòng, chống dịch bệnh, tránh tình trạng chủ quan, lơ là để dịch bệnh phát sinh, lây lan trên diện rộng. 2. Hướng dẫn người chăn nuôi chỉ thực hiện tăng đàn, tái đàn khi đảm bảo các điều kiện an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh; các quy trình chăn nuôi an toàn. 3. Tăng cường công tác nắm bắt thông tin dịch bệnh từ hộ chăn nuôi, người hành nghề thú y, buôn bán thuốc thú y... Yêu cầu lực lượng thú y cơ sở, người hành nghề thú y tự do, người chăn nuôi khi phát hiện lợn ốm không rõ nguyên nhân phải báo cáo ngay chính quyền địa phương hoặc cơ quan chuyên môn để kiểm tra, hướng dẫn biện pháp xử lý. Quản lý chặt chẽ việc buôn bán, giết mổ, vận chuyển lợn, sản phẩm lợn; yêu cầu các hộ kinh doanh, mua bán, vận chuyển lợn, sản phẩm lợn trên địa bàn phải ký cam kết không mua bán, vận chuyển, giết mổ lợn không rõ nguồn gốc, lợn ốm chết; xử lý nghiêm các trường hợp theo quy định. 4. Tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền bằng nhiều hình thức, nhất là thông tin trên hệ thống đài phát thanh cơ sở về tác hại và sự nguy hiểm của các loại dịch bệnh, nguy cơ phát sinh dịch và các biện pháp phòng, chống, những mô hình chăn nuôi an toàn sinh học và các chuỗi liên kết chăn nuôi, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp đáp ứng tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm. Chủ động chia sẻ thông tin dữ liệu ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh trong khu vực để phối hợp quản lý, ngăn chặn, phòng ngừa dịch bệnh. 5. Thành lập các đoàn công tác để đôn đốc, hướng dẫn việc tổ chức các biện pháp phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm của đơn vị cấp xã và hộ chăn nuôi. 6. Đề nghị Ban Chỉ đạo 389 của tỉnh yêu cầu các ngành thành viên tăng cường kiểm soát lưu thông, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm vận chuyển, buôn bán động vật, sản phẩm động vật ra vào tỉnh theo quy định./.
Nguyễn Hương