Chiều 19-2, UBND tỉnh tổ chức hội nghị triển khai công tác phát triển chăn nuôi và phòng, chống dịch động vật năm 2020. Đồng chí Nguyễn Phùng Hoan, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo (BCĐ) phòng, chống dịch bệnh động vật tỉnh chủ trì hội nghị. Dự hội nghị có lãnh đạo các ngành thành viên BCĐ phòng, chống dịch động vật tỉnh và UBND các huyện, thành phố.
Đồng chí Nguyễn Phùng Hoan, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu kết luận hội nghị. |
Năm 2019, nhiệm vụ phát triển chăn nuôi và phòng, chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm, động vật thủy sản của tỉnh gặp nhiều khó khăn, nhất là bệnh dịch tả lợn châu Phi lần đầu tiên xuất hiện trên địa bàn tỉnh; Ủy ban châu Âu rút “thẻ vàng” cảnh báo đối với hàng thủy sản khai thác của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường châu Âu... Trước tình hình trên, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã ban hành các văn bản chỉ đạo công tác phát triển chăn nuôi, thủy sản và phòng, chống dịch bệnh động vật; kiện toàn BCĐ phòng, chống dịch động vật tỉnh; tổ chức 12 hội nghị triển khai công tác phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi... Theo số liệu thống kê, ước tính đến ngày 1-1-2020, tổng đàn lợn 710.340 con, giảm 21,6% so với năm 2018. Sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng đạt 145,97 nghìn tấn, giảm 4,1% so với năm 2018. Đàn trâu đạt 7.639 con, tăng 1,25%; đàn bò 28.862 con. Sản lượng thịt trâu, bò đạt 3.787 tấn, tăng 1,28% so với năm 2018. Tổng đàn gia cầm đạt gần 8.462 nghìn con. Giá trị sản xuất chăn nuôi ước đạt 6.511,269 tỷ đồng, chiếm khoảng 43,78% tỷ trọng ngành Nông nghiệp. Toàn tỉnh hiện có 192 trang trại đạt chuẩn theo Thông tư 27/2011/TT-BNNPTNT. Để bảo đảm công tác tái đàn lợn an toàn, hiệu quả không để dịch bệnh tái phát, Sở NN và PTNT đã ban hành hướng dẫn biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học và văn bản chỉ đạo quản lý tái đàn; việc thực hiện nuôi tái đàn phải thận trọng, bảo đảm an toàn, có sự kiểm soát chặt chẽ của chính quyền, thú y và người chăn nuôi; có lộ trình phù hợp với từng cơ sở chăn nuôi và địa phương; chỉ đạo thực hiện tái đàn ở những xã, phường, thị trấn đã công bố hết bệnh dịch tả lợn châu Phi. Công tác quản lý môi trường chăn nuôi, giống, thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi tiếp tục được duy trì. Hoạt động quan trắc, cảnh báo môi trường đã phát huy hiệu quả, đáp ứng nguyện vọng của người nuôi. Quản lý chất lượng trong sản xuất chăn nuôi, thủy sản được duy trì thường xuyên. Tuy nhiên, công tác thống kê, báo cáo, quản lý đàn vật nuôi chưa tốt; tổ chức thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, nhất là bệnh dịch tả lợn châu Phi ở một số địa phương chưa tốt, chưa quyết liệt; dịch lở mồm, long móng trên đàn trâu bò vẫn xảy ra; công tác giám sát, báo cáo dịch còn chậm, chưa kịp thời. Công tác vệ sinh, xử lý chất thải chăn nuôi chưa được quan tâm đúng mức gây ô nhiêm môi trường, tiềm ẩn nguy cơ phát sinh dịch bệnh. Tỷ lệ tiêm vắc-xin phòng bệnh cho đàn vật nuôi đặc biệt tiêm vắc-xin dại cho đàn chó đạt kết quả thấp. Một số nội dung triển khai Luật Thủy sản 2017 còn chậm hoặc chưa được triển khai.
