Ngày 18-9, UBND tỉnh tổ chức hội nghị tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 18-3-2002 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể. Dự hội nghị có các đồng chí: Trần Văn Chung, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Phùng Hoan, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh.
Theo báo cáo của UBND tỉnh sau 15 năm thực hiện Nghị quyết 13-NQ/TW ngày 18-3-2002 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, kinh tế tập thể, hợp tác xã của tỉnh đã đạt được nhiều kết quả nổi bật, đáng ghi nhận. Tỉnh đã nghiêm túc quán triệt, triển khai các nội dung, giải pháp của Nghị quyết số 13; cụ thể hóa Luật Hợp tác xã năm 2003, Luật Hợp tác xã năm 2012 nhằm nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và hộ nông dân, xã viên thấy rõ vai trò, lợi ích của kinh tế tập thể, hợp tác, từ đó tích cực tham gia thành lập hợp tác xã, tổ chức lại mô hình hoạt động theo Luật. Đến nay, các hợp tác xã đã từng bước khắc phục những tồn tại, yếu kém trong tổ chức, quản lý và hoạt động; có phương án sản xuất, kinh doanh cụ thể, rõ ràng, đáp ứng nhu cầu thực tế. Toàn tỉnh thành lập mới 96 hợp tác xã, nâng tổng số lên 433 hợp tác xã, 47 tổ hợp tác, 42 quỹ tín dụng nhân dân. So với năm 2003, số hợp tác xã tăng 24 đơn vị nhưng số thành viên giảm hơn 91 nghìn người do các hợp tác xã tổ chức lại hoạt động theo mô hình mới, bộ máy quản lý tinh gọn đủ 6 vị trí chức danh cơ bản. Hầu hết các hợp tác xã tổ chức lại theo 3 hình thức: giải thể hợp tác xã cũ, thành lập hợp tác xã mới; tổ chức lại hợp tác xã theo Luật Hợp tác xã năm 2012 thông qua Đại hội xã viên nhiệm kỳ (2009-2014) và hợp tác xã chuyên ngành thành lập mới theo Luật Hợp tác xã năm 2012; đa số các hợp tác xã đều có phương án sản xuất, kinh doanh, tổ chức dịch vụ, tổ chức cho xã viên sản xuất nông sản hàng hóa với giá trị gia tăng cao. Doanh thu và thu nhập bình quân hàng năm của hợp tác xã đều tăng với mức tăng trưởng 5-6%. Các hợp tác xã đã tiếp tục phát huy vai trò cầu nối hỗ trợ nông dân thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước và phát triển kinh tế. Sản xuất nông nghiệp, kinh tế nông thôn phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, bền vững, năng suất, chất lượng, hiệu quả, từng bước được nâng cao. Bộ mặt nông thôn thay đổi rõ rệt, kết cấu hạ tầng được mở mang hiện đại; việc đầu tư kiến thiết hệ thống thủy lợi, giao thông, nước sạch, vệ sinh môi trường đều có sự tham gia thiết thực của các hợp tác xã. Các điều kiện sống, sinh hoạt ở nông thôn ngày càng đầy đủ, giảm khoảng cách với thành thị.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được hoạt động kinh tế tập thể, hợp tác xã của tỉnh về cơ bản chưa đạt yêu cầu đề ra. Năng lực, trình độ cán bộ quản lý còn yếu kém; tiềm lực tài chính của hợp tác xã, nhất là hợp tác xã nông nghiệp, còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển trong tình hình mới; quy mô sản xuất nhỏ, sản phẩm thiếu sức cạnh tranh trên thị trường. Một số đơn vị chưa nhận thức đầy đủ về bản chất, nguyên tắc tổ chức, hoạt động của hợp tác xã và không xác định được định hướng kinh doanh, chiến lược phát triển; doanh thu, lợi nhuận không cao chỉ đủ trang trải các chi phí hoạt động thường xuyên, thu nhập của thành viên và người lao động thấp, không trích lập được các quỹ, không có vốn tích lũy. Toàn tỉnh hiện còn 134 hợp tác xã trung bình, hoạt động chưa hiệu quả, 70 hợp tác xã yếu kém (trong đó có 12 hợp tác xã đã ngừng hoạt động).
Thời gian tới tỉnh tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp; nâng cao vai trò quản lý Nhà nước trong đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả của kinh tế tập thể. Phát huy vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội trong tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân tham gia phát triển toàn diện kinh tế tập thể gắn với xây dựng nông thôn mới nâng cao và tái cơ cấu nông nghiệp. Toàn tỉnh phấn đấu mỗi năm thành lập mới từ 10-15 tổ hợp tác, 15-20 hợp tác xã. Phấn đấu đến năm 2025 thành lập được 5 liên hiệp hợp tác xã nông nghiệp, đến năm 2030 thành lập được 7-10 liên hiệp hợp tác xã nông nghiệp; phấn đấu đến năm 2025 có 100% quỹ tín dụng nhân dân hoạt động an toàn, hiệu quả, nợ xấu dưới mức cho phép; 90% hợp tác xã vận tải và tiểu thủ công nghiệp hoạt động hiệu quả; 85% số hợp tác xã nông nghiệp hoạt động có lãi, có tích lũy; 50-70% hợp tác xã nông nghiệp tham gia các chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm chủ lực và chương trình mỗi xã một sản phẩm ở địa phương, không còn hợp tác xã ngừng hoạt động.
Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Phùng Hoan khẳng định, để đạt được mục tiêu đề ra trong phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã, thời gian tới, các ngành, các địa phương cần tiếp tục xác định phát triển mô hình hợp tác xã kiểu mới là xu thế tất yếu, tập trung chỉ đạo phát triển toàn diện kinh tế hợp tác, nhất là các loại hình hợp tác xã nông nghiệp, tập trung thực hiện các giải pháp nâng cao năng lực hoạt động của hợp tác xã theo Luật Hợp tác xã năm 2012, khuyến khích hợp tác xã ứng dụng hiệu quả công nghệ cao trong sản xuất, kinh doanh dịch vụ và phát triển các chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản hàng hóa gắn với phát triển sản phẩm OCOP, trọng tâm là 6 nhóm giải pháp gồm: xử lý dứt điểm các hợp tác xã yếu kém; nâng cao chất lượng hoạt động của các hợp tác xã nông nghiệp hoạt động chưa hiệu quả, đồng thời duy trì, nâng cao chất lượng các hợp tác xã đang hoạt động hiệu quả; thành lập mới các hợp tác xã nông nghiệp chuyên ngành; phát triển mô hình liên kết hợp tác xã sản xuất và tiêu thụ nông sản; phát triển các hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp./.
Thanh Thúy