Nhằm hỗ trợ người sản xuất lúa khắc phục và bù đắp thiệt hại tài chính do hậu quả thiên tai, dịch bệnh gây ra, ngày 4-6-2020 UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 45/KH-UBND triển khai thực hiện chính sách bảo hiểm nông nghiệp (BHNN) cho cây lúa trên địa bàn tỉnh.
Theo kế hoạch, việc triển khai thực hiện chính sách BHNN đối với cây lúa được thực hiện trong vụ mùa năm 2020 (từ tháng 6-2020 đến hết tháng 12-2020) trên địa bàn huyện Trực Ninh. Đối tượng thực hiện là Công ty TNHH Cường Tân, Công ty TNHH Toản Xuân, các hộ trồng lúa trên địa bàn huyện Trực Ninh, các doanh nghiệp kinh doanh sản phẩm BHNN có đủ điều kiện; cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến việc thực hiện chính sách hỗ trợ BHNN. Để việc triển khai thực hiện chính sách BHNN đạt hiệu quả, UBND tỉnh thành lập Tổ công tác của tỉnh do đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm tổ trưởng trực tiếp chỉ đạo toàn diện về triển khai thực hiện BHNN đối với cây lúa trên địa bàn tỉnh. Huyện Trực Ninh thành lập tổ công tác cấp huyện và các xã, thị trấn ngay trong tháng 6-2020. UBND tỉnh yêu cầu Sở NN và PTNT, huyện Trực Ninh, các xã, thị trấn triển khai quán triệt Nghị định số 58/2018/NĐ-CP ngày 18-4-2018 của Chính phủ về BHNN; Quyết định số 22/2019/QĐ-TTg ngày 26-6-2019 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện chính sách hỗ trợ BHNN và các văn bản chỉ đạo hướng dẫn của Bộ Tài chính, Bộ NN và PTNT, UBND tỉnh và các văn bản hướng dẫn của các sở, ngành. Tổ chức tuyên truyền sâu rộng về mục đích, nội dung, yêu cầu của BHNN đối với cây lúa; chỉ đạo tổ chức triển khai ký hợp đồng bảo hiểm đối với cây lúa tại các xã, thị trấn của huyện Trực Ninh và các doanh nghiệp nông nghiệp tham gia bảo hiểm cho cây lúa. Tổ chức hướng dẫn sản xuất và giám sát thực hiện hợp đồng bảo hiểm qua từng vụ và sơ kết, đánh giá, rút kinh nghiệm báo cáo UBND tỉnh để UBND tỉnh báo cáo Chính phủ và các bộ, ngành liên quan. Việc thành lập và phân bổ dự toán quản lý và kế toán phí hỗ trợ được thực hiện theo quy định tại Nghị định số 58/2018/NĐ-CP ngày 18-4-2018 của Chính phủ.
UBND tỉnh giao Sở NN và PTNT tham mưu cho UBND tỉnh lựa chọn, phê duyệt địa bàn hỗ trợ và doanh nghiệp bảo hiểm, báo cáo Bộ Tài chính, Bộ NN và PTNT xây dựng quy trình, quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp để tạo điều kiện cho việc thực hiện chính sách BHNN phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh, trình UBND tỉnh phê duyệt. Chủ trì tổ chức triển khai và tuyên truyền thực hiện chính sách BHNN đối với cây lúa. Hàng năm phối hợp với Sở Tài chính dự kiến kinh phí thực hiện hỗ trợ phí BHNN báo cáo UBND tỉnh xem xét, quyết định. Phối hợp với huyện Trực Ninh tổng hợp danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ thuộc diện nghèo, cận nghèo, các tổ chức, doanh nghiệp sản xuất lúa, tổng hợp diện tích đất trồng lúa vụ xuân, vụ mùa cho từng hộ, từng tổ chức doanh nghiệp; xác định điều kiện sản xuất, điều kiện đồng ruộng của từng xã, thị trấn trên địa bàn huyện Trực Ninh… UBND huyện Trực Ninh chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện BHNN; chỉ đạo Phòng NN và PTNT, UBND các xã, thị trấn tham gia bảo hiểm phối hợp cùng cơ quan liên quan và Công ty kinh doanh bảo hiểm nơi xảy ra thiên tai, dịch bệnh để xác định diện tích, mức độ thiệt hại, đồng thời rà soát, lập danh sách tổ chức, cá nhân sản xuất nông nghiệp đề nghị phê duyệt đối tượng được hỗ trợ, báo cáo UBND huyện thực hiện thẩm định, tổng hợp danh sách được hỗ trợ gửi Sở NN và PTNT. Hội Nông dân, Đài Phát thanh - Truyền hình Nam Định, Báo Nam Định chủ động phối hợp tuyên truyền về BHNN; hướng dẫn, vận động hội viên tuân thủ quy định pháp luật về thực hiện BHNN và các quy định pháp luật liên quan đến trồng trọt. Các doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm phối hợp với Sở NN và PTNT, Sở Tài chính, UBND huyện Trực Ninh và các cơ quan liên quan tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách về BHNN. Tập huấn, hướng dẫn hồ sơ, thủ tục, cách thức thực hiện và chế độ, chính sách bảo hiểm cây lúa cho nông dân, tổ chức và các đơn vị có liên quan. Doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm có trách nhiệm kiểm soát, đề phòng, hạn chế tổn thất và phòng, chống gian lận bảo hiểm và có trách nhiệm trong việc giao kết, thực hiện hợp đồng BHNN. Các tổ chức, cá nhân tham gia BHNN bảo đảm quyền lợi có thể được bảo hiểm đối với đối tượng bảo hiểm theo quy định pháp luật. Cung cấp đầy đủ, trung thực thông tin liên quan đến đối tượng bảo hiểm. Thực hiện giao kết hợp đồng BHNN sau khi đã hiểu đầy đủ các thông tin liên quan đến hợp đồng bảo hiểm, quy tắc, điều khoản, biểu phí bảo hiểm; tạo điều kiện cho doanh nghiệp bảo hiểm kiểm tra các điều kiện bảo đảm an toàn cho đối tượng bảo hiểm. Kịp thời thông báo cho doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm về việc xảy ra sự kiện bảo hiểm; phối hợp chặt chẽ với doanh nghiệp bảo hiểm trong công tác giám định tổn thất để xác định nguyên nhân, mức độ tổn thất, giải quyết bồi thường. Thực hiện trách nhiệm khác theo thỏa thuận hợp đồng BHNN và quy định của pháp luật./.
Văn Đại