Vụ mùa năm 2020, huyện Giao Thủy phấn đấu xây dựng 10 cánh đồng lớn sản xuất lúa hàng hóa, quy mô từ 30 ha/cánh đồng trở lên; xây dựng 1 mô hình liên kết chuỗi giá trị với doanh nghiệp để sản xuất, tiêu thụ sản phẩm lúa hàng hoá.
Để hoàn thành mục tiêu đề ra, UBND huyện chỉ đạo các xã, thị trấn khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp, cá nhân tích tụ, tập trung ruộng đất để sản xuất nông nghiệp hàng hoá theo mô hình cánh đồng lớn gắn với tiêu thụ sản phẩm. Phòng NN và PTNT, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện tăng cường tổ chức tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ nâng cao trình độ sản xuất, quản lý và xây dựng mô hình trình diễn cho nông dân áp dụng. Tích cực kết nối, khuyến khích và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, HTX sản xuất, kinh doanh dịch vụ, tổ hợp tác liên kết xây dựng các chuỗi sản xuất gắn với tiêu thụ lúa thương phẩm và đầu tư xây dựng cơ sở chế biến nông sản tại địa phương. Tăng cường hướng dẫn kỹ thuật thâm canh, chăm sóc, bảo vệ lúa, cây trồng, vật nuôi; nhất là bệnh lùn sọc đen, bệnh bạc lá, chuột; đồng thời làm tốt công tác dự tính, dự báo sâu bệnh đảm bảo an toàn cho các trà lúa mùa của huyện nói chung, các mô hình cánh đồng lớn nói riêng. Khuyến cáo nông dân sử dụng các giống lúa có thời gian sinh trưởng dưới 120 ngày, có tiềm năng năng suất, chất lượng khá, chịu úng và ít nhiễm sâu bệnh để thay thế các giống có thời gian sinh trưởng dài, nhiễm sâu bệnh. UBND các xã, thị trấn chỉ đạo các HTX, các đơn vị kinh doanh dịch vụ nông nghiệp sớm liên hệ, ký hợp đồng và nhập giống từ các doanh nghiệp có uy tín, cung ứng kịp thời cho các hộ xã viên đảm bảo đủ số lượng, chất lượng, đúng chủng loại. Tăng cường kiểm tra hoạt động kinh doanh vật tư nông nghiệp đảm bảo quyền lợi cho người sử dụng; các HTX dịch vụ nông nghiệp làm dịch vụ cung ứng vật tư nông nghiệp cho các hộ xã viên đảm bảo chất lượng, chủng loại.
Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Xuân Thuỷ xây dựng, triển khai vận hành công trình đảm bảo đúng quy trình, sát với diễn biến của thời tiết, thuỷ văn và phù hợp với thực tiễn sản xuất của các địa phương, nhất là tại khu vực cánh đồng lớn, theo phương châm phòng chống úng là chính. Chủ động khai thác phù sa ở thời kỳ làm đất khi điều kiện thời tiết cho phép, thực hiện lấy nhanh - tiêu nhanh; việc đóng - mở cống dưới đê phải thực hiện theo đúng quy định của Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện và quy trình vận hành theo chỉ đạo của tỉnh./.
Văn Đại