Năm 2020, UBND tỉnh yêu cầu các cấp, ngành, địa phương tập trung sự lãnh đạo, chỉ đạo, huy động cả hệ thống chính trị, các nguồn lực triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các giải pháp phát triển chăn nuôi, thủy sản và phòng, chống dịch động vật nhất là bệnh cúm gia cầm A/H5N1, A/H5N6, bệnh dịch tả lợn châu Phi, bệnh đốm trắng và hoại tử gan tụy cấp trên tôm. Toàn tỉnh phấn đấu giá trị sản xuất ngành chăn nuôi tăng 2,5-3% so với năm 2019; tỷ trọng chăn nuôi chiếm trên 40% cơ cấu kinh tế ngành trở lên. Sản lượng đàn lợn đạt 680 nghìn con; đàn gia cầm 8,6 triệu con; đàn trâu, bò 36.500 con. Sản lượng thịt gia súc, gia cầm đạt 185 nghìn tấn, trong đó thịt lợn 145 nghìn tấn, thịt gia cầm 28 nghìn tấn, thịt trâu bò 4.000 tấn, các loại thịt khác 8.000 tấn. Giá trị sản xuất ngành thủy sản tăng từ 4-4,5% so với năm 2019...
Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Phùng Hoan đề nghị các địa phương rà soát, thống kê chính xác số lượng đàn vật nuôi và nghiên cứu kỹ các quy định của Luật Chăn nuôi để xây dựng kế hoạch phát triển chăn nuôi phù hợp với tình hình hiện nay. Trong kế hoạch chăn nuôi, ngoài các biện pháp kỹ thuật, cần tập trung vào giải pháp liên quan đến trách nhiệm quản lý của chính quyền cấp cơ sở để bảo đảm quản lý chặt chẽ ngành chăn nuôi, người nuôi. Quy định cụ thể điều kiện chăn nuôi mới được chăn nuôi để khi xảy ra dịch sẽ được hỗ trợ, còn hộ chăn nuôi không tuân thủ các quy định sẽ không được hỗ trợ. Bên cạnh đó, cần coi trọng cơ cấu đàn vật nuôi của địa phương, nhất là đàn gia súc, đàn lợn và gia cầm, bảo đảm cân đối giữa tốc độ tăng trưởng và vấn đề bảo vệ môi trường. Hạn chế chăn nuôi nhỏ lẻ, khuyến khích chăn nuôi tập trung theo mô hình trang trại, gia trại. Tăng cường quản lý môi trường trong chăn nuôi. Phát triển mô hình chăn nuôi an toàn sinh học, mô hình chăn nuôi mới, hiệu quả, an toàn. Phấn đấu năm 2020, ngành chăn nuôi đạt 45% cơ cấu nội ngành Nông nghiệp, chăn nuôi trong hộ không quá 55%. Hiện nay, tỉnh ta đã khởi động chương trình phát triển thành phố thông minh, vì vậy Sở NN và PTNT chủ động phối hợp với Sở TT và TT, các huyện tổ chức tích hợp thông tin, số liệu vào xây dựng cơ sở dữ liệu để góp phần vận hành chương trình. Các huyện xây dựng kế hoạch phát triển chăn nuôi xong trước ngày 10-3 để UBND tỉnh tổng hợp, ban hành kế hoạch chung của tỉnh vào ngày 15-3-2020 tạo cơ sở để các sở, ngành, địa phương triển khai thực hiện. Đối với công tác phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu huyện Hải Hậu tập trung chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương công bố hết dịch. Tiếp tục rà soát, thống kê, báo cáo UBND tỉnh sớm hoàn thiện việc chi trả, hỗ trợ 15% người chăn nuôi còn lại bị thiệt hại do bệnh dịch tả lợn châu Phi. Để triển khai hiệu quả Luật Chăn nuôi, Luật Thủy sản, Sở NN và PTNT cần tham mưu cho UBND tỉnh có văn bản nói rõ cần phải làm gì, cấp nào làm, thời điểm làm và làm như thế nào. Trong công tác phòng, chống dịch bệnh động vật, căn cứ vào sự chỉ đạo của Bộ NN và PTNT, UBND tỉnh, Sở NN và PTNT tham mưu cho tỉnh có văn bản chỉ đạo với tinh thần nghiêm túc, trách nhiệm, quyết liệt, chặt chẽ, bài bản và đồng bộ, với phương châm phòng là chính. Đối với BCĐ phòng, chống dịch bệnh động vật tỉnh, các sở, ngành rà soát lại để kiện toàn, bổ sung chức năng, trách nhiệm của từng thành viên, bảo đảm hoạt động hiệu quả./.
Tin, ảnh: Văn Đại